Phim truyền hình Việt: Thiếu vắng nhân vật trung tâm nam

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi nhân vật nữ đã được khai thác quá nhiều dẫn đến sự trùng lặp tính cách, những mối quan hệ và cả số phận đến mức gây nhàm chán, thì người xem đang cần đến những bộ phim xây dựng nhân vật nam
Phim truyền hình Việt: Thiếu vắng nhân vật trung tâm nam
Cảnh trong phim Bỗng dưng muốn khóc. Ảnh: T.A.Hùng

Lâu nay, các nhà biên kịch phim truyền hình vẫn thường chọn nữ giới làm nhân vật trung tâm cho câu chuyện phim của mình. Mọi tình huống, xung đột, những mối quan hệ tình cảm đều xoay quanh nhân vật nữ chính. Các nhân vật nam có thể xuất hiện trước, sau hoặc song song nhưng lúc nào hình ảnh cũng mờ nhạt và gần như không tham gia quyết định vào đường dây cốt truyện. Thậm chí, nếu cần thiết, các tác giả kịch bản cũng không ngần ngại “bỏ quên” khi nhân vật nam đã hết vai trò.

Nhân vật nam “khắc nhập, khắc xuất”

Các nhân vật nam thường xuất hiện hoặc biến mất một cách dễ dàng, tùy theo đường đi của nhân vật nữ chính, đặc biệt là trong mối quan hệ về tình yêu. Phim Mây trắng ngang trời (vừa khép lại tập cuối cùng vào ngày 11-9 trên sóng HTV7) là một ví dụ. Nhân vật Phong (Trí Quang) song hành cùng Tím (Ngân Khánh) khi cuộc sống của Tím còn cơ cực. Nhưng để xoay chiều cuộc sống cho Tím, tác giả kịch bản đã để Phong ra đi với hình hài tàn phế. Rồi từ lúc Tím trở lại cuộc sống giàu sang ở nhà cha nuôi cho đến hết phim thì Phong cũng không xuất hiện thêm một lần nào nữa.

Phim Việt Nam vẫn có những phim khắc họa nhân vật trung tâm là nam: Miền đất phúc, Đam mê (đạo diễn Đinh Đức Liêm), Ba chàng trai tuổi hợi, Acapella (đạo diễn Mỹ Khanh), Anh chỉ có mình em (đạo diễn Lê Hữu Lương), Mưa thủy tinh (đạo diễn Lê Bảo Trung)... Và hiện nay là phim Bỗng dưng muốn khóc (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) đang phát sóng trên VTV1. Nhưng dường như vẫn chưa đủ làm nên sức bật cho dạng nhân vật này.

Tương tự, trong phim Tường Vy cánh mỏng, nhân vật nhà báo Duy Chương từ khi phụ bạc Tường Vy cũng biệt tích. Những mối quan hệ tình yêu giữa Tường Vy với Đức, Duy Chương, Mạnh Quân và Nguyên Bảo được xây dựng một chiều, chỉ theo đường đi của Tường Vy. Có vẻ như sau khi hoàn thành “vai trò” là người yêu của nhân vật nữ thì các nhân vật nam luôn bị biến mất, không có một lý giải nào trọn vẹn, thuyết phục.

Một số nhân vật nam được tác giả kịch bản xử lý khá dễ dãi. Không xuất hiện từ đầu phim, đến lúc cần thì cho nhân vật “về nước”. Việt trong phim Một ngày không có em không được khắc họa khi lạc gia đình từ nhỏ, mấy mươi năm sau trở về nước trong vai trò giám đốc. Nhân vật Thiện trong phim Mùi ngò gai cũng chỉ được giải thích cả quãng đời bằng câu nói “từ nhỏ được gửi sang Mỹ du học” và đến lúc các nhà làm phim cần thì cho về nước, đúng dịp nhân vật nữ chính Vy cần người hợp tác làm ăn. Mới đây, trong phim Bò cạp tím, nhân vật Huy cũng được khắc họa theo kiểu bỗng dưng về nước như thế.

Hai nhân vật Mạnh Quân trong Tường Vy cánh mỏng và Điền trong Mây trắng ngang trời (đều do diễn viên Mạnh Hùng thể hiện) gây ấn tượng với người xem vì hình mẫu nhân vật lý tưởng: yêu tận tụy hy sinh. Nhưng vì đứng phía sau nhân vật nữ chính nên cả Mạnh Quân và Điền chưa được khắc họa sâu sắc và tinh tế. Cũng như Phong của Mây trắng ngang trời, lẽ ra với tình yêu chân thành và cả số phận nghiệt ngã, nhân vật Phong rất cần được khai thác nhiều thêm. Ít ra là để người xem không thấy sự sắp xếp quá rõ ràng và có phần vô tình với nhân vật của các nhà làm phim.

Tại sao chỉ có nữ?

Đạo diễn Đinh Đức Liêm nói: “Nhiều phim truyền hình của thế giới, đặc biệt là phim Hàn Quốc, xây dựng nhân vật nam chính nhiều hơn nữ. Bản thân tôi cũng đã từng khắc họa thành công những vai nam chính và tạo được tên tuổi cho nhiều diễn viên, như: Quyền Linh, Chi Bảo, Lương Thế Thành... Tôi cũng mong có thêm nhiều kịch bản khai thác dạng nhân vật này, nhưng không nhiều tác giả kịch bản chạm đến”.

Có khi ý đồ tác giả là xây dựng hình ảnh nam làm nhân vật trung tâm, nhưng cách thể hiện lại vẫn thiên về đường đi của nhân vật nữ. Biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết ý đồ kịch bản phim Một ngày không có em là xây dựng các nhân vật ông Trung, ông Thông (Thanh Điền-Quyền Linh) làm trung tâm. Nhưng những gì thể hiện trên phim khiến người xem lại chỉ thấy những mối quan hệ, biến cố đều xoay quanh nhân vật My của Quỳnh Anh.

Cũng như phim Bỗng dưng muốn khóc, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết anh có chủ ý xây dựng nhân vật trung tâm là Bảo Nam (Lương Mạnh Hải), dù thời lượng xuất hiện trong khung hình của Bảo Nam và Trúc (Tăng Thanh Hà) đều ngang nhau. Cuộc sống của Bảo Nam được khắc họa khá rõ nét, mỗi bước đi của nhân vật đều được đề cập và kịch bản cũng khai thác khá kỹ về những đổi thay, vấp váp sau này của Bảo Nam. Tuy nhiên, người xem sẽ không dễ nhận ra điều này bởi hình ảnh của cô bán sách mù chữ Trúc không lép vế, mà ngược lại đã chiếm được cảm tình của khán giả ngay từ những tập phim đầu.

Một nữ tác giả kịch bản chia sẻ rằng sẽ dễ dàng hơn cho người viết rất nhiều nếu chọn xây dựng hình ảnh nhân vật nữ. Chị cho rằng nếu không hiểu tâm lý, tính cách, cách xử trí tình huống của nhân vật nam một cách thấu đáo thì sẽ làm hỏng tính cách của nhân vật, gây ấn tượng không tốt với người xem. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng nhận định: “Nhân vật nữ chính dễ cho tác giả kịch bản xây dựng những tình huống éo le. Số phận bất hạnh của nhân vật nữ luôn tạo được sức rung động nhiều hơn. Những vấp ngã trong cuộc sống của nhân vật nữ có thể dễ được khán giả tha thứ, còn với nhân vật nam thì rất khó. Thêm vào đó, việc tìm diễn viên cho nhân vật nữ chính cũng dễ hơn nhiều”.

Nói như đạo diễn Đinh Đức Liêm, nhân vật nam cũng có số phận và hoàn toàn đủ sức hấp dẫn như nhân vật nữ, quan trọng là tác giả kịch bản khai thác nhân vật đó đến đâu. Quả vậy, khi nhân vật nữ đã được khai thác quá nhiều dẫn đến sự trùng lặp tính cách, những mối quan hệ và cả số phận đến mức gây nhàm chán, thì việc khai thác sâu vào cuộc đời của những nhân vật nam cũng là một cách làm mới, đổi gió cho phim truyền hình Việt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật