Myanmar hiện đại hóa hải quân: Trùng trùng gian khó

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là một quốc gia có 1.930 km đường bờ biển và một vùng biển rộng hơn 600.000 km2, nên hải quân đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chính sách quốc phòng của Myanmar.
Myanmar hiện đại hóa hải quân: Trùng trùng gian khó
Tàu hộ tống Aung Zeya của Myanmar

Cũng chính vì lý do này mà tỷ trọng đầu tư cho hải quân chiếm một phần rất lớn trong ngân sách quốc phòng lên đến khoảng 2,3 tỉ USD mỗi năm của Myanmar. Nước này cũng có hợp tác quân sự khá chặt chẽ với Trung Quốc, nên nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kĩ thuật rất lớn từ đây. Khởi đầu từ những tàu tuần tiễu vào năm 1996, Myanmar dần dần tự đóng được các tàu tên lửa cao tốc, rồi tàu hộ vệ tên lửa…

Trong 3 ngày cuối tháng 3-2014, hải quân Myanmar đã tiếp nhận thêm hai tàu hộ tống hiện đại lớp Aung Zeya (F-12 UMS Kyansittha và F-14 UMS Sinbyushin). Như vậy, trong lực lượng tàu chiến đấu mặt nước của Myanmar đã có 3 tàu hộ tống lớp Aung Zeya, 2 tàu hộ tống lớp giang hồ-II mua của Trung Quốc, 2 tàu hộ vệ lớp Anawratha, 19 tàu tên lửa cao tốc cỡ nhỏ, cùng nhiều tàu tuần tiễu, tàu đổ bộ ...

Nếu như trước đây, các tàu chiến của Myanmar chỉ mang các tên lửa diệt hạm C-802 có tầm bắn 120km, thì nay với các tàu hộ tống Aung Zeya mang tên lửa diệt hạm C-602 có tầm bắn lên đến 280km, có thể nói sức mạnh tấn công của hải quân nước này đã tăng lên rất nhiều lần.

Tuy nhiên, Myanmar chưa thể bằng lòng với những kết quả đạt được. Nước này phải duy trì sự hiện diện của hải quân trên vùng vịnh Bengal và biển Andaman rộng lớn, có nhiều tranh chấp với Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan… Hải quân nước này có đội tàu chiến đấu hùng mạnh, nhưng còn cần tiến thêm những bước xa hơn để khắc phục những hạn chế, tăng cường uy lực cho hải quân.

Tăng cường sức mạnh phòng không hải quân

Các tàu chiến của hải quân Myanmar có khả năng tấn công diệt hạm khá mạnh, nhưng hỏa lực phòng không hạm tàu lại khá yếu: Chủ yếu là các pháo cao tốc AK-230, AK-630 của Nga, hay các phiên bản Type-69, Type-730 của Trung Quốc. Trên hai tàu hộ tống lớp giang hồ-II mà Trung Quốc bán cho Myanmar thậm chí còn không có các pháo cao tốc, mà chỉ có các pháo 37mm hai nòng đã lạc hậu.

Với các tàu chiến nhỏ mang tên lửa diệt hạm, Hải quân Myanmar chủ yếu sử dụng chiến thuật tấn công nhanh, đột kích bất ngờ vào đội hình địch. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm từ các trận đánh đột kích bằng tàu phóng lôi của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, hay các trận đánh của Hải quân Iran với Hải quân Mỹ ngày 18/4/1988 cho thấy: Tàu chiến có thể nhanh, nhưng máy bay chiến đấu còn nhanh hơn. Nếu như không có hỏa lực phòng không mạnh bảo vệ đội hình tàu chiến, sẽ rất dễ bị không quân đối phương phong tỏa, tiêu diệt.

Có thông tin cho rằng các tàu hộ tống Aung Zeya của Myanmar sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9. Tuy nhiên, các tàu Aung Zeya có lượng giãn nước tối đa chỉ 4.053 tấn, nên việc bố trí những tổ hợp tên lửa tầm xa như HHQ-9, cùng với những khí tài radar trinh sát, dẫn bắn … đi kèm dường như là bất khả thi.

Trong tương lai gần, có lẽ Myanmar nên tạm bằng lòng với những tổ hợp phòng không hải quân tầm trung như HHQ-16 của Trung Quốc, và củng cố thêm hỏa lực phòng không tầm gần bằng các pháo cao tốc, hay xa hơn là các hệ thống kết hợp giữa tên lửa tầm ngắn và pháo bắn nhanh.

Tàu hộ tống lớp giang hồ-II của Myanmar

Tăng cường năng lực chống ngầm và xây dựng lực lượng tàu ngầm

Trên các tàu hộ tống của Myanmar cũng được trang bị các hệ thống rocket phóng bom chìm chống ngầm, và có cả các bệ phóng ngư lôi cỡ nhỏ 324mm Yu-7. Tuy nhiên, Myanmar đang thiếu trực thăng săn ngầm, cũng như các máy bay chống ngầm cỡ lớn. Đó chính là vũ khí hiệu quả để kiểm soát vùng biển, cũng như chủ động săn lùng tàu ngầm.

Các tàu hộ tống lớp Aung Zeya mới hạ thủy của nước này cũng có thể mang theo trực thăng. Trong bối cảnh vẫn đang bị phương Tây cấm vận hiện nay, Myanmar có thể tính đến việc mua các trực thăng Z-9 của Trung Quốc, hay Ka-28 của Nga. Thậm chí, nếu điều kiện tài chính cho phép, có thể mua cả máy bay chống ngầm GX-6 của Trung Quốc.

Lực lượng tàu ngầm của Myanmar vẫn đang còn là điều bí ẩn. Theo nhiều nguồn tin, nước này đã cử học viên đi học về tàu ngầm ở Pakistan, Ấn Độ … Myanmar có thể sẽ mua khoảng hai tàu ngầm di‌esel – điện.

Vừa qua, nước láng giềng của Myanmar là Bangladesh đã mua hai tàu ngầm lớp Minh (Type 035G) của Trung Quốc. Có lẽ Myanmar nên chọn các tàu ngầm thuộc project 877 hoặc project 636 của Nga, chứ không nên mua các tàu ngầm cũ của Trung Quốc.

Tàu ngầm có khả năng tự vệ yếu trước tàu chiến mặt nước hay máy bay nên rất cần sự ổn định. Và điều cốt yếu quyết định thành công của tác chiến tàu ngầm là giữ bí mật trong trinh sát, tấn công và rút lui. Đó chính là sở trường của nước Nga, với những bí mật công nghệ để giảm độ ồn cho tàu ngầm mà Trung Quốc khó có thể “sao chép” được.

Việc mua hai tàu ngầm project 877 hay project 636 sẽ tiêu tốn của Myanmar khoảng từ 500-600 triệu USD, cùng với nhiều chi phí cho đào tạo thủy thủ đoàn và căn cứ tàu ngầm. Nước này sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định.

Xây dựng lực lượng không quân hải quân

Nhìn chung, lực lượng không quân Myanmar hiện nay khá lạc hậu: Trang bị hiện đại nhất chỉ có 26 máy bay tiêm kích MiG-29 của Nga.

Chiếm số lượng lớn trong biên chế không quân chiến đấu nước này là các máy bay của Trung Quốc “nhái” theo thiết kế Liên Xô như tiêm kích F-7 (phiên bản xuất khẩu của máy bay J-7, sao chép từ mẫu MiG-21 của Liên Xô), J-6 (sao chép mẫu MiG-19 Liên Xô), cường kích A-5 (phiên bản xuất khẩu của máy bay Q-5, sao chép mẫu MiG-19 Liên Xô).

Ngoài ra còn có một số máy bay huấn luyện kiêm cường kích hạng nhẹ như G-4 Super Galeb của Nam Tư hay K-8 của Trung Quốc.

Máy bay tiêm kích MiG-29 của Myanmar

Số lượng máy bay hiện đại rất ít ỏi khó có thể gánh vác được nhiều nhiệm vụ. Trong tác chiến đối hải, không quân Myanmar thiếu năng lực không chiến bảo vệ vùng trời, cũng như tấn công tàu mặt nước của địch. Câu trả lời cho hai nhiệm vụ này, đó là các máy bay chiến đấu đa nhiệm như J-10 của Trung Quốc hay Su-30 của Nga. Chúng có khả năng không chiến tốt, cũng như có thể mang các tên lửa chống hạm như C-802AKG, YJ-91, Kh-31 … Nếu như có không quân hải quân mạnh, sức mạnh của hải quân Myanmar sẽ tăng gấp nhiều lần.

Xây dựng lực lượng radar đối hải, tên lửa bờ biển và tàu quét mìn

Với một đất nước mới hội nhập với thế giới và đang còn rất nhiều bí ẩn như Myanmar, chi tiết về lực lượng tên lửa bờ biển và radar đối hải không rõ ràng. Trong điều kiện hiện nay của Myanmar, việc sở hữu những radar đối hải mạnh từ phương Tây như Coast Watcher CW-100 của Thales là không thể. Nước này có thể tận dụng các radar cảnh giới đường không sử dụng sóng dài để phục vụ việc giám sát mặt biển.

Do đã sở hữu các tàu chiến được trang bị tên lửa diệt hạm C-802, nên rất có thể Myanmar cũng có trong biên chế các phiên bản tên lửa bờ biển của loại tên lửa này. Xa hơn nữa, Myanmar có thể mua các tổ hợp tên lửa bờ biển hiện đại hơn. Một khi có được những hệ thống tên lửa bờ biển hiện đại, các tàu hải quân Myanmar sẽ có một “vùng đệm” ven bờ, nơi mà tàu địch khó có thể xâm nhập tiến công, để tổ chức những trận đột kích hiệp đồng bằng không quân, hạm tàu mặt nước và có thể là cả tàu ngầm tiến công kẻ địch.

Một phần không kém quan trọng, đó là Myanmar cần phải chuẩn bị đối phó với các thủ đoạn phong tỏa đường biển của đối phương bằng thủy lôi. Cần phải có những tàu quét mìn hiện đại, và thủy thủ đoàn được huấn luyện tốt cho nhiệm vụ này.

Quá trình hiện đại hóa hải quân sẽ tiêu tốn của đất nước này nhiều tiền bạc và thời gian. Quan trọng hơn nữa, đó là yếu tố con người: Lòng dũng cảm, trí tuệ, khả năng sử dụng thành thạo vũ khí và hiệp đồng tác chiến. Có được những yếu tố đó, Myanmar sẽ xây dựng được lực lượng hải quân hiện đại để bảo vệ vùng biển quốc gia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật