Việt Nam có nhiều lợi ích thiết thực

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trả lời phỏng vấn pv, Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị cho rằng Australia rất quan tâm thúc đẩy quan hệ với ASEAN và Việt Nam có nhiều lợi ích thiết thực từ sự phát triển quan hệ ASEAN - Australia...
Việt Nam có nhiều lợi ích thiết thực
Đại sứ Lương Thanh Nghị và nguyên Toàn quyền Australia nhân dịp trình Quốc thư.

dư luận cho rằng chưa bao giờ Australia lại thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ như bây giờ đối với ASEAN. Xin Đại sứ bình luận về nhận định này?

Đúng là hiện nay Australia rất quan tâm tới quan hệ với ASEAN. Phát biểu ngày 19/3 trong cuộc gặp với Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại Canberra, Ngoại trưởng Julie Bishop khẳng định Đông Nam Á là khu vực "sống còn" đối với các lợi ích kinh tế và chiến lược của Australia. Thượng nghị sĩ phụ trách đối ngoại Quốc hội Brett Mason khẳng định: "Chúng tôi không muốn bỏ lỡ chuyến tàu ASEAN".

Việc Australia cũng như các đối tác đối thoại khác của ASEAN ngày càng quan tâm thúc đẩy quan hệ với ASEAN, có thể do các nguyên nhân sau: Thứ nhất, châu Á-TBD tiếp tục phát triển năng động, thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn. Thứ hai, trong cấu trúc khu vực nhiều tầng nấc đang định hình ở châu Á-TBD, ASEAN (dân số hơn 600 triệu với tổng GDP khoảng 2.400 tỉ USD) đang nổi lên là cơ chế hợp tác hiệu quả, có uy tín, thể hiện vai trò trung tâm trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Thứ ba, bản thân Australia ngày càng đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hướng tới châu Á, các chính phủ gần đây đều đặt ưu tiên cao trong tăng cường hợp tác với các nước thành viên cũng như tổ chức ASEAN, không chỉ về kinh tế-thương mại-đầu tư, mà còn trong cả các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, vì lợi ích của chính Australia và vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở châu Á - TBD.

Australia là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN. Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ ASEAN - Australia, đặc biệt từ sau khi hai bên ký Hiệp định lập quan hệ Đối tác toàn diện?

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngày 16/4/1974 đến nay, quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Australia đã phát triển nhanh chóng và ngày càng sâu rộng. Sau khi hai bên ký Hiệp định thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2007, lần đầu tiên tại Hà Nội (năm 2010) đã diễn ra cuộc họp cấp cao ASEAN-Australia, trong đó lãnh đạo hai bên tái khẳng định mạnh mẽ ý nghĩa quan trọng của quan hệ đối tác lâu dài ASEAN-Australia.

Ngay sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực vào năm 2008, Australia đã bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Jillian Bird làm Đại sứ đầu tiên của Australia tại ASEAN.

Những năm gần đây, trong bối cảnh ASEAN và Australia nổi lên là những nhân tố có vị thế và ảnh hưởng ngày càng gia tăng tại khu vực, hai bên đã đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của nhau. quan hệ ASEAN - Australia được mở rộng từ kinh tế sang các lĩnh vực khác và ngày càng gắn kết hữu cơ.

 

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh và các Đại sứ các nước ASEAN tại Australia.

Về chính trị và an ninh, hai bên đã có cơ chế họp cấp cao, bên cạnh các cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao và tham vấn thường niên khác. Năm 2005, Australia tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC). Australia ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và củng cố các diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt, trong đó có ARF, EAS, ADMM+, AMF+… nhằm duy trì an ninh và phát triển kinh tế ở khu vực. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác về an ninh hàng hải, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủ‌ng b‌ố, phòng chống buôn bán người, an ninh thực phẩm và năng lượng…

Về kinh tế, ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia (chiếm 14,8%) và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Australia (18,1%); Australia là đối tác thương mại lớn thứ bảy của ASEAN. Tham vấn cấp Bộ trưởng kinh tế thường niên ASEAN (AEM) với các đối tác kinh tế gần gũi đã trở thành diễn đàn cao nhất để đề xuất, thảo luận chính sách và ý tưởng nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN, Australia và New Zealand.

Tháng 2/2009, Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) đã được ký kết. Hai bên đang hợp tác triển khai Chương trình Hợp tác Kinh tế (ECWP) trị giá 20-25 triệu AUD để hỗ trợ triển khai AANZFTA; đồng thời hiện đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khởi đầu từ tháng 11/2012.

Australia cũng tích cực hỗ trợ ASEAN trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, phòng chống thiên tai và biến đối khí hậu, thúc đẩy hội nhập và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN… Đáng chú ý, hợp tác giáo dục là điểm sáng nổi bật trong quan hệ ASEAN - Australia. Hàng năm, Australia cung cấp hơn 1.000 học bổng cho sinh viên ASEAN sang học tại Australia và cho sinh viên Australia học tại các nước ASEAN. Hai bên cũng đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. ASEAN hoan nghênh Kế hoạch Colombo Mới do Australia đề xuất gần đây, theo đó, sẽ hỗ trợ các sinh viên Australia sang học tập và thực tập tại các nước ASEAN.

Hợp tác phát triển giữa ASEAN và Australia ngày càng có hiệu quả thiết thực, trong đó trụ cột là Giai đoạn II của Chương trình Hợp tác Phát triển ASEAN-Australia 2008-2015 và sẽ được kéo dài đến 2019 với giá trị 57 triệu AUD.

Với nền tảng vững chắc của mối quan hệ song phương và mục tiêu phấn đấu tương đồng, ASEAN tiếp tục coi trọng tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với Australia. Hai bên đang chuẩn bị Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia vào cuối năm nay tại Myanmar, trong đó có việc thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-Australia 2014-2018, xác định lộ trình phát triển quan hệ ASEAN-Australia thời gian tới.

Dịp kỷ niệm 40 năm là cơ hội tốt để hai bên cùng nhìn nhận lại các thành tựu trong thời gian qua và cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, trong bối cảnh ASEAN đang tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

ASEAN đang cùng sáu đối tác, trong đó có Australia, đàm phán về RCEP. Theo Đại sứ, RCEP hoàn tất (dự kiến trong năm 2015) sẽ giúp cải thiện quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên như thế nào?

Đầu tư của Australia vào các nước ASEAN tuy có tăng trưởng nhưng hiện vẫn ở mức khiêm tốn so với các đối tác đối thoại khác của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng hợp tác kinh tế ASEAN-Australia, trong đó có đầu tư, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, do hai bên đã thiết lập các cơ chế hợp tác như Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế thường niên ASEAN-Australia-NewZealand, Khuôn khổ Đối tác Kinh tế Gần gũi AFTA-CER CEP, AANZFTA…

Australia đánh giá cao RCEP với sự tham gia của ASEAN và sáu đối tác đã ký FTA với ASEAN, trong đó có Australia. Sức hấp dẫn của RCEP đối với các nhà đầu tư Australia vào thị trường ASEAN và một số đối tác châu Á chính là mục tiêu của Hiệp định nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế hiện đại, toàn diện và chất lượng cao, mang lại lợi ích cho tất cả các bên, thông qua xây dựng thị trường thống nhất, xóa bỏ rào cản đầu tư, hài hòa và thuận lợi hóa các thủ tục đầu tư, nâng cao mức độ tự do di chuyển các nhân tố sản xuất… Do đó, RCEP là một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế thương mại và đầu tư của Australia nhằm bảo đảm tiếp cận thị trường nước ngoài cho các nhà xuất khẩu và đầu tư Australia.

Đối với hợp tác kinh tế ASEAN-Australia, RCEP có ý nghĩa hết sức quan trọng xét từ các góc độ, đó là: (i) RCEP cung cấp nền tảng cho quan hệ thương mại và đầu tư mở hơn và bền vững hơn giữa hai bên do bốn trong số 12 đối tác thương mại hàng đầu của Australia là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, cùng với các đối tác khác tham gia RCEP hiện chiếm 60% kim ngạch thương mại hai chiều và 70% xuất khẩu của Australia; (ii) RCEP góp phần giảm thiểu lo ngại về sự trùng lặp của các FTA song phương và mang lại lợi ích bổ sung, hoàn thiện các FTA đã có giữa Australia với ASEAN và New Zealand, giữa Australia với một số đối tác ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia; (iii) Việc Australia và một số đối tác ASEAN đang đồng thời tham gia đàm phán RCEP và TPP sẽ góp phần tạo nên lộ trình mới hướng tới khu vực mậu dịch tự do ở châu Á-TBD.

Với các lý do trên, RCEP được đánh giá là khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư triển vọng đối với ASEAN và Australia, mở ra thị trường chung gồm 16 quốc gia với dân số hơn 3 tỉ người và có GDP chiếm 30% tổng GDP toàn cầu và 25% xuất khẩu của thế giới.

Theo Đại sứ, trong chính sách tổng thể của Australia với ASEAN, Việt Nam có vị trí như thế nào, thể hiện trong thực tế ra sao?

Trong chính sách với ASEAN của Australia, Việt Nam có vị trí quan trọng. Việt Nam là thị trường lớn 90 triệu dân, đang nổi lên với nhiều tiềm năng hợp tác với Australia và mức độ bổ sung cho nhau cao. Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng; tích cực hội nhập và kết nối với ASEAN và khu vực. Với vị thế ngày càng gia tăng trong ASEAN, Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối đưa Australia đến với các đối tác khác trong khu vực.

Do đó, Australia coi trọng quan hệ với Việt Nam trong mối quan hệ tổng thể với ASEAN. Trong các nước thành viên ASEAN, ngoài quan hệ Đối tác chiến lược với Indonesia, Australia mới chỉ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Trong trao đổi, tiếp xúc cấp cao, Lãnh đạo Australia, kể cả của Liên đảng cầm quyền và Công đảng đối lập đều bày tỏ coi trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam, quan tâm các nguyện vọng và nhu cầu của Việt Nam trong khi đề ra các chương trình hợp tác song phương cụ thể...

Sự phát triển của quan hệ ASEAN - Australia mang lại lợi ích cụ thể gì cho Việt Nam? Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy quan hệ ASEAN - Australia qua đó tăng cường quan hệ song phương với Australia?

Là một thành viên ngày càng kết nối sâu sắc trong ASEAN, Việt Nam có những lợi ích thiết thực từ sự phát triển quan hệ ASEAN-Australia; trước hết đó là môi trường thuận lợi để phát triển đất nước và đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Việt Nam. Xin đơn cử một số lĩnh vực cụ thể. Về kinh tế-thương mại, bên cạnh việc thực hiện AANZFTA, quan hệ hợp tác kinh tế thuận lợi ASEAN -Australia góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, cạnh tranh tốt hơn về giá so với các đối thủ tại thị trường Australia và New Zealand, có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên vật liệu và máy móc của Australia và New Zealand với giá rẻ hơn. Australia và New Zealand đã công nhận Quy chế thị trường cho Việt Nam vào 2/2009. Sau ba năm AANZFTA đi vào thực tế, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Australia đã tăng trưởng từ 4,14 tỉ USD trong 2010 lên hơn 6 tỉ USD trong 2013.

Về chính trị-an ninh, sự phát triển quan hệ ASEAN-Australia, đặc biệt sau khi Cộng đồng ASEAN được hình thành vào 2015 sẽ tạo môi trường thuận lợi cho Việt Nam tham gia vào tạo dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung đối với an ninh toàn diện, hướng tới một khu vực năng động và rộng mở với bên ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết và tùy thuộc. Đồng thời, Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh hợp tác về chính trị, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực thể hiện trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác an ninh biển...

Về quan hệ đối ngoại, sự phát triển quan hệ ASEAN-Australia góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các đối tác bên ngoài, trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đang cùng với các thành viên khác trong Hiệp hội tạo lập và thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong một cấu trúc khu vực đang định hình nhằm thúc đẩy và giữ vững môi trường an ninh, hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Vì vậy, việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Australia sẽ góp phần tối đa hóa những lợi ích nêu trên. Để đẩy mạnh mối quan hệ ASEAN-Australia, ở cấp quan hệ song phương, việc củng cố và phát triển mạnh mẽ quan hệ với Australia là sự đóng góp hữu hiệu vào tăng cường quan hệ giữa ASEAN với Australia. Ở cấp toàn Hiệp hội ASEAN, Việt Nam cần chủ động đề xuất các sáng kiến hợp tác ASEAN-Australia, tích cực phối hợp với các nước trong Hiệp hội thúc đẩy và thực hiện sáng kiến, triển khai chương trình hợp tác đã được thỏa thuận giữa hai bên.

Chặng đường phát triển 40 năm qua của quan hệ ASEAN-Australia cho thấy, Việt Nam có thể khai thác nhiều tiềm năng từ sức sống mạnh mẽ của mối quan hệ trên thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa mức độ hợp tác và liên kết giữa hai bên, đem lại những tác động sâu rộng và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của người dân Việt Nam và các nước ở khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa ASEAN trở thành nhân tố quan trọng và trung tâm trong việc bảo đảm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật