Chính trường Thái Lan đầy áp lực

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không khí chính trị ở Thái Lan vẫn tiếp tục nóng hơn nhiều so với thời tiết đang se lạnh ở nước này.
Chính trường Thái Lan đầy áp lực
Tuy nhiên, áp lực đối với cuộc biểu tình giờ đây cũng đang gia tăng.

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban ngày 20/1 tiếp tục chỉ đạo các nhóm biểu tình tuần hành bao vây các công sở ở thủ đô Bangkok nhằm ngăn cản không cho công chức làm việc; thậm chí ông Suthep còn cho biểu tình bao vây Ngân hàng tiết kiệm, Ngân hàng Bangkok để ngăn không cho các ngân hàng này cho Chính phủ tạm quyền vay tiền trả nợ tiền thu mua thóc gạo của nông dân.

Tại một số tỉnh miền Nam Thái Lan, lực lượng biểu tình của ông Suthep cũng đang tổ chức bao vây các công sở với mục tiêu tương tự.

Người biểu tình Thái Lan đang khiến tình hình chính trị nước này trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết (Ảnh AP)

Các vụ B.L nhằm vào người biểu tình ở Bangkok, các tỉnh diễn ra nhiều hơn, cả ban đêm lẫn ban ngày khiến tâm trạng của người biểu tình căng thẳng và lo âu hơn; trong khi ban lãnh đạo biểu tình hẳn cũng "mất ăn mất ngủ" vì các mục tiêu như lật đổ Chính phủ, thành lập chính quyền "phi dân chủ" của họ rất khó thành hiện thực và không được đa số dư luận ủng hộ.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Chính phủ tạm quyền của bà cũng đang phải căng mình trên nhiều "mặt trận"; vừa phải đối phó với biểu tình, vừa phải giải quyết nhiều khó khăn trở ngại trong tiến trình bầu cử Hạ viện; đồng thời Chính phủ tạm quyền còn phải "đau đầu" lo chạy tiền trả nợ đọng cho nông dân sau khi đã thu mua thóc gạo của họ.

Trong bối cảnh mâu thuẫn giữa phe Chính phủ và phe đối lập gia tăng tới mức xảy ra nhiều vụ B.L, làm hàng trăm người thương vong, lực lượng cảnh sát, quân đội cũng chịu áp lực rất lớn.

Trung tâm chỉ huy bảo vệ trật tự an ninh với lực lượng cảnh sát làm nòng cốt hàng ngày phải lo đảm bảo an ninh trật tự, giao thông chung của thủ đô Bangkok; đồng thời phải đảm bảo an toàn cho người biểu tình và bảo vệ các công sở quan trọng; trong khi cảnh sát còn có nhiệm vụ phải điều tra, truy bắt bằng được các phần tử gây rối B.L nhằm vào người biểu tình.

Về phía Quân đội, ngày 19/1, Đại tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Lục quân Thái Lan cũng cho biết, Quân đội cũng đang phải chịu áp lực từ tất cả các phe phái.

Tuy nhiên, kinh nghiệm xương máu những năm gần đây buộc Quân đội phải thận trọng, tuân thủ kỷ luật và luật lệ, thi hành đúng chức trách nhiệm vụ. Quân đội sẽ không đưa ra các quyết định "dựa trên sự thù địch". Tướng Prayuth cũng đề nghị các bên không giải quyết mâu thuẫn bằng B.L.

Diễn biến phức tạp, kéo dài của cuộc biểu tình "đóng cửa Bangkok" đang khiến đa số người dân Thái Lan cảm thấy mệt mỏi xen lẫn lo âu về tương lai chính trị - xã hội và kinh tế của đất nước.

Ngay đến những học giả, chuyên gia nổi tiếng của Thái Lan cũng cảm thấy khó dự báo rằng, sự bế tắc chính trị của Thái Lan bao giờ sẽ được khai thông và khai thông bằng giải pháp nào.

Những cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, điều đa số người dân Thái Lan mong muốn nhất hiện nay là chấm dứt biểu tình và B.L, các phe phái cùng nhau đối thoại để đảm bảo cho Thái Lan vẫn có thể tiếp tục phát triển đất nước trên con đường dân chủ

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật