Cung - cầu vốn lỗi nhịp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phát biểu tại buổi Khảo sát tình hình thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng do Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức chiều 14/10, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBank cho biết, cung - cầu vốn hiện không gặp được nhau.
Cung - cầu vốn lỗi nhịp
Ảnh minh họa

Mùa cao điểm vẫn khó cho vay

Quý IV được xem là thời gian tốt nhất để tăng trưởng dư nợ tín dụng khi hầu hết DN vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, Tổng giám đốc ABBank chia sẻ, với các DN chấp nhận vay lãi suất cao, Ngân hàng không dám trao vốn, vì ngại rủi ro. Trong khi đó, Ngân hàng giảm lãi suất xuống mức thấp cho khách hàng có “sức khỏe” tốt thì DN lại chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay. Thực tế, Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, nhưng tình hình giải ngân vẫn chậm. Tăng trưởng tín dụng của ABBank 9 tháng đầu năm đạt 20% chủ yếu đến từ mảng cho vay khách hàng cá nhân mua nhà để ở và tiêu dùng.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho hay, mặc dù dư nợ tín dụng của Sacombank 9 tháng đầu năm tăng trưởng 13,4%, nhưng phần lớn đến từ mảng khách hàng cá nhân, chiếm đến 70%. Theo ông Tâm, lãi suất không còn là vấn đề quan trọng đối với DN trong lúc này. Hiện lãi suất cho vay đã được Ngân hàng giảm xuống dưới cả trần huy động 7%/năm. Chẳng hạn, với gói tín dụng hỗ trợ DN dịp Tết năm nay, lãi suất cho vay của Sacombank là 6%/năm.

Tuy nhiên, sau khi Sacombank triển khai gói tín dụng này, không phải DN nào cũng hào hứng tiếp cận, mà chủ yếu tận dụng tối đa nguồn vốn tự có để giảm chi phí. Mặt khác, khách hàng cũng chưa mặn mà với việc mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do sức tiêu thụ hàng hóa của thị trường còn yếu và tồn kho vẫn cao, khiến DN phải suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi quyết định vay vốn. Vì thế, ông Tâm cho rằng, cần thiết phải có các chương trình kích cầu, trong đó có cả kích cầu cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà, bên cạnh gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc Eximbank, ông Trần Tấn Lộc nhận xét, lãi suất giảm không có nghĩa các ngân hàng sẽ đẩy được tăng trưởng dư nợ. Thời gian qua, Eximbank đã nỗ lực tái cơ cấu nợ cho khách hàng, nhưng tín dụng 9 tháng đầu năm cũng chỉ đạt hơn 8% so với chỉ tiêu đưa ra khoảng 15% cho cả năm.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongA Bank, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay, các DN quyết liệt cắt giảm chi phí nên nhu cầu sử dụng vốn vay không cao. Để chia sẻ với DN, DongA Bank đã có chính sách cắt giảm lãi suất, nhưng về phần tài sản đảm bảo, hiện không phải DN nào cũng còn tài sản để thế chấp. Các DN đang cố gắng cầm cự, duy trì hoạt động, muốn vay vốn ngân hàng bằng tài sản hình thành trong tương lai thì hầu như không được chấp nhận. Vì thế, bà Vân cho rằng, cần xem xét vấn đề này để hỗ trợ DN.

Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB nhận xét, với các DN duy trì được hoạt động thì nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh vẫn có. Tuy nhiên, trước diễn biến nợ xấu gia tăng, ngân hàng cho vay yêu cầu DN phải có tài sản đảm bảo. Nhưng nhiều DN đã cạn tài sản để thế chấp, do không bán được hàng. Do đó, việc vay vốn thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai cũng được Phó tổng giám đốc ACB kiến nghị xem xét để khơi thông dòng vốn.

 

Nợ xấu diễn biến phức tạp

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, hệ thống ngân hàng đạt được mục tiêu dư nợ tăng 12% trong năm nay là hết sức khó khăn, có thể chỉ đạt mức 10%. Ông Minh cho biết, nợ xấu vẫn cao, riêng khu vực TP. HCM, nợ xấu chiếm 5,99% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm gần 70%, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản và vay tiêu dùng.

Các ngân hàng đã sử dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, nhưng theo bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Vietcombank (VCB) TP. HCM, trong tình hình khó khăn hiện nay, nợ nhóm 2 chuyển xuống nhóm 3, nhóm 4 rất nhanh, khiến ngân hàng nhiều lúc “không kịp trở tay”. Tín dụng của VCB thời gian qua tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu, chiếm 40% tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng do thị trường xuất khẩu khó khăn nên các DN thủy sản, gạo… cũng không tránh được nợ xấu. Bên cạnh đó, với các DN lĩnh vực bất động sản, nợ khó đòi cũng có chiều hướng gia tăng, nên theo kiến nghị của bà Nga, cần sớm “khai tử” các dự án chậm đền bù, giải tỏa để có thể nhanh chóng giảm được nợ xấu.

Ông Trần Ngọc Thành, Phó giám đốc Ngân hàng MHB Chi nhánh Sài Gòn cho biết, đẩy mạnh cho vay lúc này mà không kiểm soát được rủi ro nợ xấu sẽ rất nguy hiểm. Nếu hỗ trợ vốn để “cứu” DN, nhưng DN vẫn hoạt động bết bát thì ngân hàng sẽ phải gánh chịu hậu quả. Do đó, tín dụng của MHB trong 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,49%. Nhìn chung, nợ xấu trong cho vay là điều khó tránh, nhưng để xử lý được nợ xấu hiện nay là rất khó khăn, nhiêu khê, kể cả khi ngân hàng đã nắm tài sản thế chấp trong tay và sớm có phương án xử lý khi nợ xấu chuyển sang nhóm 2, nhóm 3. Theo ông Thành, cần cho phép các ngân hàng được đơn phương bán tài sản thế chấp trong tình thế cần thiết, nhằm kéo giảm nợ xấu.

Lãnh đạo Agribank Chi nhánh TP. HCM cho hay, quá trình giải quyết nợ xấu hiện nay gặp phải không ít khó khăn, nhất là quá trình thi hành án phức tạp, tốn thời gian. Mặt khác, bất động sản đóng băng, giá giảm mạnh nên rất khó bán tài sản thế chấp là bất động sản.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật