Liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại TPHCM

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên kết là một yêu cầu khách quan và cần thiết của kinh tế thị trường. Trình độ sản xuất càng phát triển thì nhu cầu liên kết càng tăng cao, sự ràng buộc giữa các nhân tố kinh tế càng chặt chẽ, tinh vi.
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại TPHCM
Trồng rau an toàn tại HTX Ngã Ba Giồng ở Hóc Môn.

Đó là cơ sở khách quan để các mô hình kinh tế tập thể ra đời. Kinh tế tập thể được đánh giá là một trong những phương án hiệu quả và thiết thực để bà con nông dân có thể liên kết sản xuất, giúp nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm một cách có lợi nhất, góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn.

Trong giai đoạn hiện nay khi quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, lực lượng sản xuất cũng như trình độ khoa học công nghệ nông nghiệp phát triển thì nhu cầu đòi hỏi việc liên kết sản xuất phải có những nội dung mới. Đó là cơ sở để cho ra đời những mô hình HTX, tổ hợp tác kiểu mới, phù hợp với thực tiễn.

Tính đến năm 2013, trên địa bàn 56 xã xây dựng nông thôn mới của TPHCM đã thành lập được 40 HTX nông nghiệp và 102 tổ hợp tác nông nghiệp với hơn 2.500 tổ viên. Ngành nghề hoạt động của các HTX nông nghiệp rất đa dạng như sản xuất, kinh doanh rau an toàn, nấm, hoa, cây kiểng, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, làm muối… Về phía các tổ hợp tác nông nghiệp, hoạt động chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục được một số yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kinh tế xã hội. Ông Trần Thế Hùng - Chủ nhiệm HTX Cây kiểng - Bon sai Gò Vấp khẳng định ý nghĩa việc hình thành mô hình HTX: "Giữ vững ngành nghề truyền thống của quận; hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh, kỹ thuật sản xuất; liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ vốn thông qua các nguồn quỹ để phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình".

Thực tế thời gian qua, TPHCM đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, phát triển nông nghiệp đô thị. Chương trình hỗ trợ lãi vay tính đến năm 2013 đã có phê duyệt hơn 2.000 hồ sơ cho gần 8.500 hộ vay, tổng vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: "Kết nối giữa những cơ quan, đơn vị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ví dụ như là những HTX sản xuất theo đặt hàng của siêu thị, chợ. Trên cơ sở đó HTX có kế hoạch sản xuất một cách phù hợp để cung ứng. Thành ra đây gần như là chuỗi khép kín để giúp cho bà con cũng như các HTX".

Có thể nhận thấy mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả là một nhu cầu cần thiết trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sự ra đời và đi vào hoạt động của HTX, tổ hợp tác nông nghiệp trong thời gian vừa qua đã góp phần cung cấp cho hộ xã viên, tổ viên dịch vụ đầu vào với giá thành rẻ, chất lượng cao; hỗ trợ tìm kiếm thông tin đầu ra ổn định, qua đó tạo tâm lý yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất của hộ xã viên, tổ viên. Đặc biệt qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân có thể gắn kết với doanh nghiệp, cơ quan khoa học kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể như HTX muối Tiến Thành ở Cần Giờ đang phát triển mô hình làm muối trải bạt; HTX rau an toàn Ngã Ba Giồng ở Hóc Môn xây dựng hệ thống nhà kho; HTX nông nghiệp Xuân Lộc ở quận 12 hợp tác với Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà để đầu tư phát triển Làng nghề nuôi và chế biến cá sấu Sài Gòn... Ông Trương Văn Đa - Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại TPHCM nêu ý kiến: "Làm thế nào chúng ta liên kết, đã làm được mô hình thì phải phát huy cho được trên diện rộng. Nói chung, tuy là ban này bệ nọ, hội này hội kia nhưng mà chỉ có một mục tiêu, mục đích, đó là làm cho nông nghiệp nông dân nông thôn TP đạt được kết quả ở đỉnh cao, đó là kết quả cuối cùng của chúng ta".

Tuy vậy, bên cạnh mặt thuận lợi và các kết quả đã đạt được, mô hình HTX, tổ hợp tác nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm so với nhịp độ phát triển chung của các thành phần kinh tế khác; lợi ích kinh tế từ nguồn thu kinh doanh, dịch vụ của HTX mang lại cho xã viên chưa nhiều, chưa thể hiện rõ nét hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới. Ông Nguyễn Duy Hiếu - Chủ tịch Liên Minh HTX TPHCM bày tỏ quan điểm: "Những khó khăn, thuận lợi cần làm rõ và sau đó có giải pháp cụ thể. Tôi hy vọng rằng các HTX, tổ hợp tác ở 5 huyện ngoại thành có điều kiện phát huy. Mà nếu phát huy tốt thì tin rằng nông nghiệp TP sẽ có bước phát triển bền vững".

Rào cản đáng kể nhất đến từ vấn đề thiếu vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, thiếu vốn cho các hoạt động trong quá trình chuyển đổi hay thành lập mới. Nguyên nhân do các HTX không có tài sản chủ sở hữu để thế chấp tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khi có nhu cầu vay vốn hoặc không xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi nên việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận thực tế về nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác đa phần lớn tuổi, hầu hết hoạt động theo kinh nghiệm thực tế, thiếu sự nhạ‌y cả‌m linh hoạt để đáp ứng những yêu cầu đa dạng phức tạp của cơ chế thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Công tác tuyển chọn nhân sự trẻ, có trình độ về làm việc tại HTX gặp nhiều khó khăn do chế độ đãi ngộ, hỗ trợ và mức lương chưa cao. Ông Võ Thành Dương - Phó Chủ nhiệm HTX Phước An - Bình Chánh chia sẻ: "HTX chúng tôi chưa thu hút được lao động có trình độ về làm việc. Lực lượng trẻ có trình độ còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng tính kế thừa gặp nhiều khó khăn. Trong đó việc giải quyết chế độ hỗ trợ người có trình độ đại học còn chậm, nên kíc‌h thí‌ch đối tượng này còn hạn chế".

Do diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần theo quá trình đô thị hóa, HTX, tổ hợp tác sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn về nhu cầu đất đai, trụ sở phục vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về khâu tiêu thụ sản phẩm, một số HTX nông nghiệp chưa tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên hoặc thị trường tiêu thụ không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất nhỏ, không đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường; chưa tạo được sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng hay xây dựng được thương hiệu trên thị trường; chưa có sự liên kết giữa các HTX trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt thiếu gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Trước thực tế này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh đến định hướng của sản xuất nông nghiệp thành phố thời gian tới: "Chúng ta nói phát huy là phát huy trong xây dựng Nông thôn mới. Tức là sản xuất nông sản thế mạnh của ngoại thành TPHCM cho thị trường thành phố. Và vai trò của thành phố là trung tâm, tức là đi vào sản xuất giống, đi vào những mô hình áp dụng công nghệ cao, tiên tiến. Mặt khác có một tác động khác, là thông qua xây dựng Nông thôn mới, thông qua phát triển nông nghiệp đô thị mà xây dựng và phát triển kinh tế tập thể".

Như vậy, để có thể đẩy mạnh quá trình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị tại cơ sở vẫn cần nâng cao nhận thức rõ mô hình hợp tác xã kiểu mới là một loại hình kinh tế đặc biệt vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Theo đó, ban ngành chức năng cần xây dựng chính sách phù hợp, tạo mọi điều kiện cho tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững. Bản thân tổ hợp tác, hợp tác xã cần nâng cao nhận thức, tự chủ, phát huy nội lực là chính, huy động mọi nguồn lực xã viên và cộng đồng xã hội có sự hỗ trợ và quản lý của Nhà nước. Mục tiêu cụ thể nhất chính là những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, phù hợp với tính chất đặc thù của nền nông nghiệp đô thị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật