Môn Sinh: Dễ đạt điểm cao nếu biết phân loại đề

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Môn Sinh thường có các “thủ thuật” xử lý với câu hỏi lý thuyết hoặc các công thức tính nhanh đối với bài tập để tìm ra kết quả nhanh gọn. Do đó, học sinh chịu khó để ý, biết cách phân loại và học theo từng dạng sẽ dễ dàng đạt điểm cao.
Môn Sinh: Dễ đạt điểm cao nếu biết phân loại đề
Theo thầy Nam, khi làm bài môn Sinh thường có các công thức tính nhanh hoặc các “thủ thuật” để xử lý với câu hỏi lý thuyết để tìm ra kết quả nhanh gọn (Ảnh minh họa: Đức Nguyễn)

Đó là chia sẻ của thầy Thịnh Nam, giáo viên chuyên luyện thi môn Sinh, thành viên Hội đồng xây dựng ngân hàng đề thi Quốc gia.

Thầy Nam cho biết, cấu trúc đề thi môn Sinh khoảng 3 năm trở lại đây nhìn chung không có nhiều thay đổi. Phần nội dung Di truyền học 30 câu; Tiến hóa 10 câu và phần Sinh thái học 10 câu. Câu hỏi mức độ dễ chiếm khoảng 10 câu; câu khá 20 câu; câu hỏi khó 20 câu.

Trong đề thi, các dạng câu hỏi cần học sinh phải tư duy, suy luận ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là câu hỏi tổng hợp kiến thức. Dạng câu hỏi mang tính học “vẹt” ngày càng ít. Điều này khiến học sinh phải học môn Sinh một cách nghiêm túc, có hệ thống.

Trong đề thi đại học môn Sinh thường có khoảng 60% lý thuyết và 40% là bài tập. Như vậy, bài tập trong đề thi chiếm khoảng 20 câu. Khi làm bài môn Sinh thường có các công thức tính nhanh hoặc các “thủ thuật” để xử lý với câu hỏi lý thuyết để tìm ra kết quả nhanh gọn. Do đó, nếu học sinh để ý, biết cách phân loại và học theo từng dạng một các em sẽ dễ dàng đạt điểm cao, kể cả trong kỳ thi đại học.

Thầy Thịnh Nam, giáo viên chuyên luyện thi môn Sinh, thành viên Hội đồng xây dựng ngân hàng đề thi Quốc gia

Học sinh đọc vội đề dễ chọn nhầm đáp án

Theo thầy Nam, trong quá trình học một số em không định hình rõ ràng được phương pháp làm bài đối với dạng bài tập trắc nghiệm. Do vậy, khi làm bài, học sinh cần suy nghĩ kỹ và áp dụng phương pháp phù hợp với từng bài và bám sát 4 đáp án để tìm ra đáp án đúng nhanh nhất.

Ví dụ: Đề bài cho A quy định hạt tròn, alen lặn a quy định hạt dài; B quy định hạt chín sớm, alen lặn b quy định hạt chín muộn. Hai gen này thuộc cùng một nhóm gen liên kết. Tiến hành cho các cây hạt tròn, chín sớm tự thụ phấn, thu được 1000 cây đời con với 4 kiểu hình khác nhau, trong đó có 240 cây hạt tròn, chín muộn. Biết rằng mọi diễn biến trong quá trình sinh hạt phấn và sinh noãn là như nhau. Kiểu gen và tần số hoán vị gen (f) ở các cây đem lai là:

A. AB/ab và f = 20%.             B. Ab/aB và f = 20%.

C. Ab/aB và f = 40%.             D. AB/ab và f = 40%.

Với câu này, sau khi học sinh đọc đề thì phải thấy được ngay là đề hỏi tần số hoán vị, mà mọi diễn biến trong quá trình sinh hạt phấn và sinh noãn là như nhau. Khi đó, học sinh cần định hình và nghĩ ngay đến các công thức tính nhanh. Cụ thể, nếu gọi tỷ lệ giao tử ab là x thì tỷ lệ kiểu hình lặn sẽ là x2. Khi đó, tỷ lệ kiểu hình hạt tròn, chín muộn (1 trội + 1 lặn) = 25% - x2 => 25% - x2 = 240/1000 => x = 10% < 20%

=> Đây là giao tử sinh ra do hoán vị => Kiểu gen cây đem lai có kiểu gen  và tần số hoán vị f = 20%. Như vậy, đáp án đúng là B.

Học sinh thường học lan man, không biết đầu tư sắp xếp thời gian, thiếu phương pháp học tập hiệu quả cho từng phần.

Ví dụ: Phần nội dung Tính quy luật của hiện tượng di truyền có 11 câu trong đề, đa phần là bài tập. Vậy điều học sinh cần là cách giải các dạng bài tập quy luật di truyền chứ không phải là đầu tư học quá nhiều lý thuyết phần này.

Thầy Nam cho biết thêm, khi làm bài môn Sinh, học sinh hay vội vàng, đọc không kỹ đề dẫn đến hiểu sai ý hỏi, chọn nhầm đáp án.

Ví dụ: Đề bài cho với 4 loại nucleotit A, U, G, X, thì số bộ ba mã hóa có chứa nucleotit loại G tối đa có thể được tạo ra là

A. 27.                          B. 37.                          C. 35.                          D. 34.

Với câu này, rất nhiều em đọc đề không kỹ nên sẽ làm ngay là: Số loại bộ ba chỉ có 3 loại nucleotit A, U, X là: 3x3x3 = 27 (bộ ba). Vậy số bộ ba có chứa G là: 64 – 27 = 37 (bộ ba) khi đó các em sẽ chọn đáp án B. Tuy nhiên, đề hỏi số bộ ba mã hóa có chứa nucleotit loại G. Mà trong 3 mã kết thúc thì có hai mã là UAG, UGA có G. Do đó, số bộ ba mã hóa có G = 37 – 2 = 35 => Đáp án đúng phải là C.

Học sinh thường chủ quan với câu hỏi lý thuyết. Đây là một sai lầm lớn đối với các em. Bởi vì lí thuyết chiếm 6 điểm trong đề thi đại học nhưng rất nhiều em khi học bài thường coi nhẹ học các phần lý thuyết. Việc này dẫn đến học sinh không lắm vững bản chất của kiến thức nên đi thi đáp án đúng thì nhầm tưởng là sai, đáp án sai nhầm tưởng là đúng.

Ví dụ: Đề bài hỏi, cơ chế điều chỉnh số lượng cá thể của quần thể không phải là:

A. Tỷ lệ sinh tăng thì tỉ lệ tử giảm trong quần thể.

B. Sự cạnh tranh cùng loài và sự di cư của một bộ phận hay cả quần thể.

C. Sự thay đổi mức sinh sản và t‌ử von‌g dưới tác động của nhân tố vô sinh và hữu sinh.

D. Sự điều chỉnh vật ăn thịt và vật ký sinh.

Với câu này, khi học sinh chưa hiểu rõ nội dung hỏi nhiều em nghĩ đáp án đúng sẽ không phải là A mà tập trung vào một một chọn một trong 3 đáp án B, C, D. Tuy nhiên, ở câu hỏi này đáp án đúng lại là A và nhiều em học sinh không đọc kỹ đề bài đã bị lừa.

Bí quyết giành điểm cao môn Sinh

Theo thầy Nam, để đạt điểm cao môn Sinh trong kỳ thi đại học bắt buộc học sinh phải cẩn thận, làm bài logic đúng khoa học. Trước ngày đi thi các em nên chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết như tẩy, máy tính, bút bi, bút chì 2B vót cả hai đầu (vót hai đầu để cứ cầm vào cái bút chì là ta có thể tô ngay).

Khi nhận đề thi, học sinh làm bài thi theo 3 vòng.

vòng 1, các em làm câu hỏi dễ trước. Khi đọc xong đề phát hiện ngay ra đáp án đúng thì phải tô ngay vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Câu nào học sinh không làm được thì cần đánh dấu ở ngay trên đề để tiện cho việc theo dõi.

Vòng 2, học sinh chọn làm các câu hỏi mức trung bình. Ở dạng câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ kỹ hơn. Tuy nhiên, nếu không chu ý thời gian thì học sinh rất dễ bị rơi vào trạng thái hết giờ mà chưa làm xong vòng này. Vì vậy, học sinh cần đặc biệt chu ý thời gian khi làm vòng này để đạt hiệu quả cao.

Vòng 3, các em chọn làm câu hỏi khó. Đây là dạng câu hỏi cần học sinh phải suy nghĩ nhiều hoặc phải có phương pháp giải đặc biệt với tìm ra đáp án. Gặp dạng này đôi khi học sinh nghĩ thật kỹ thì ra, nhưng đôi khi càng nghĩ càng thấy bế tắc. Do đó, nếu thật sự bế tắc học sinh có thể dùng phương án loại trừ dần những phương án bản thân mình cho là sai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật