Vì sao Nga chưa ‘xẻ thịt’ tiêm kích tuyệt mật MiG 1.44?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mẫu bay thử duy nhất của dự án tiêm kích đa nhiệm thế hệ năm MiG 1.44 (MFI) đang được niêm cất tại một hangar ở viện nghiên cứu bay Gromov.
Vì sao Nga chưa ‘xẻ thịt’ tiêm kích tuyệt mật MiG 1.44?
Nguyên mẫu tiêm kích MiG 1.44

Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly cho biết nhà sản xuất máy bay RSK-MiG (Nga) có vẻ đang âm thầm phát triển một khái niệm máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới, với một động cơ, giá rẻ để bổ sung cho tiêm kích thế hệ năm Sukhoi T-50 (PAK-FA) đang trong quá trình bay thử nghiệm.

Những bàn tán xung quanh dự án MiG này đã có từ lâu, tuy nhiên, đồn đoán về tình trạng của chương trình mới rộ lện gần đây sau một tuyên bố của các quan chức hãng MiG hồi cuối tháng 12/2013 rằng: mẫu bay thử duy nhất của dự án tiêm kích đa nhiệm thế hệ năm MiG 1.44 (MFI) sẽ được niêm cất tại một hangar ở viện nghiên cứu bay Gromov.

Cho tới thời điểm trên, mẫu máy bay này mới thực hiện được 2 chuyến bay thử nghiệm, đều diễn ra trong năm 2000 và kể từ đó nó được sử dụng để hỗ trợ cho sự phát triển của chương trình T-50.

Quyết định này được cho là khá quan trọng bởi theo đó, chiếc máy bay sẽ được cất giữ trong một thời gian dài thay vì bị "xẻ thịt" để lấy các thiết bị và phụ tùng có giá trị. Quyết định hủy bỏ cuối cùng lại được Bộ Quốc phòng Nga dành cho Tu-160, nguyên mẫu máy bay ném bom siêu thanh chiến lược của Liên Xô, có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

"Đây là một sự lựa chọn kỳ lạ", một số nhà phân tích hàng không vũ trụ Nga nhận định, "giữ lại nguyên mẫu MFI và hủy bỏ Tu-160, trong khi so với chương trình tiêm kích hạng nhẹ một động cơ, chương trình phát triển máy bay ném bom thế hệ mới PAK DA đang tiến xa hơn và nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía Bộ quốc phòng và Lực lượng không quân Nga".

Theo một chuyên gia, việc giữ lại nguyên mẫu MIF có thể là dấu hiệu cho thấy ở góc độ nào đó, Bộ Quốc phòng và Không quân Nga vẫn muốn các nhà thiết kế của MiG tiếp tục phát triển một loại máy bay chiến đấu thế hệ mới để "đề phòng trường hợp không thể cung cấp T-50 với số lượng đủ lớn hoặc tiến độ sản xuất bị chậm đáng kể so với lịch trình".

Các đại diện của hãng RSK-MiG từ chối bình luận về việc họ có bất cứ kế hoạch tương lai nào dành cho nguyên mẫu MFI, cũng như 4 khung máy bay chưa hoàn thiện từ chương trình đang được đặt tại nhà máy Sokol ở Nizhni-Novgorod.

Theo một chuyên gia quốc phòng Nga tại Moscow: "Chương trình T-50 sẽ mất nhiều chi phí hơn dự kiến và có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn mới có thể hoàn thiện, giống như những gì thường xảy ra với các chương trình tương tự. Do đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn United Aircraft Corporation (Công ty mẹ của RSK-MiG) Mikhail Pogosyan mong rằng mọi người sẽ dừng việc bàn tán về dự án máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới".

Những người ủng hộ dự án này thì cho rằng nó sẽ mất ít chi phí hơn bởi có thể tận dụng một lượng lớn những công nghệ hiện có, chẳng hạn như có thể sử dụng động cơ Klimov/Sarkisov RD-33 vốn đang dùng trên tiêm kích MiG-29.

Một chuyên gia trong ngành công nghiệp máy bay Nga cho biết hiện tại, dự án vẫn đang "nằm trên giấy" và không có nguồn tài trợ nào bên ngoài dành cho chương trình này. Cho đến nay, nó vẫn là một nghiên cứu thiết kế trong nguồn ngân sách của MiG.

Ngành công nghiệp Nga đang thiếu một loại máy bay chiến đấu cỡ nhỏ, giá phải chăng để có thể bán cho những quốc gia không đủ kinh phí đầu tư cho biến thể xuất khẩu của T-50 hay những quốc gia đang vận hành các tiêm kích MiG-21 hoặc sử dụng các máy bay sao chép của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có những suy nghĩ lo ngại rằng mẫu máy bay mới có thể sẽ lặp lại tình cảnh của máy bay chở khách Sukhoi Superjet: Chi quá nhiều tiền để nhận lấy kết quả khá tầm thường, trong khi nỗ lực sao chép những thứ đã có trên thị trường máy bay hiện tại.

"Khi tôi bàn luận chương trình này với một số người tham gia thực hiện nó, tôi đã bảo họ rằng sản phẩm mà họ đang cố tạo ra vốn dĩ đã có tại Nga và đã được một số quốc gia khác sử dụng. Nó được gọi là Gripen" - Một chuyên gia trong ngành công nghiệp máy bay Nga nói.

Giống như Không quân Mỹ, Không quân Nga (hiện nay và Liên Xô trước đây) đều duy trì song song các loại máy bay chiến đấu 2 động cơ hạng nặng để giành ưu thế trên không và các máy bay đánh chặn hạng nhẹ để hỗ trợ chúng.

Để duy trì cấu trúc này, hơn một nửa số máy bay chiến đấu trong phi đội của Nga sẽ là T-50, còn đội máy bay hạng nhẹ như MiG-29 cũng cần thay thế bằng một loại máy bay khác tương tự như F-35 thay thế F-16.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật