Càng chậm giải ngân, thua lỗ càng lớn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có kế hoạch không có nghĩa là mọi việc sẽ xảy ra đúng như kế hoạch, và bởi vậy cần phải thay đổi, điều chỉnh lại kế hoạch nếu mọi việc diễn ra theo chiều hướng xấu.
Càng chậm giải ngân, thua lỗ càng lớn
Ảnh minh họa

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 2 tháng đầu năm Chính phủ đã huy động được tới gần 57 nghìn tỷ đồng qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) - một con số khổng lồ.

Xoay quanh khoản tiền đổ mạnh vào TPCP nói trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ts Phan Minh Ngọc, hiện đang làm việc tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, chi nhánh Singapore.

Thống đốc NHNN cho biết, 2 tháng đầu năm đã huy động được 57 nghìn tỷ đồng TPCP nhưng chưa giải ngân được và Kho bạc Nhà nước đang đem gửi ngân hàng. Theo ông, thực tế này nói lên điều gì?

Tôi rất hy vọng tình trạng “chưa giải ngân được” này chỉ là tạm thời. Nghĩa là, tiền này đã có kế hoạch và thời điểm chi tiêu khả thi rồi, chỉ là tạm thời gửi vào ngân hàng trong lúc chờ đến lúc đó để khỏi lãng phí vốn nhàn rỗi. Coi như vớt vát được chút tiền lãi nào hay chút đó, bù đắp một phần lãi phát sinh tính trên lượng TPCP đã phát hành.

Nếu không phải tạm thời thì sao, thưa ông?

Nếu vậy thì đây là một vấn đề trầm trọng. Bởi rất có thể tình trạng dư thừa vốn hoặc bí đầu ra bắt nguồn từ những khả năng không xấu.

Ví dụ, có thể kế hoạch giải ngân TPCP “có vấn đề” về tính hiện thực, khả năng thực thi.

Cũng có thể các đối tượng tiềm năng sử dụng tiền huy động từ TPCP hoặc là không có khả năng và điều kiện để được giải ngân TPCP, hoặc là đã bị giải thể hoặc bị làm mất khả năng thực thi các dự án chi tiêu bằng tiền từ TPCP do những lý do như khó khăn kinh tế, vỡ nợ v.v.... Việc thay đổi doanh nghiệp thực thi dự án sử dụng TPCP, nếu có, sẽ cần một thời gian, và trong lúc đó thì đương nhiên là việc giải ngân vốn TPCP phải bị đình lại.

Và, rất có thể tình hình và điều kiện kinh tế, xã hội đã thay đổi lớn trước và sau thời điểm lập kế hoạch phát hành TPCP, làm cho các dự án sử dụng vốn TPCP trở nên bất khả thi, không cần thiết, không có hiệu quả v.v...

Điều gì xảy ra nếu tình trạng “chưa giải ngân được” kéo dài?

Đương nhiên đó là điều không hay chút nào. Vì lãi suất Kho bạc Nhà nước được hưởng từ tiền gửi tại ngân hàng, có khả năng là lãi suất ngắn hạn, chưa chắc đã cao bằng lãi suất TPCP, thường là lãi suất dài hạn, nên thường cao hơn lãi suất tiền gửi ngắn hạn. Do đó, càng kéo dài thì tình trạng thua lỗ càng lớn.

Cho dù nếu lãi suất tiền gửi hiện tại có cao hơn lãi suất TPCP thì vẫn có rủi ro là lãi suất tiền gửi sẽ sụt giảm trong tương lai gần, làm cho Kho bạc Nhà nước vẫn sẽ bị chi nhiều hơn thu từ hình thức “kinh doanh” này. Chưa nói rằng cách “kinh doanh” này, nếu có thể gọi được như vậy, là không được phép, không đúng mục đích của việc phát hành TPCP.

Ngân hàng đổ tiền mua TPCP, rồi Kho bạc Nhà nước lại gửi tiền này vào ngân hàng? Và có thể ngân hàng lại dùng một phần trong số tiền đó để mua TPCP? Vòng luẩn quẩn này lợi, hại cho ai?

Nếu muốn rạch ròi lợi hại thì có thể nói lợi là lợi ngắn hạn, cụ thể là trong những lúc lãi suất tiền gửi cao hơn lãi suất TPCP. Và lợi cho một nhóm nào đó muốn “tay không bắt giặc”, lợi dụng mức tín nhiệm tín dụng của Chính phủ để trục lợi.

Hại thì nhiều hơn, chẳng hạn sẽ phát sinh lỗ khi lãi suất tiền gửi thấp hơn lãi suất TPCP. Lúc đó thì đương nhiên Chính phủ là người phải đứng ra trả nợ.

Hơn nữa, uy tín của Chính phủ sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng vì hành động “trục lợi” này trong mắt người dân và nhà đầu tư (dùng uy tín của mình phát hành TPCP chỉ để đem gửi vào ngân hàng hưởng lãi), chứ không dùng để phát triển kinh tế xã hội.

Với các tổ chức tín dụng thì sao, thưa ông?

Tổ chức tín dụng thực ra chỉ có lợi chứ chẳng bị tổn hại gì từ hành động “kinh doanh” này cả, vì về bản chất họ cũng chỉ là tổ chức trung gian, kinh doanh chênh lệch lãi suất. Chừng nào mà lãi suất tiền gửi, dù của Chính phủ hay của dân, vẫn thấp hơn lãi suất cho vay thì họ vẫn cứ hưởng lợi.

Khi xảy ra hoàn cảnh đảo chiều, thì họ chỉ đơn giản là dừng lại, buộc các chủ thể gửi và vay tiền trong nền kinh tế phải điều chỉnh theo để họ tiếp tục đứng ra làm trung gian cho các luồng vốn trao tay trong nền kinh tế.

Nền kinh tế chịu ảnh hưởng gì từ vòng luẩn quẩn này?

Đối với cả nền kinh tế thì đương nhiên là không có lợi vì hành động “kinh doanh” này là theo kiểu “lộc tôi hưởng, thiệt hại người khác gánh”. Chính xác ra, như trên đã nói, chỉ có một nhóm nào đó trong Chính phủ được hưởng lợi, còn hậu quả thua lỗ sẽ được Chính phủ và tức là toàn dân, toàn nền kinh tế gánh chịu thay.

Sâu xa hơn, hành động phát hành TPCP để gửi tiền vào ngân hàng sẽ làm tăng áp lực lạm phát vì Chính phủ gây sức ép lên Ngân hàng Nhà nước phát hành thêm tiền và hệ thống ngân hàng phải mua TPCP, tức làm tăng cung tiền không vì mục tiêu đầu tư hiệu quả nào cả.

Một số ý kiến cho rằng trong tình hình này Chính phủ nên giãn kế hoạch phát hành trái phiếu, chờ giải ngân số tiền ứ đọng trên sau đó mới tiếp tục. Ngược lại, có ý kiến nói làm như vậy kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ cả năm khó hoàn thành. Quan điểm của ông như thế nào?

Ta lại phải đi từ cái gọi là kế hoạch đã. Có kế hoạch không có nghĩa là mọi việc sẽ xảy ra đúng như kế hoạch, và bởi vậy cần phải thay đổi, điều chỉnh lại kế hoạch nếu mọi việc diễn ra theo chiều hướng xấu. Đã xảy ra tình trạng ứ đọng vốn TPCP có nghĩa là đã có trục trặc trong kế hoạch. Trong hoàn cảnh như thế mà vẫn nhắm mắt làm thì khó có thể bình luận gì thêm được nữa.

Bởi vậy, việc cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá lại kế hoạch và khả năng hiện thực của nó, để rồi có những điều chỉnh thích hợp. Chẳng hạn, nếu cần thiết và có thể, lấy phần vốn TPCP đã phát hành (mà không thể giải ngân được vì lý do điều kiện đã thay đổi, như đã nói qua ở trên) dùng cho những dự án khác, và do đó, cắt giảm khối lượng và thay đổi thời điểm phát hành TPCP dành cho những dự án còn lại.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật