Thủ môn Nguyễn Thế Anh: “Vì cuộc đời là chuỗi dây xích“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lần thứ hai xin rút lui khỏi đội tuyển quốc gia, Thế Anh biết chắc sẽ hứng chịu búa rìu dư luận. Trong mọi quyết định, đều có những mất mát... song có một điều chắc chắn rằng, Nguyễn Thế Anh chưa bao giờ hối tiếc.
Thủ môn Nguyễn Thế Anh: “Vì cuộc đời là chuỗi dây xích“
Thế Anh cùng đồng đội ở Bình Dương. Ảnh: T.G

Nhìn lại sự nghiệp, phong độ của chàng thủ môn xứ Nghệ này để phần nào thấy được phần nào nguyên nhân “bất mãn” của anh...

Đi đường vòng

Cũng như bao đứa trẻ mê bóng đá ở thành Vinh, Thế Anh bắt đầu niềm đam mê quả bóng tròn với bạn bè cùng trang lứa và thường sắm vai... tiền đạo. Ngay cả khi gia nhập QK4 – đội bóng hạng 2 ở Vinh – Nghệ An, anh vẫn tập chơi vị trí này. Nhưng do Thế Anh quá “cây sậy” và để không thất thoát một thằng bé có thân hình lý tưởng, các thầy ở QK4 đã tập cho Thế Anh chơi thủ môn. Nó bắt đầu từ một tình huống rất tình cờ, khi đội bóng khuyết cả 3 thủ môn, trong lần dự đại hội toàn quân. Đôi găng và chiếc áo dầy cộp gắn liền với Nguyễn Thế Anh từ những ngày hè năm 1998 đến bây giờ.

Xuất thân trong một gia đình gia giáo, ba mẹ Thế Anh không định hướng cho đứa con trai duy nhất trong nhà theo nghiệp quần đùi áo số. Nhưng sự nghiệp bóng tròn như đã định trước. Hè năm 1998, đội QK4 ra thông báo tuyển sinh và Thế Anh đăng ký ghi danh cho vui ngờ đâu trúng tuyển. Khi đó Thế Anh mới học xong lớp 11. Theo quy định, khi trúng tuyển mỗi học viên đều phải có sự đồng ý của phụ huynh. Vì chưa học xong phổ thông, sợ bố mẹ không đồng ý nên Thế Anh thừa lúc bố bận rộn, không để ý chìa tờ đơn ra xin ký. Thế là sự việc... trót lót.

Tập luyện tại QK4 được 1 năm và từ vị trí tiền đạo Thế Anh vô tình “chết dí” ở vị trí thủ môn. Thế Anh kể lại: “Năm 1999, QK4 đi dự giải toàn quân nên 3 thủ môn đều vắng mặt, còn mình và các bạn đồng tuổi hoặc nhỏ hơn do bận học nên ở lại. Thiếu thủ môn, không hiểu sao các thầy bảo mình về chụp rồi thấy “được được” nên để bắt gôn suốt. Rất ngạc nhiên, chỉ sau 6 tháng đóng vai thủ môn nhưng từ vị trí thứ 4 mình lại trở thành thủ môn số 1 của đội”.

Tạo dựng được vị trí ở QK4, năm 2000, Thế Anh được “nhấc” về SLNA và bắt đầu gặt hái thành công ở đây. Tròn 20 tuổi, Thế Anh đã là nhà vô địch V.League cùng SLNA ở mùa 2000-2001. Rồi thêm một năm ra Hà Nội trui rèn tại LG.HN.ACB, Thế Anh mới trở lại và đóng vai chính toả sáng trong sắc áo đội bóng quê hương mùa 2002–2003 và được gọi vào tuyển U-23 VN thi đấu tại SEA Games 22.

Nghịch cảnh ở Ngân hàng Đông Á

Sau SEA Geams 22, Thế Anh chuyển hướng vào Nam khi đầu quân cho Ngân hàng Đông Á ở mùa giải 2004 với số tiền chuyển nhượng thuộc dạng “khủng” và được coi là thủ môn sáng giá nhất thời điểm đó. Tuy nhiên, quãng thời gian chơi cho Ngân hàng Đông Á (NHĐÁ) lại là giai đoạn buồn nhất của Thế Anh.

Ngay mùa đầu tiên chơi cho đội, NHĐÁ rớt hạng! Nhiều ánh mắt nghi ngại lúc đó cũng hướng về bản hợp đồng đắt giá – Nguyễn Thế Anh. Sự nghiệp của anh bị ảnh hưởng ghê gớm, từ chỗ là thủ môn số 1 ở đội tuyển, Thế Anh rớt xuống vị trí thứ 3 ở Tiger Cup 2004. Tuy nhiên, vận đen chưa dừng lại ở đó. Sau khi ổn định lại tinh thần, Thế Anh ở lại cùng NHĐÁ làm lại từ đầu ở giải hạng Nhất 2005 khi mà hàng loạt trụ cột dứt áo ra đi.

Tưởng rằng niềm vui sẽ được trọn vẹn sau chuỗi ngày cực nhọc thì NHĐÁ bị kỷ luật vị vụ “mua chuộc trọng tài”. Với Thế Anh đó là nỗi đau ghê ghớm: “Đội bóng rớt hạng đã buồn, việc HLV Nguyễn Thành Vinh bị bắt khiến tôi buốt lòng. Là thầy, đồng thời cũng là người cha, người chú nên việc HLV Nguyễn Thành Vinh khiến tôi hoang mang rất nhiều dù biết BĐVN chuyện “nhập nhèm” như thế không phải là cá biệt, hiếm hoi gì”.

Thương các cầu thủ bỗng chốc rơi vào thế bơ vơ, Chủ tịch CLB Đặng Phước Dừa (còn gọi là chú Ba Dừa – PV) chủ động cho những trụ cột như Thế Anh, Niweat Siriwong, Công Minh, Quang Thanh... tìm miền đất mới để tiếp tục sự  nghiệp. Trong ngày chia tay sân Đạt Đức chuyển tới Bình Dương với bản hợp đồng 3 năm, Thế Anh nhắn gởi với chú Ba: “Nếu khi nào chú cần, cháu sẽ quay trở lại”. Song không bao giờ có cơ hội quay lại để Thế Anh trả ơn đội bóng cũ nữa bởi NHĐÁ đã “chết”. Lần đầu xa quê lập nghiệp mang theo bao hoài bão nhưng gặp ngay cú sốc đã khiến Thế Anh thất vọng nhưng cũng khiến anh trưởng thành hơn rất nhiều và quan trọng trong điều rủi lại có sự may khi đến với “miền đất hứa”: Bình Dương.

Trong vai trò người canh giữ đền, vị trí thuộc dạng “nhạ‌y cả‌m” nhất của môn thể thao vua, Thế Anh đã trải qua những giây phút thăng hoa cũng như lúc tăm tối. “tai nạn” trong trận bán kết SEA Games 22 (2003) với Malaysia, cũng như nghịch cảnh ở NHĐÁ sau đó là những nốt trầm đáng quên nhất trong sự nghiệp của chàng thủ môn xứ Nghệ. Song bóng đá với Thế Anh là cuộc sống với những cuộc chinh phục trường kỳ, không hạn định.

Thế Anh trong những ngày hạnh phúc ở Bình Dương. Ảnh: T.G

Làm mới mình...

Sau năm đầu tiên ở BD, Thế Anh ngậm ngùi nhận chiếc HCB vì “sẩy chân” ở trận quyết định với GĐT.LA và không phải đợi lâu, B.BD đã khẳng định vị thế một ông vua mới trong làng bóng đá VN với 2 chức vô địch V.League liên tiếp sau đó.

Giữ một phong độ ổn định, Thế Anh là một trong những cầu thủ ra sân nhiều và được HLV Lê Thụy Hải “chấm công” cao nhất ở B.BD. Không hoa mỹ, màu mè Thế Anh không tạo cho người xem cảm giác “đã con mắt” vì những pha tung người, cuộn người lăn tròn nhưng thủ môn 28 tuổi này lại có điều cần thiết nhất là sự ổn định và tạo niềm tin cho các đồng đội ở tuyến trên.

Tự nhận xét về mình, Thế Anh nói: “Tôi thấy mình không phải là xuất sắc, tôi không có những pha phản xạ xuất thần như anh Minh Quang hay ra bóng dũng mãnh như Hồng Sơn và cũng có điểm yếu trước các quả sút bóng sệt, cứa lòng vào góc xa. Tuy vậy, phong cách của tôi là tính thực dụng và sự điềm tĩnh. Trước một pha bóng hoặc là tung người đẩy bóng vọt xà rồi lăn lộn để khán giả tán thưởng thì tôi chọn phương án nhảy lên đấm quả bóng ra ngoài”.

Thành công vang dội ở CLB, nhưng cái “duyên” ĐTQG của Thế Anh lại trở nên  nhạt dần dưới thời HLV Alfred Riedl kể từ sau SEA Games 22 và cho đến triều đại Henrique Calisto thì gần như nó đang tắt lịm. “Đã là cầu thủ thì ai mà không khát lên tuyển để được cống hiến. Tuy nhiên, tôi thấy cái cái duyên ở đội tuyển ngày càng nhạt đi. Nói mình khát khao cháy bỏng lên tuyển thì dối lòng nhưng kỳ thực tôi luôn chờ đợi một cơ hội mới sẽ đến. Cái cảm giác mặc lên mình chiếc áo có lá cờ Tổ quốc với tôi rất khó tả”... Tất cả đã qua đi, với Thế Anh thì gia đình với người vợ trẻ và đứa con trai kháu khỉnh, cũng như công việc ở CLB B.BD mới là cuộc sống đích thực của anh.

“Tôi không có thói quen so sánh, nhưng thử hỏi giữa tôi và Santos vào thời điểm hiện tại, ai có phong độ tốt hơn? Tôi vô địch V.League cùng B.BD 2 năm liên tiếp, còn anh ấy chỉ về nhì. Tôi cho rằng, những nỗ lực (có thành quả) thì phải được bù đắp một cánh hợp tình, hợp lý.

Tôi không ngại cạnh tranh vị trí trên tuyển với bất cứ ai, song cái mà tôi chờ đợi là sự công bằng. HLV Calisto đã không công bằng với tôi và một vài đồng nghiệp khác, mà đỉnh điểm là trận giao hữu với Olympic Brazil hồi tháng 8 vừa rồi. Trước trận đấu đó, ông ấy hỏi tôi có sẵn sàng không, tôi nói OK! Song, suốt 90 phút của trận cầu mang nhiều tính giao lưu, học hỏi, thì Calisto đã phớt lờ những người còn lại. Calisto chỉ tính được cho mỗi mình ông ấy mà thôi”.

(Nguyễn Thế Anh công khai những mâu thuẫn với đương kim HLV trưởng tuyển QG, Henrique Calisto).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật