Có ít nhất 3 mức điểm thay thế điểm sàn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc phân chia phổ điểm thành nhiều mức nhằm giúp trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp, phân tầng đại học, cao đẳng...
Có ít nhất 3 mức điểm thay thế điểm sàn
Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển c

Sáng 18/4, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục công bố quy định xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2014. Theo đó, sẽ có hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng xem xét công bố 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, gồm cả mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và cao đẳng.

Như vậy, thay vì 1 điểm sàn như mọi năm, mùa tuyển sinh năm 2014 sẽ có ít nhất 3 mức điểm làm căn cứ cho các trường xét tuyển.

Cũng theo quy định mới, hàng năm, trước ngày 20/5, các trường tự quyết định và công bố một môn thi chính theo khối thi và môn thi này sẽ được nhân hệ số 2. Sau khi Bộ công bố các mức điểm xét tuyển, mỗi trường xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển, điểm chuẩn từng ngành. Điểm xét tuyển không được thấp hơn mức tối thiểu mà Bộ quy định.

Lãnh đạo Cục khảo thí cho biết, quy định xét tuyển này nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, từng bước phân tầng cơ sở giáo dục đại học, giúp thí sinh biết về chất lượng đầu vào của từng trường, từng ngành để lựa chọn phù hợp với năng lực.

Việc công bố 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản đối với các trường đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học.

"Cho phép các trường tự xác định môn chính trong từng khối thi phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng ngành đào tạo nhằm đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường, tạo điều kiện cho các trường xét tuyển thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo", Cục phó Khảo thí Trần Văn Nghĩa cho hay.

Bên cạnh đó, khi cho phép các trường quy định điểm xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính với điều kiện trung bình điểm xét tuyển này không thấp hơn trung bình mức điểm cơ bản tối thiểu tạo nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh có năng lực tốt hơn đối với môn thi chính.

Sự khác biệt của quy định xét tuyển này với quy định về điểm sàn trước đây là phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỷ lệ thí sinh đạt yêu cầu để các trường tự quyết định chọn điểm xét tuyển ở mức phù hợp, qua đó khẳng định uy tín của trường. Thứ hai là đưa ra nguyên tắc để các trường tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo mà quy định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính, giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp.

Trước đó, sau khi ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, Bộ GD&ĐT đã nhận được những đề xuất về phương án xét tuyển từ nhiều chuyên gia và nhà trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức hai hội thảo tại Hà Nội và TP HCM để lấy ý kiến của các đại biểu từ hai ĐH Quốc gia, một số trường ĐH trọng điểm, các ĐH vùng và hơn 60 trường đại học, cao đẳng khác, trong đó có 40 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật