Tăng thuế với nước ngọt có gas: Thiệt nhiều hơn lợi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tăng thêm thuế đồng nghĩa với việc DN phải thu hẹp sản xuất và người tiêu dùng chịu thiệt”, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh (Bidrico) trao đổi với phóng viên về dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% đối với mặt hàng nước ngọt có gas không cồn (NNCGKC).
Tăng thuế với nước ngọt có gas: Thiệt nhiều hơn lợi
Ông Nguyễn Đặng Hiến

Tuy nhiên, bối cảnh nguồn thu khó khăn thì tăng thuế là một giải pháp, thưa ông?

Trong bối cảnh khó khăn vừa qua, nhiều DN đã phải thu hẹp, ngừng sản xuất do sức cầu sụt giảm. Việc tăng thuế trong bối cảnh ngân sách thâm hụt là điều khó tránh khỏi, nhưng tăng thế nào, tăng bao nhiêu và đối với những mặt hàng nào phải tính toán cẩn trọng và cân đối sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế.

Hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đều đang áp dụng thuế TTĐB cho tất cả các loại đồ uống nói chung chứ không phân biệt có gas hay không gas. Song tại Việt Nam, với dự thảo Luật Thuế TTĐB mới (nếu được thông qua sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7/2015), chỉ riêng NNCGKC phải chịu thuế suất 10%.

Điều này vô tình sẽ tạo nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN, ngành hàng. Hay nói cách khác sẽ là thiếu công bằng khi sản xuất kinh doanh cùng loại sản phẩm nước ngọt, trong khi loại có gas thì chịu thuế 10% còn không gas thì không chịu thuế.

Ông có thể dự báo gì về thay đổi chính sách thuế tác động đến các DN?

Chắc chắn, việc áp thuế TTĐB 10% sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến các DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm NNCGKC, do tăng thuế đồng nghĩa với việc thêm chi phí, tăng giá thành, thu hẹp lợi nhuận. Trong khi, sức cầu đang sụt giảm nên việc giảm doanh số là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, không riêng gì các nhà sản xuất sản phẩm trực tiếp chịu thua thiệt mà một chuỗi các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phân phối… cũng sẽ bị tác động theo.

Cuối cùng, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt do áp lực tăng chi phí do thuế sẽ được đẩy vào giá thành và làm tăng áp lực buộc DN điều chỉnh giá bán. Ngoài ra, một thị phần không nhỏ sản phẩm NNCGKC đang nằm trong tay các DN nước ngoài, điều này vô tình có thể tạo ra việc đối xử bất bình đẳng.

Trong khi, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực hội nhập và hướng đến sự phù hợp với các thông lệ quốc tế trong nhiều chủ trương, chính sách…

Những người ủng hộ cho rằng, việc tăng thuế nhằm điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng đối với một số mặt hàng không có lợi cho sức khỏe, góp phần tăng thu ngân sách, thưa ông?

Quan điểm này là hoàn toàn vô căn cứ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, nước ngọt có gas (CO2) không gây hại cho sức khỏe của con người mà chỉ làm tăng thêm vị giác, kíc‌h thí‌ch tiêu hóa.

Còn nếu nói do nước ngọt có đường dễ gây béo phì, nhất là đối với giới trẻ, thì đâu chỉ một mình nước ngọt có gas chứa đường mà phải kể nhiều sản phẩm khác như nước ngọt không gas, một số loại nước giải khát khác, các loại nước hoa quả, trà, cà phê, bánh kẹo… đều có đường, thậm chí là nhiều hơn trong NNCGKC. Nên nếu lấy tiêu chí bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng để áp thuế là hoàn toàn không chính xác.

Mặt khác, sản phẩm NNCGKC không phải là xa xỉ phẩm như xe du lịch, rượu mạnh, bia, mỹ phẩm, thu‌ốc l‌á… dành cho người có thu nhập cao. Đối tượng tiêu dùng với loại sản phẩm này là quảng đại quần chúng, từ thành thị tới nông thôn và có thể nói rằng phần lớn là người có thu nhập thấp. Vậy, phải chăng việc chọn đối tượng áp thuế TTĐB cần cân nhắc lại?

Đặc biệt, đối với vấn đề ngân sách lại càng cần phải xem xét kỹ lưỡng, bởi thời gian qua, chính sách nhất quán của Nhà nước là giãn, giảm thuế nhằm “khoan sức”, duy trì sự tồn tại, phát triển cho DN qua giai đoạn khó khăn.

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây, nếu áp dụng thuế TTĐB 10% trên NNCGKC có thể làm nguồn thu ngân sách giảm 186,4 tỷ đồng do doanh số và mức lợi nhuận hàng năm của DN bị sụt giảm, kéo theo thuế thu nhập DN, thuế VAT giảm theo.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật