Bắc Giang: Tập trung vốn thúc đẩy nông nghiệp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Bắc Giang, đáng chú ý trong xu hướng tăng trưởng tín dụng là các ngân hàng đã quan tâm mở rộng cho vay đối với các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho các DN tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.
Bắc Giang: Tập trung vốn thúc đẩy nông nghiệp
Nguồn vốn ưu đãi đã đến với các hộ sản xuất

Xuất hiện nhiều vùng chuyên canh

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - ông Lại Thanh Sơn, năm 2014, ngành nông nghiệp Bắc Giang sẽ phải thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu. Để làm được điều này cơ quan tham mưu phải rà soát lại quy hoạch tổng thể kinh tế nông nghiệp; nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp. Cùng với đó, cần ưu tiên sản xuất theo vùng chuyên canh, đặc biệt quan tâm đến vấn đề giống và kỹ thuật; chăn nuôi chuyển dần sang quy mô trang trại và gia trại.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Bắc Giang đã xuất hiện nhiều vùng chuyên canh đạt hiệu quả cao như xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) hình thành vùng chuyên canh cây kim tiền thảo, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất dược liệu. Anh Vũ Văn Mến, thôn Dùm cho biết: "Thấy cây kim tiền thảo mọc ở các bờ rào, bụi rậm, biết là cây thuốc, chúng tôi nhổ về trồng rồi tự nhân giống ở vườn nhà. Sau một vài vụ cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mở rộng diện tích".

Ban đầu anh Mến trồng 3 sào, chăm sóc cẩn thận, sau hơn 3 tháng mỗi sào cho thu hoạch 7-8 tạ cây tươi nhưng anh phải lặn lội sang tỉnh bạn tìm thương lái để bán. Tìm được thị trường tiêu thụ, những năm tiếp theo gia đình anh mở rộng diện tích từ 3 sào thành 3 mẫu, đồng thời hướng dẫn bà con trong xã cùng sản xuất. Hiện nay, anh Mến là chủ cung ứng giống và thu mua kim tiền thảo cho bà con. Theo thống kê, toàn xã Nghĩa Phương có gần 40 ha, chiếm gần 1/3 diện tích đất tự nhiên trồng kim tiền thảo của cả huyện, ước tính mỗi năm thu về hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh vùng dược liệu, Bắc Giang còn hình thành khá nhiều khu chuyên canh như vải thiều, cam đường canh, bưởi Diễn ở huyện Lục Ngạn, rau an toàn tại xã Đa Mai - Bắc Giang; cà chua bi ở Lục Nam; chăn nuôi gà đồi Yên Thế… Các vùng chuyên canh này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đầu tư phát triển vùng chuyên canh cũng đang là mục tiêu mà các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng tới, bởi tính hiệu quả mà nó mang lại.

Nông nghiệp hút vốn đầu tư

Lãnh đạo Agribank Bắc Giang chia sẻ, năm nay, nguồn vốn huy động tại chỗ dồi dào, lãi suất cho vay giảm mạnh so với năm ngoái, đó là thuận lợi để chúng tôi giải ngân tốt hơn trong thời gian tới. Hiện chi nhánh tập trung cho vay đối với các hộ chăn nuôi, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng.

Ngân hàng cũng đẩy mạnh chương trình tín dụng nông thôn, tiêu biểu là tín dụng ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh, cho vay chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản và muối ở huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang... cho vay phát triển các ngành nghề trong nông thôn ở huyện Việt Yên, Lạng Giang... cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn huyện Yên Dũng, Lục Nam...

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Bắc Giang, các ngân hàng có dư nợ tăng cao trong năm 2013 là Agribank chi nhánh Bắc Giang tăng 962 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,5%, VietinBank tăng 482 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25%, Vietcombank tăng 265 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,6%. Đáng chú ý trong xu hướng tăng trưởng tín dụng là các ngân hàng đã quan tâm mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.

Tính đến 30/11/2013, dư nợ cho vay doanh nghiệp trên địa bàn là 6.678 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36% so với tổng dư nợ. Cùng với việc mở rộng cho vay doanh nghiệp, các ngân hàng tiếp tục quan tâm cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đến 30/11/2013, dư nợ lĩnh vực này đạt 6.633 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35% so với tổng dư nợ.

Để tăng trưởng dư nợ, các ngân hàng đã công khai thủ tục hồ sơ, thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục cho vay, tiếp nhận và trả lời khách hàng trong thời gian ngắn về quyết định cho vay hay không cho vay. Triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi như vay đầu tư theo dự án SMEPFIII, chương trình ưu đãi lãi suất USD cho doanh nghiệp xuất khẩu, chương trình ưu đãi lãi suất VND cho doanh nghiệp quy mô 30.000 tỷ đồng, chương trình ưu đãi lãi suất USD ngắn hạn cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh quy mô 5.000 tỷ đồng của chi nhánh Vietcombank Bắc Giang, chương trình cho vay tuần lễ vàng, lãi suất cho vay giảm 1% của Oceanbank Bắc Giang...

Tuy nhiên các ngân hàng cũng đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, thẩm định kỹ hồ sơ vay vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn, nói "không" với những khách hàng yếu kém. Bởi vậy, trong bối cảnh vốn tín dụng dư thừa, một bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được nguồn vốn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật