Tại sao Philippines gặp nạn, Trung Quốc vẫn không tha “răn đe”?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Haiyan, “siêu bão” khiến hàng nghìn người Philippines thiệt mạng, đã phơi bày “tấm lòng” của Trung Quốc đối với quốc gia Đông Nam Á này. Khi cuộc trang chấp chủ quyền về Biển Đông đang tiếp diễn, Bắc Kinh vẫn tìm cách “cảnh cáo” Manila ngay trong lúc Philippines đang phải gánh chịu thảm họa thiên nhiên.
Tại sao Philippines gặp nạn, Trung Quốc vẫn không tha “răn đe”?
Cảnh tượng hoang tàn ở Philippines sau cơn bão Haiyan.

Sau trận bão Haiyan với sức tàn phá khủng khiếp, cứu trợ quốc tế đang đổ về Philippines. Liên Hợp Quốc giải ngân 25 triệu USD từ quỹ khẩn cấp và Mỹ cam kết viện trợ 22 triệu USD cho Philippines. Nhưng ít nhất đến thời điểm này, sự trợ giúp đến từ “nhà giàu” Trung Quốc đang ở mức khá khiêm tốn.

Ban đầu, khi nhận được tin thiệt hại nặng nề của Philippines, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ gửi khoản tiền cứu trợ khiêm tốn 100.000 USD cho Manila (cùng với một khoản 100.000 USD khác thông qua Hội chữ thập đỏ Trung Quốc). 5 ngày sau, khi nhận quá nhiều lời chỉ trích của dư luận thế giới, Trung Quốc mới quyết định tăng thêm khoản cứu trợ 1,64 triệu USD chủ yếu thông qua hàng hóa như chăn ấm, lều... Tuy nhiên, tổng số 1,84 triệu USD của Bắc Kinh vẫn không thể bằng số tiền cứu trợ của hãng nội thất Thụy Điển IKEA - 2,7 triệu USD.

Thái độ lạnh lùng của Bắc Kinh đối với Manila trong thảm họa là một phần trong chính sách ngoại giao cô lập Philippines của Trung Quốc. Trong những tháng qua, Ngoại trưởng Trung Quốc đã gặp gỡ các đồng nhiệm từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN – trừ Philippines. Nguyên nhân then chốt khiến Trung Quốc hành xử như vậy là do Philippines tỏ ra “hăng hái” đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Vụ việc xảy ra vào tháng 4/2012 khi tàu của Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau ở gần tại bãi cạn Scarborough chỉ cách vịnh Subic của Philippines, nơi Mỹ từng đặt căn cứ hải quân, khoảng 160km. Vụ việc bắt đầu khi các thủy thủ Philippines bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở khu vực mà Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Sau đó, tình trạng đối đầu tàu hải quân leo thang và Trung Quốc sau đó đã kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Vụ việc đã phơi bày năng lực yếu kém của hải quân Philippines. Đáp lại, Philippines muốn củng cố hợp tác quân sự với Mỹ.

“Chúng tôi sẵn sàng huy động mọi nguồn lực, kêu gọi mọi đồng minh và để làm bất kì điều gì để bảo vệ những gì của chúng tôi”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố hồi tháng Tám.

Chính phủ Philippines cũng mua thêm tàu tuần duyên cũ từ Mỹ để nâng cấp năng lực hải quân củ mình. Nhưng điều đó không làm thay đổi cán cân năng lực hàng hải với Trung Quốc. Bắc Kinh đã thông báo về kế hoạch mở rộng và hiện đại hóa đội tàu và hồi tháng Tám, Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành thị sát tàu sân bay đầu tiên của nước này. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì khẳng định:“Trong tương lai chắc chắn sẽ có thêm nhiều tàu sân bay nữa”.

Nhưng nếu trên biển, Manila đang ở vào thế vô cùng bất lợi thì trong phòng xử án, cán cân có thể thăng bằng hơn. Trong thế giới của luật pháp quốc tế, cán cân quyền lực không mấy khi thiên lệch và đó là nơi Philippines tìm đến. Vào tháng Một, Ngoại trưởng Philippines thông báo với đại sứ Trung Quốc rằng Manila đang khởi kiện Bắc Kinh tại Tòa án Liên Hợp Quốc.

Bắc Kinh đã giận dữ bác bỏ thông tin này của Philippines, khẳng định sẽ không tham gia vào vụ kiện và khăng khăng cho rằng nước này có “chủ quyền không thể chối cãi” với Biển Đông. Nhưng vụ kiện vẫn được tiến hành và mọi quốc gia đang tranh chấp hàng hải ở châu Á đều theoi dõi vụ kiện rất sát sao. Điều khiến Bắc Kinh nổi giận là Philippines đang có cơ hội “bẻ gãy” các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông được thể hiện qua cái mà nước này gọi là “Đường 9 đoạn” mà nước này chính thức thông báo với thế giới vào năm 2009. Bản đồ hình chữ U khổng lồ này cho thấy khu vực mà Trung Quốc coi là “chủ quyền không thể chối cãi” của nước này trên Biển Đông. “Đường 9 đoạn” phủ gần như 90% diện tích Biển Đông và bao gồm cả vùng biển chỉ cách Philippines, Malaysia và Việt Nam vài chục hải lý.

“Đường 9 đoạn” không có cở sở rõ ràng và dựa nhiều vào yếu tố lịch sử. Vừa qua, hai học giả Trung Quốc tìm hiểu về ảnh hưởng của Trung Quốc trên Biển Đông từ tận thời kỳ thế kỷ 5 sau Công nguyên. Thông qua vụ kiện, Philippines muốn chỉ ra sự khác biệt giữa các tuyên bố chủ quyền dựa trên lịch sử của Trung Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). UNCLOS đề ra các qui định về lãnh hải (khu vực rộng 12 hải lý tính từ bờ biển) và “các vùng đặc quyền kinh tế” (khu vực rộng 200 hải lý tính từ bờ biển).

Có thể Trung Quốc sẽ khăng khăng cho rằng UNCLOS không áp dụng cho Biển Đông nhưng một thực tế không có lợi là Bắc Kinh đã phê chuẩn Công ước (khác với Mỹ, quốc gia chưa phê chuẩn UNCLOS). Một bất lợi nữa đối với Trung Quốc do nước này đã phê chuẩn UNCLOS là Công ước “tự động” đưa Trung Quốc vào quá trình hòa giải quốc tế về tranh chấp. Sau khi Philippines đệ đơn vào tháng Một, một nhóm trọng tài có kinh nghiệm đã được triệu tập để xem xét vụ việc.

Việc Philippinies sẵn sàng kiện “người khổng lồ châu Á” ra tòa án Liên Hợp Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Cho tới nay, quốc gia Đông Nam Á này “phản ứng” quyết liệt nhất với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông.

Theo chuyên gia Ian Storey từ viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, những tiếng nói ủng hộ Philippines trong khu vực đã dần tắt do lo ngại vụ kiện của Philippines “có thể có tác dụng tiêu cực tới mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc”.

Trung Quốc “lạnh nhạt” với Philippines do Manila kiện Bắc Kinh lên Tòa án Liên Hợp Quốc về tranh chấp trên Biển Đông?

Lo ngại ảnh hưởng của Bắc Kinh, hầu hết các quốc gia ASEAN đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Nếu Philippines hi vọng sẽ được những ai nghi ngờ tính xác thực của “Đường 9 đoạn” đứng sau ủng hộ thì có lẽ nước này sẽ thất vọng.

Vị thế về chính trị và kinh tế của Trung Quốc có thể đã “dập tắt” sự ủng hộ về ngoại giao của khu vực đối với Philippines nhưng tính chất phức tạp của vụ kiện cũng có thể là nguyên nhân khiến các nước không mạnh bạo đứng về phía Manila.

Các quan chức Trung Quốc và thậm chí một số học giả độc lập về luật hàng hải cho rằng các trọng tài quốc tế không có quyền lực pháp lý. Các học giả này đề cập tới một loạt các hạn chế về cơ chế trọng tài phân xử mà Trung Quốc đã từng thông báo vào năm 2006. Theo đó, cơ chế  trọng tài không thể giải quyết các vấn đề liên quan tới “phân định” về hàng hải, các hoạt động quân sự và một số tuyên bố nhất định về mặt lịch sử và các vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc có quyền hợp pháp trong việc tận dụng các hạn chế này.

Luật sư Paul Reichler, đại diện của Philippines trong vụ kiện, giải thích tại sao những hành động hạn chế của Trung Quốc về vụ kiện sẽ không thể cản trở các trọng tài ra phán quyết về vụ việc.

Trước tiên, về vấn đề liệu những quyền lợi về Biển Đông được cho là thuộc về Trung Quốc dựa trên căn cứ lịch sử có ảnh hưởng tới phán quyết của các trọng tài hay không, ông Reichler khẳng định rằng theo UNCLOS, khái niệm “quyền lợi lịch sử” có ý nghĩa rất hạn hẹp.

“Các quốc gia không thể khẳng định quyền lợi lịch sử của mình ở các vùng biển xa. Khái niệm đó chỉ được áp dụng với các vùng biển sát bờ biển mà về mặt lịch sử đã được coi là vùng biển nội địa của quốc gia đó”, ông Reichler giải thích.

Ông Reichler cũng cho rằng vụ kiện không xoay quanh vấn đề phân định biên giới trên biển, vì đây là vấn đề không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài, mà về quá trình xác định các quyền lợi của Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông dựa theo UNCLOS (ông Reichler cũng chỉ ra rằng biên giới trên biển không thể được phân định nếu không xác định rõ quyền lợi của các quốc gia).

Philippines cũng không đòi các trọng tài phán quyết về chủ quyền đối với các hòn đảo đang tranh chấp trên Biển Đông. Thay vào đó, Philippines muốn hội đồng trọng tài phân biệt rõ đâu là đảo, mỏm đá hay bãi cạn. UNCLOS đã có hướng dẫn rõ ràng giúp phân biệt các khái niệm này với tiêu chí thường xuyên nổi trên mặt nước và có thể duy trì cuộc sống của con người cũng như để tiến hành các hoạt động kinh tế.

Một số nhà quan sát cho rằng Philippines đã “cởi được nút thắt” về pháp lý của tranh chấp Biển Đông.

“Tôi lạc quan rằng các trọng tài sẽ khẳng định rằng họ có thẩm quyền nghe Philippines giải trình về một số vấn đề (tranh chấp Biển Đông)”, Peter Dutton, một chuyên gia về luật biển cảu Đại học chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định. Ông cũng dự đoán rằng hội đồng trọng tài sẽ phán quyết rằng Philippines “thực sự có quyền lợi hợp pháp đối với các tài nguyên ở một số vùng biển thuộc bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc”.

Có một số lí do khiến các trọng tài có thể tránh đưa ra phán quyết về cuộc tranh chấp. Việc Trung Quốc từ chối tham dự cho thấy ý đồ quan trọng của nước này và các trọng tài có thể tránh đưa Trung Quốc vào tình thế mâu thuẫn với UNCLOS. Nhưng nếu hội đồng trọng tài thực sự ra phán quyết có lợi cho Philippines thì cuộc tranh chấp sẽ thay đổi. Bản đồ “Đường 9 đoạn” sẽ không chỉ đơn giản là tham vọng quá lớn của Trung Quốc mà đó còn là tài liệu không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Bắc Kinh có thể sẽ thay đổi chiến thuật và áp dụng một chính sách mang tính chất hòa giải hơn. Thực ra, quá trình ra phán quyết diễn ra rất chậm và còn rất nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại giao. Nhưng việc Bắc Kinh phản ứng lạnh nhạt trước thảm họa bão Haiyan của cho thấy triển vọng không mấy sáng sủa về vụ kiện này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật