Mất sổ tiết kiệm và tiền, ngân hàng không có lỗi?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cho rằng khách hàng có lỗi trong việc chậm thông báo việc mất sổ tiết kiệm nhưng còn chữ ký và ảnh chứng minh nhân dân tại sao không kiểm tra?
Mất sổ tiết kiệm và tiền, ngân hàng không có lỗi?
Người dân đang giao dịch tại một ngân hàng. (Ảnh minh họa: HTD)

Chị Hoàng Thị Thu Sương (phường 15, quận Tân Bình) cứ ấm ức về việc bị mất “oan mạng” 60 triệu đồng gửi tiết kiệm...

Người gửi tiền phải tự chịu thiệt?

Theo lời chị Sương, ngày 23-7, chị phát hiện bị mất một sổ tiết kiệm có giá trị 60 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân. Ngay sau đó, chị đã liên lạc với ngân hàng X nơi chị gửi tiền tiết kiệm để thông báo việc mất thẻ. Bất ngờ, phía ngân hàng cho biết cách đó hai ngày đã có người dùng giấy chứng minh nhân dân (CMND) của chị Sương để rút tiền và giao dịch đã được chấp nhận.

Rất may, do ngân hàng X có hệ thống camera ghi hình nên chị Sương phát hiện được kẻ gian chính là người từng ở cùng nhà với mình. Vào thời điểm chị bị mất tiền trong sổ tiết kiệm, người này đã thôi không thuê nhà nữa và chuyển đi nơi khác.

Lập tức, chị Sương gửi đơn tố cáo đến Công an quận Tân Bình và đối tượng bị tình nghi đã mạo danh chị Sương để rút tiền đang bị tạm giam tại cơ quan này. Bước đầu, người này đã khai nhận hành vi rút tiền. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý.

Tuy nhiên, điều làm chị Sương ấm ức là lãnh đạo phòng giao dịch của ngân hàng đã phủ nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc, viện lẽ “chị Sương hoàn toàn có lỗi...”. Để bảo vệ lập luận của mình, lãnh đạo phòng đã viện dẫn quy chế tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định 1160 ngày 13-9-2004 của thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Theo đó, các tổ chức tín dụng tự quy định việc xử lý các trường hợp khách hàng làm mất thẻ tiết kiệm phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh doanh của mình và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Căn cứ vào quyết định trên, ngân hàng X đã quy định các nội dung liên quan trong quy chế tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng như sau: “Khách hàng phải cất giữ thẻ tiết kiệm cẩn thận, khi mất thẻ phải thông báo ngay cho ngân hàng bằng điện thoại. Trong vòng 24 tiếng sau khi thông báo bằng điện thoại, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất thẻ tiết kiệm. Nếu không thông báo kịp thời, khách hàng phải tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra”.

Ở trường hợp cụ thể này, do phát hiện quá trễ nên phải mấy ngày sau kể từ lúc mất sổ tiết kiệm, chị Sương mới báo tin cho ngân hàng. Lúc đi rút tiền, kẻ gian vừa có sổ tiết kiệm, vừa kèm theo CMND. Do đó, ngân hàng không có lý do gì để từ chối giao dịch.

Ngân hàng cũng có lỗi?

Chị Sương không đồng tình với cách giải thích trên của ngân hàng X. Bởi lẽ, mỗi cá nhân khi gửi tiết kiệm đều có đăng ký mẫu chữ ký tại ngân hàng. Khi được cho xem những giấy tờ do ngân hàng lưu giữ, chị nhận ra ngay những khác biệt lớn giữa chữ ký của kẻ gian và chữ ký mẫu của chị. Lại nữa, tuy người rút tiền có xuất trình CMND nhưng nếu biết đối chiếu, so sánh..., nhân viên ngân hàng sẽ dễ dàng phát hiện người cầm CMND đó không phải là chủ nhân của sổ tiết kiệm.

Theo khoản 6 Điều 27 của quy chế trên, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phải “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”. Như vậy, khi cũng có lỗi gây thiệt hại cho khách hàng, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường?

Làm việc với PV, lãnh đạo chi nhánh trên cho biết: “Chi nhánh sẽ xin ý kiến của cấp trên để bù đắp cho chị Sương phần nào đó những tổn thất về thời gian và tinh thần của chị” (?!).

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM:

Ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường

Phía ngân hàng đã không sòng phẳng khi dựa vào quy chế tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng mình để từ chối trách nhiệm bồi thường trong sự cố mất tiền nêu trên. Theo quy định của Luật Kế toán, khi xuất tiền ra, bên ngân hàng phải xem xét CMND của người nhận tiền. Phía khách hàng, mỗi khi đi rút tiền thì phải điền và ký tên vào phiếu đề nghị rút tiền. Khi nhận tiền, họ cũng phải ký tên. Qua mấy lần ký tên như vậy, tại sao nhân viên ngân hàng lại không phát hiện sự khác biệt với chữ ký mẫu? Rõ ràng, phía ngân hàng cũng có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất cho chị Sương.

Hiện tại, do vụ việc còn đang trong quá trình điều tra nên trách nhiệm cụ thể của ngân hàng còn tùy thuộc vào việc công an có thu hồi được số tiền mà kẻ gian đã rút ra hay không.

Theo Bộ luật Dân sự, chị Sương và ngân hàng có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại tương ứng với tỷ lệ lỗi. Ai lỗi nhiều thì phải bồi thường nhiều, lỗi ít thì bồi thường ít. Nếu cả hai bên cùng có lỗi như nhau, mỗi bên phải chịu 1/2 thiệt hại. Nếu ngân hàng không chịu bồi thường, chị Sương có quyền khởi kiện ra tòa án.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật