Phải đánh một “mẻ lưới” lớn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vấn nạn tiêu cực đã và đang tàn phá bóng đá Việt Nam (BĐVN) mà minh chứng điển hình là vụ cầu thủ V.Ninh Bình tham gia cá độ, dàn xếp tỷ số đang gây rúng động dư luận,...
Phải đánh một “mẻ lưới” lớn
Ông Nguyễn Hồng Thanh (phải) và BLV bóng đá Vũ Quang Huy

Ông Nguyễn Hồng Thanh - Ủy viên Ban chấp hành (BCH) VFF, Tổng Giám đốc Công ty CP bóng đá SLNA và bình luận viên Vũ Quang Huy - Phó Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đều khẳng định: Phải đánh một “mẻ lưới” lớn để cứu nền BĐVN…

Vụ việc các cầu thủ V.Ninh Bình “dính chàm” tại AFC Cup đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Quan điểm của các ông về chuyện này ra sao?

- Ông Nguyễn Hồng Thanh: Người hâm mộ bỏ tiền mua vé vào sân, đội nắng, dầm mưa cổ vũ cho các cầu thủ thi đấu, vậy mà họ lại phản bội tình cảm trong sáng ấy. Đây là câu chuyện đau lòng đối với bóng đá nước nhà. Tôi tin chắc VFF sẽ phối hợp với Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và cơ quan điều tra để làm tới cùng vụ việc này. Việc làm “sạch” BĐVN là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của BCH VFF khóa VII, và chúng tôi phải làm cho kỳ được để lấy lại niềm tin của người hâm mộ.

- BLV Vũ Quang Huy: Sự việc V.Ninh Bình dính tiêu cực diễn ra vào đúng thời điểm Đại hội VFF khóa VII vừa diễn ra. Điều này, cũng là một khó khăn, thách thức với VFF khi vừa chuyển giao. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là BCH VFF hiện có nhiều người mới và họ có đủ niềm tin, sự quyết tâm để làm tận gốc. Tôi nghĩ, vụ việc liên quan tới V.Ninh Bình chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi.

Nếu điều tra tận gốc, có thể sẽ có thêm những đội bóng, trọng tài, thậm chí cả các quan chức dính tiêu cực. Và V.League có thể “vỡ”?

- Ông Nguyễn Hồng Thanh: Việc điều tra mở rộng là công việc mà chắc chắn cơ quan công an sẽ làm. Nếu phát hiện thêm đội bóng nào đó ở V.League có dính líu tới tiêu cực thì theo tôi cũng cần loại bỏ luôn. Ngay cả khi V.League có 7-8 đội thì cuộc chơi vẫn tiếp tục. Bởi chỉ có một môi trường trong sạch thì bóng đá mới phát triển được.

Thậm chí, có thể điều tra tới các kỳ SEA Games, AFF Cup, nếu phát hiện tuyển thủ nào dính tiêu cực thì cũng phải loại bỏ họ vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá như lời phát biểu của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mới đây về vụ việc V.Ninh Bình. Khi người hâm mộ cảm nhận được VFF quyết làm “sạch”, đấu tranh tới cùng với tiêu cực, họ sẽ không quay lưng. Còn nếu không làm kiên quyết, người hâm mộ mất niềm tin, khi đó bóng đá mới không thể tồn tại được.

- BLV Vũ Quang Huy: “Chúng ta cần đánh một “mẻ lưới” lớn, cho dù có đau đớn thế nào cũng phải làm. Nói như Karl Marx “Thà kết thúc khủng khiếp còn hơn là sự khủng khiếp không bao giờ kết thúc”. Người hâm mộ cần được tận hưởng những trận đấu “sạch”, thay vì đến sân với cảm giác nghi ngờ…

Không ít người làm chuyên môn và cả những cầu thủ từng “dính chàm” ở SEA Games 2005 cho rằng nguyên nhân khiến tiêu cực luôn tồn tại trong lòng BĐVN là do VFF đã thiếu quyết liệt, thậm chí có phần dung dưỡng cho tiêu cực?

"Mô hình HAGL-Arsenal JMG đáng để cho nhiều câu lạc bộ (CLB) khác học tập. Tại đây, các cháu được dạy văn hóa, dạy cách làm một con người tốt, trước khi trở thành một cầu thủ giỏi. Tất nhiên, để nhân rộng được mô hình này, VFF cần có chủ trương đầu tư mạnh cho đào tạo trẻ ở các CLB. Lãnh đạo các CLB cũng phải thể hiện quyết tâm làm bóng đá lâu dài thì mới được”.

Ông Nguyễn Hồng Thanh

- Ông Nguyễn Hồng Thanh: Tiêu cực là vấn đề mà không chỉ Việt Nam mà bóng đá thế giới cũng đang phải đối mặt. Hàng ngày, có rất nhiều trận đấu bóng đá quốc tế và cả các trận V.League được nhà cái ra kèo trên mạng. Nghĩa là bằng con đường cá cược hợp pháp hay không hợp pháp, rất nhiều người đang tham gia.

Hàng ngày, hàng giờ, các nền bóng đá đều phải đối mặt với chuyện này. Vấn đề còn lại là chúng ta phải làm gì để diệt tận gốc tiêu cực, có những án phạt đủ sức răn đe để những người tham gia cuộc chơi hiểu rõ và đi đúng hướng. Còn khi đã mắc sai lầm thì dù anh là ai, ở vị trí nào cũng phải chấp nhận những án phạt từ Pháp Luật và từ VFF, AFC, FIFA.

- BLV Vũ Quang Huy: “Đúng là nhiều năm qua VFF đã thiếu kiên quyết trong việc đấu tranh chống tiêu cực. Tôi bình luận trực tiếp nhiều trận đấu và cảm thấy rất “có vấn đề”. Với tư cách nhà đài và cả tư cách là ủy viên Ban tư vấn đạo đức VPF trước đây, tôi đã từng lên tiếng nhưng những người có trách nhiệm dường như lại cho rằng chúng tôi quan trọng hóa vấn đề.

Minh chứng cụ thể nhất là trận V.Ninh Bình thắng đội khách SHB.Đà Nẵng 4-1 ở vòng 8 V.League 2013. Khi đó, tôi bày tỏ quan điểm rõ ràng trận đấu “có mùi”. Nhưng rồi sự việc lại bị “lờ” đi. Giá như từ mấy năm trước, chúng ta kiên quyết làm mạnh, có lẽ đã không dẫn tới nghi án tiêu cực nghiêm trọng dính líu với cả đấu trường châu lục của V.Ninh Bình.

Giải pháp nào để loại bỏ tiêu cực ra khỏi đời sống BĐVN?

- Ông Nguyễn Hồng Thanh: Cầu thủ cần được giáo dục đạo đức từ nhỏ. Thời gian qua, các đội bóng Việt Nam thường quá chú trọng tới việc dạy chuyên môn cho cầu thủ, mà có phần buông lỏng giáo dục “cái đầu” cho họ. Chỉ khi cầu thủ được dạy dỗ cẩn thận, từ những chuyện rất nhỏ trong sinh hoạt đời thường tới lời ăn tiếng nói mới mong khi trưởng thành, những đôi chân mới “ngoan”, đủ sức vượt qua những cám dỗ từ xã hội.

- BLV Vũ Quang Huy: Ngoài việc giáo dục đạo đức cho các cầu thủ, bản thân ông chủ CLB, những người thầy cũng phải làm gương cho cầu thủ từ cách hành xử của chính mình trong cuộc sống. Ban tổ chức giải, ban kỷ luật VFF cũng phải thật nghiêm minh, đưa ra các án phạt thích đáng, minh bạch không chỉ với cầu thủ và với cả những giám sát, trọng tài.

Thời gian qua, do BĐVN mắc lỗi hệ thống, “một mất mười ngờ” nên bản thân các cầu thủ tốt, ngoan cũng có phần không tin vào các bản án của ban kỷ luật, cách điều hành trận đấu của các trọng tài. Khi tâm lý họ bị ức chế thì mỗi khi ra sân dù muốn cũng khó thể hiện hết năng lực của mình.

Xin cảm ơn hai ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật