Chuyện về một cựu chiến binh tỉnh lại sau 20 năm “điên dại”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước mắt tôi là cựu chiến binh già Nguyễn Văn Hân (68 tuổi), người đàn ông gầy gò, với gương mặt khắc khổ và mái tóc hoa râm.
Chuyện về một cựu chiến binh tỉnh lại sau 20 năm “điên dại”
Chuyện về một cựu chiến binh tỉnh lại sau 20 năm “điên dại”.

Không ngại ngần kể cho tôi nghe về cuộc sống cũng như những ngày tháng gian khổ mà ông đã cùng gia đình chịu đựng trong suốt 20 năm ông bị điên.

Hai lần thoát chết và bất ngờ bị “điên”
Người ta gọi ông là ông "Hân rồ" (ở xã Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội) vì trước đây, ông hay đi lang thang và lải nhải gọi tên những người bạn đã hy sinh trong trận chiến giành độc lập cho dân tộc. Giờ ông đã tỉnh lại, ông cũng không nhớ trong suốt 20 năm đó mình đã làm những việc gì.
Nhưng trong kí ức của mình, ông vẫn mơ hồ nhớ, hàng ngày mình ra nghĩa trang trông nom và thắp hương cho ba người đồng đội cùng quê, cùng ngày nhập ngũ, cùng một đơn vị đang nằm tại nghĩa trang Bắc Hồng.
Người lính ấy sau bao năm chiến đấu may mắn được trở về nhưng trong người mang nhiều thương tật, song ông cũng thấy mình thật may mắn vì từng hai lần suýt chết, hơn 20 năm điên rồ mà lại có thể tỉnh lại.
Ông Hân kể, sau trận nã bom cướp đi sinh mạng ba người đồng đội của ông đêm năm ấy, ông bị thương rất nặng và được một đơn vị bạn hành quân qua, thấy còn sống nên đưa về tuyến sau điều trị. Đơn vị của ông khi đó ai nấy đều buồn bã tiếc thương vì cứ nghĩ ông đã hy sinh, mất xác nơi chiến trận, đã viết giấy báo tử gửi về địa phương.
Ông Hân bị hôn mê bất tỉnh nhiều ngày vì chấn thương sọ não nghiêm trọng với một mảnh kim loại găm trong đầu và viên bom bi găm ở sườn trái. Nhưng với sự tận tình cứu chữa của các bác sỹ quân y, gần một năm sau, ông đã hoàn toàn tỉnh táo và khai báo về đơn vị.
Dẫn chúng tôi đi, ông dừng lại trước ba ngôi mộ của ba người đồng đội tên Giới, Nhỡ và Hạnh. Ông bồi hồi nhớ lại cuộc hội ngộ cùng ba người bạn tại chiến trường ác liệt những năm 1967, kí ức năm xưa của người lính lại ùa về.
"Tháng 7/1967, tôi và 12 thanh niên cùng trang lứa trong xã tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước. Bốn chàng trai cùng quê là tôi và Nguyễn Biên Giới (sinh năm 1950), Nguyễn Đức Nhỡ (sinh năm 1948), Phan Văn Hạnh (sinh năm 1949) được biên chế vào cùng đơn vị trinh sát tại chiến trường Quảng Trị.
Vào một đêm đầy mưa bom bão đạn tháng 4/1968, bốn anh em đã ôm chặt lấy nhau, thề nguyền: "Bốn anh em mình cùng quê, học cùng nhau, cùng nhập ngũ một ngày, lại chưa thằng nào có vợ. Khi nào kết thúc chiến tranh, nếu ai còn may mắn sống sót khi về quê, nhớ suốt đời phải luôn bên nhau, sống tốt với nhau như anh em ruột nhé".
Thế rồi chúng tôi lao vào trận chiến khốc liệt, với một lòng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, những cuộc chiến tử thần đã cướp đi sinh mạng của ba người bạn chỉ còn mình tôi trở về quê hương…", kể đến đây, ông dừng lại lau giọt nước mắt trên khuôn mặt đầy khắc khổ.
Ba người đồng đội đã nằm lại chiến trường khi mới mười tám, đôi mươi chỉ còn ông bị thương nặng và trở về quê hương. Ông trở về quê và nên vợ thành chồng với bà Trương Thị Chất (sinh năm 1952).
Tuy nhiên, hạnh phúc vẫn không thể trọn vẹn với người cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử tại chiến trường đầy bom đạn ác liệt. Năm 1980, cô con gái đầu lòng của ông bị chết đuối. Sau cú sốc đó, ông bị phát điên do mảnh đạn trên đầu hoành hành, khiến gia đình ông rơi vào hoàn cảnh vô cùng khốn khó.
Những năm phát điên, ông đi lang thang khắp nơi gọi tên ba người đồng đội, thơ thẩn lải nhải khắp làng trên xóm dưới. Ông kêu gào suốt ngày, "Anh em ơi, xung phong", "Tiến lên", "Lùi lại", có lúc lại mếu máo, nước mắt lưng tròng gào thét "Giới ơi… Hạnh ơi… Nhỡ ơi” đó là những lúc nhớ tới ba người đồng đội. Ông cứ thế tha thẩn vào nghĩa trang liệt sỹ, thắp hương và kể lại hai lần mình may mắn sống sót cho ba người đồng đội nghe.
Tình đồng đội thủy chung son sắt
Bà Trương Thị Chất vợ ông Hân kể lại: “Những ngày ông ấy bị điên, vừa đi tới nghĩa trang vừa gọi tên đồng đội gia đình chúng tôi rất lo, nhất là ông ấy cứ một mực đòi xã cho ông ấy quản lý, trông nom nghĩa trang. Sau này tôi hiểu nỗi lòng của chồng mình, tôi ủng hộ và cũng giúp đỡ ông ấy một phần trong việc trong nom và quản lý nghĩa trang”.
Ban đầu ông xin trông nom nghĩa trang nhưng chính quyền xã không cho vì nghĩ rằng ông bị điên dại nên mới làm đòi như vậy, nhưng ông  vẫn khẳng định một mực là mình có thể làm được, nên xã cũng đồng ý.
Cũng bởi thế, suốt 20 năm nay để giữ trọn lời thề bên nhau với ba người đồng đội đã hy sinh, ông Hân luôn dốc lòng chăm sóc nơi ở của các đồng đội mình vô cùng tinh tươm, sạch sẽ. Ông mong muốn sẽ xây dựng nghĩa trang thành một "khu sinh thái" với cây xanh tươi mát để đồng đội được an nghỉ yên tĩnh, mát mẻ nên thường sưu tầm, xin và mua nhiều cây cảnh về trồng.
Hơn 150 mộ phần đều được sắp xếp thành hàng thẳng tắp, quét vôi, xây tam cấp gọn gàng. Cạnh các ngôi mộ đều có một bồn hoa mà bên trong trồng những cây bông đỏ, dạ hương, hồng, ngâu, thạch anh hay vàng anh lá mít. Thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội, ông bồi hồi  “Các anh em ơi, tôi vẫn ở bên các anh đây”.
Ban đầu, người dân Bắc Hồng cùng chính quyền xã rất lo lắng, nhưng khi thấy vợ chồng ông Hân là người chăm chỉ, lại tận lực, tận tâm với nghĩa trang nên đã an tâm hơn phần nào. Từ khi bà Chất nghỉ hưu công việc ở nông trường, hầu như ngày nào người dân nơi đây cũng thấy hai vợ chồng ông bà cặm cụi ra nghĩa trang nhổ cỏ, nhặt lá, có những hôm đến tối sẩm mới về. Hôm nào mưa thì bà lại ở nhà lo vun vén cây cối, dọn dẹp ở nhà, còn một mình ông vẫn đều đặn đạp chiếc xe đạp cà tàng ra thăm nom nghĩa trang.
Cũng chính nhờ người vợ chung thủy, tần tảo ấy, mà  bao nhiêu năm ông Hân phát điên một tay bà chăm lo cho gia đình. Giờ đây, khi tỉnh lại ông nói bằng cả tấm chân tình dành cho vợ mình: “Thật sự là tôi sống được là nhờ có vợ mình, nếu không có bà ấy có lẽ tôi sẽ không khỏi được bệnh và sống đến giờ này”.
Nhờ có được một người vợ rắn giỏi, thủy chung như bà Chất mà ông Hân đã khỏe mạnh, tỉnh táo đến ngày hôm nay để thực hiện trọn vẹn lời thề thiêng liêng với đồng đội của mình. Giờ đây ông chỉ mong mình có sức khỏe thật tốt để cống hiến nốt phần đời còn lại cho quê hương, cho đất nước và có thể bên ba người đồng đội đã kém may mắn hơn ông.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật