Doanh nghiệp ngại hệ thống thông quan tự động

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuần qua, Tổng cục Hải quan đã ra thông báo gia hạn thời gian chạy thử hệ thống thông quan hàng hóa tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) đến ngày 21-3-2014.
Doanh nghiệp ngại hệ thống thông quan tự động
Ảnh minh họa

Hệ thống này sẽ chính thức được ngành hải quan áp dụng từ ngày 1-4-2014. Vậy nhưng, đến thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy một tháng, doanh nghiệp vẫn rất hờ hững dù VNACCS/VCIS được cho là sẽ đem đến nhiều lợi ích cho nhà xuất nhập khẩu.

Bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia

Từ cuối năm 2013 đến nay, ngành hải quan đã làm rất nhiều việc để thu hút doanh nghiệp tham gia hệ thống VNACCS/VCIS. Tổng cục Hải quan ra một văn bản hướng dẫn các cục hải quan vào tháng 9-2013, một văn bản khác hối thúc tiến độ nhằm chuẩn bị cho đợt chạy thử từ 15-11-2013 đến 15-2-2014.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, Phó trưởng ban thường trực Ban triển khai dự án VNACCS/VCIS, ở thời điểm bắt đầu chạy thử thì lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia rất hạn chế. Ngoài một số địa phương có tổng số doanh nghiệp đã đăng ký khá cao như Bình Dương (1.494 doanh nghiệp), TPHCM (1.150), Đồng Nai (917), ở hầu hết các tỉnh khác con số này đều rất nhỏ. Ví dụ, Đà Nẵng có 163 doanh nghiệp; Bình Phước (150), An Giang (80)... Và, nếu tính tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký tham gia trên tổng số doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì con số càng không đáng kể.

Và sau ba tháng chạy thử, lo ngại việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS sẽ bị ảnh hưởng nên ngay vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ (6-2), Tổng cục Hải quan phải ra văn bản đề nghị lãnh đạo các cục hải quan địa phương làm việc với các doanh nghiệp có số tờ khai lớn để yêu cầu ký cam kết tham gia chạy thử và chạy chính thức VNACCS/VCIS. Các doanh nghiệp được nêu đích danh trong danh sách gồm 3.989 cái tên (có số tờ khai chiếm tỷ lệ 80% tổng tờ khai) mà cơ quan này gửi kèm theo.

Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp có tên trong danh sách bị bắt buộc phải tham gia, dù muốn hay không. Còn bản thân các cục trưởng hải quan tỉnh, thành phố được yêu cầu phải coi việc hoàn thành ký cam kết như phân công là ưu tiên số 1 và đây sẽ là một tiêu chí quan trọng để đánh giá lãnh đạo và đơn vị trong năm 2014. Kế đó, khi thời hạn chạy thử sắp kết thúc, lãnh đạo Tổng cục Hải quan tiếp tục ra văn bản thông báo gia hạn việc chạy thử đến hết tháng 2, thay vì 15-2 như kế hoạch trước đó. Và đến cuối tuần qua, thời hạn này được kéo dài đến 21-3.

Có vẻ như, ngành hải quan đã sử dụng hết cách: từ mời doanh nghiệp tới dự các lớp tập huấn, đôn đốc động viên đăng ký tham gia hệ thống tới biện pháp mạnh là yêu cầu ký cam kết, nhưng doanh nghiệp vẫn không mấy mặn mà.

Doanh nghiệp hồ nghi, lo âu

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Tổng cục Hải quan và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khu vực phía Nam do UBND TPHCM tổ chức cuối năm 2013, hệ thống VNACCS/VCIS được đại diện Intel Việt Nam chủ động nhắc đến. Theo đó, đại diện này nêu ý kiến, bản thân Intel đã rất quen thuộc và hài lòng với hệ thống thủ tục hải quan điện tử đang áp dụng (phiên bản mới nhất, áp dụng từ đầu năm 2013). Đến 1-4-2014 áp dụng VNACCS/VCIS, tức doanh nghiệp chỉ có thời gian ba tháng để chuyển đổi thì sẽ khó khăn. Đại diện này còn đặt vấn đề rằng liệu ngành hải quan có thể dời thời hạn thực hiện VNACCS/VCIS?

Ở thời điểm hiện tại, khi đã có thêm nhiều thông tin, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn còn nguyên tâm trạng hồ nghi, lo lắng. Ông Phạm Phú Cường, phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, cho biết công ty ông không được mời tham gia tập huấn về VNACCS/VCIS do kim ngạch nhỏ. Tuy nhiên, ông vẫn đi nghe “ké” và thực sự vẫn rất mơ hồ và thấy rất khó áp dụng khi có đến 150 tiêu chí cần khai, gấp ba lần so với hiện tại. Bản thân ông cảm thấy “lo lắm” vì đây là hệ thống hoàn toàn mới mà khi hướng dẫn, chính cán bộ hải quan cũng thừa nhận là “làm chay”, chưa phát sinh tình huống. Ông Cường cho biết, nếu khai không được hoặc trục trặc ở đâu đó sẽ làm cho thời gian thông quan kéo dài. Lúc đó, chi phí sẽ bị đẩy lên, nhất là với các hãng tàu vì họ chỉ cho thời hạn năm ngày giải phóng hàng kể từ ngày tàu cập bến. “Tôi có đề xuất với công ty là không nhập hàng về vào đầu tháng 4 để tránh nghẽn, tránh rắc rối”, ông Cường nói.

Thêm vào đó, ông Cường cho rằng, hiệu quả, lợi ích của VNACCS/VCIS như thời gian thông quan nhanh (3-5 giây), giảm giấy tờ... mà cơ quan hải quan chỉ ra, cho đến thời điểm này vẫn chỉ là “lý thuyết” và sẽ phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn như sự đồng bộ giữa các cơ quan và sự áp dụng của chính cán bộ hải quan. Trong thực tế, doanh nghiệp khai nhầm cửa khẩu mà đã mất hai ngày trời đi lại để hủy tờ khai. Hay doanh nghiệp đã được cấp mã số ở TPHCM nhưng có lô hàng ở tỉnh khác lại phải có văn bản xin cấp mã số mới. Tính ra, “một cửa nhưng nhiều chìa”. Việc phúc tập tờ khai (khâu bắt buộc) do các đội trưởng, đội phó nghiệp vụ tại chi cục hải quan quyết định nhiều khi lại bị kéo dài chỉ vì... “bận họp”.

Ông Cường cũng cho rằng, để thực hiện VNACCS/VCIS cần phải có đội ngũ chuyên nghiệp. Vậy nhưng hiện nay, đội ngũ đại lý hải quan cung cấp dịch vụ khai thuê lại chưa đạt đến trình độ chuyên nghiệp, khi gặp lô hàng có vấn đề là quay sang làm khó doanh nghiệp, đòi thêm phí này, phí kia, thậm chí còn “bịp” khách hàng để hưởng lợi.

Nhân viên xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành cho biết, doanh nghiệp hiện đang ở thế phải làm, không có lựa chọn thực hiện hay không thực hiện VNACCS/VCIS. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất chính là việc tờ khai sau khi gửi rồi sẽ không được sửa, hủy như trước đây. Với hàng trăm tiêu chí, tờ khai hoàn toàn mới thì việc khai sai sẽ khó tránh khỏi, dù doanh nghiệp có bảy ngày tồn tại tờ khai tạm trước khi gửi. Trong khi đó, doanh nghiệp phải gút thông tin với hãng tàu trong vòng 48 giờ (theo quy định mới của các chủ tàu cho các tuyến đi Nhật), nếu sửa chữa sẽ bị phạt tiền hoặc rớt hàng lại. “Thực sự là rất áp lực vì lo bị phạt tiền. Chúng tôi đã phải báo động đỏ đến tất các bộ phận liên quan để làm việc sốt sắng hơn, cẩn trọng hơn”, đại diện này nói.

Trao đổi với TBKTSG, lãnh đạo cấp phòng của một cục hải quan phía Nam, người có sáu năm kinh nghiệm thực hiện hải quan điện tử và đã trực tiếp tham gia tập huấn VNACCS/VCIS cho rằng đây là chương trình khó, tiêu chí khai báo nhiều, tờ khai lạ. Vị này cho biết, tập huấn thì cũng “vậy thôi” bởi mọi thứ là “làm chay”, dữ liệu giả và chưa thấy tình huống phát sinh.

Tuy nhiên, theo vị này, vấn đề lớn hơn cả là VNACCS/VCIS là phần mềm do Nhật Bản xây dựng và tài trợ, dựa trên nhu cầu quản lý, cơ chế của một đất nước đã phát triển, khi áp dụng vào Việt Nam với nhu cầu quản lý, cơ chế và hệ thống Pháp Luật hoàn toàn khác sẽ tạo ra những độ vênh, khoảng cách không thể khỏa lấp, gây khó cho doanh nghiệp và cán bộ hải quan. Vị này còn thẳng thắn, hệ thống mới không ưu việt hơn hải quan điện tử bởi cái đang áp dụng được chính người Việt xây dựng, dựa trên những nhu cầu quản lý thực tế, hiểu biết cơ chế... “Tuy nhiên, với VNACCS/VCIS, cả doanh nghiệp lẫn cán bộ hải quan lúc này đều không được bàn ra mà phải làm. Vướng mắc ra sao, vấn đề phát sinh chỗ nào... thời gian sẽ trả lời”, vị này kết luận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật