Những chuyện kể của Ái Như

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nữ đạo diễn - diễn viên Ái Như luôn tươi tắn, trẻ trung so với tuổi 48 của mình. Thế nhưng, đằng sau sự trẻ trung ấy là những câu chuyện dài của tháng ngày đã qua.
Những chuyện kể của Ái Như
Nữ đạo diễn - diễn viên Ái Như (Ảnh: TGVH)
Phải công nhận Ái Như trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật của chị. Ngay chính bản thân chị cũng tiết lộ rằng: "Nhiều khi đi ra đường, gặp bạn bè và khán giả, đôi khi họ cũng khen mình trẻ. Nhưng đẹp thì chưa bao giờ được khen, ngoại trừ ông xã và hai đứa con ở nhà.

Tôi tự thấy mình không phải là một người đẹp, mà chiều cao của tôi lại thuộc hàng khiêm tốn nữa. Đôi lúc tôi cũng tập sửa soạn cho giống người ta, cũng chạy ra shop thời trang mua những chiếc áo, chiếc đầm thật đẹp, thật hợp thời trang về. Nhưng mỗi lần nhìn vào gương, tôi cảm thấy sao người ta mặc thì rất hợp, còn mình mặc quần áo thời trang vào thì lại trịnh trọng quá.

Thế rồi tôi xếp chúng lại, cất đi, chỉ sử dụng khi đi đám cưới. Dần dần, chúng được chuyền tay cho các em học sinh để thực hành trong các kỳ thi của trường. Với tôi, bước lên sàn tập để dựng vở trong những bộ đồ thật đẹp, thật lộng lẫy sao mà khó khăn quá. Nên tôi cứ thoải mái, có sao thì cứ để vậy”.

Theo Ái Như, cuộc đời không mang lại cho chị những thứ lớn lao thuộc về vật chất. Thế nhưng bù lại, chị luôn tìm được những giá trị tinh thần sau mỗi lần trải qua biến cố.

1. Ít người biết rằng Ái Như là một người gốc Huế. Điều mà chị ấn tượng nhất ở mảnh đất miền Trung chính là trái khổ qua sần sùi, bé nhỏ.

Chị rất thích loại trái có dây leo này và bảo rằng bản thân chị cũng có những tháng ngày thật "đắng" như vị khổ qua kia vậy. Chị kể:

"Những năm 1980, mẹ tôi muốn tôi ra nước ngoài định cư. Nhưng với bản chất là một người sợ sự xa lạ, yêu thích sự quen thuộc nên tôi đã quyết định ở lại.

Thế rồi, mẹ bắt tôi phải nghỉ học, bà nhốt tôi lại, không cho tôi đến trường. Nhưng tôi vẫn nhất định không đi. Lúc đó, tôi nghĩ chỉ còn cách lập gia đình mới có thể ở lại và tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu.

(Ảnh: Thành Hội)

Lúc ấy, tôi 23 tuổi và phải bắt đầu cuộc sống không-trợ-giúp cùng đứa con thơ và chồng là giảng viên trường Đại học Bách khoa không quá giầu có.

Khoảng thời gian đó, vì nghỉ học nửa chừng nên tôi phải tranh thủ làm thêm các nghề khác để mưu sinh như bán bánh bèo, bánh bột lọc hoặc bán thuốc lá ngay trước cổng Nhà Văn hoá Thanh Niên.

Tôi nhớ mãi, có những khi ngồi bán, tôi lại nhìn thấy những người bạn của mình là Thành Lộc, Hồng Đào chạy xe ngang qua. Rồi tôi tưởng tượng những người bạn của tôi sẽ trở thành diễn viên, rồi họ được bước lên sàn diễn. Còn tôi, vẫn ngồi đó, bán thuốc lá bên đường.

Một thời gian sau, tôi phát hiện mình không thể bôn ba được vì buôn bán mãi mà cứ trắng tay. Nhờ sự giúp đỡ của người anh bà con, tôi trở thành cán bộ phong trào văn thể mỹ trong một xí nghiệp may.

Cùng với sự phát triển của phong trào văn nghệ quần chúng trong thời gian này (những năm 1983-1985), hầu hết các vở kịch, tiết mục văn nghệ do tôi dàn dựng đều đạt được thứ hạng cao khi đi dự thi thành phố.

Đến một hôm, tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt. Biết tôi quá yêu nghề và từng học trường Nghệ thuật Sân khấu, anh về trường mua một bộ đơn và bảo: "Em nên đi thi lại".

Buổi tối hôm trước ngày thi vào khoa Đạo diễn của trường Nghệ thuật Sân khấu, ông xã nói với tôi: "Em nên đi thi, nếu rớt thì cũng không có gì hối tiếc vì phải tương tư nó một thời gian dài, anh biết em khổ lắm". Chính lời động viên của anh ấy đã cho tôi thêm phần tự tin để bắt đầu một chặng đường mới của mình.

Năm 1991, tôi tốt nghiệp khoa Đạo diễn. Năm năm sau, mẹ tôi quyết định quay về Việt Nam sinh sống sau khi nhận thấy sự lựa chọn ở lại của tôi là đúng.

Sau này, mẹ tôi thấy người ta có nói về con gái, bà vui và cũng hài lòng phần nào. Thế nhưng, mãi đến khi mẹ tôi mất năm 2000, bà vẫn không đi xem bất kỳ một vở diễn nào do tôi dựng cả. Đó là điều mà tôi cảm thấy đắng nhất trong cuộc đời mình.

Tuy vậy, mẹ là tất cả cuộc đời tôi. Tôi bị ảnh hưởng gần như toàn bộ tính cách của mẹ, một người phụ nữ Huế. Đặc biệt là hai chữ kiên-định. Kiên định trong con đường đi của cuộc đời".

2. Những giọt nước mắt lăn khẽ trên đôi gò má của người nghệ sỹ không có tuổi. Sau đó, chị lại mỉm cười cho biết chị đã được nếm vị ngọt và mát.

Tôi lại không cảm thấy vậy. Dường như vị đắng của trái khổ qua mà chị nhắc ban nãy vẫn vương vấn đâu đây. Tôi quan sát nội thất bình dị bên trong căn nhà của chị ở đường Đặng Văn Ngữ.

Những món đồ thật cũ, thật đơn giản đến mức nhiều người hồ nghi về vị chủ nhân của nó. Sân trước là chiếc KIA cũ chứ không phải là Mercedes sang trọng hay ít nhất cũng là Toyota, Ford "căn bản". Phòng khách có vài miếng gỗ đang bị mối ăn dở dang.

"Tôi có một nguyên tắc sống: Sống theo đam mê của mình trước và sống cho ham muốn của mình sau. Ham muốn thì thuộc về vật chất. Đam mê lại thuộc về tinh thần. Chính vì điều đó nên em sẽ chẳng thể tìm được những thứ quá đắt đỏ thuộc về sự ham muốn trong căn nhà này đâu.

Bức tranh sau lưng em là tấm ảnh được cắt ra từ một tấm lịch. Tấm lịch đó in hình một thiếu nữ Nhật đang soi gương và góc bên dưới có một nếp gãy vì dán không cẩn thận. Đó là "công trình" của ba tôi đấy. Ba tôi mất năm 1971 và tôi có được bức tranh này từ khi tôi có ký ức.

Cái bình phong này dù đã được thay vải khác nhưng cái khung của nó lại lớn tuổi hơn cả tôi. Cái sừng tê giác trên kệ kia thực ra là một cái sừng trâu nhưng tôi cứ cho là sừng tê giác. Bởi vì ba tôi bảo nó là chiếc sừng tê giác mà người ta tặng ba.

Ái Như cùng chồng - tiến sĩ Huỳnh Công Hoài và hai con, Công Hiển và chuyên gia tâm lý Hoài Như

Cái cơi trầu kia tôi mua từ một cụ già ăn trầu thật ở chợ Bến Thành khi tôi dựng vở Trầu Cau năm 1997.

Bức Mai Lan Cúc Trúc với hàng chữ Tàu này là do tôi mua gần biên giới Trung Quốc khi mang vở Trầu Cau ra Hà Nội năm 1998.

Còn bức tranh trắng đen nằm sâu bên trong kia, tên của nó là Hóa thân, vẽ một cây cổ thụ to màu đen trên nền trắng. Đó là món quá của hoạ sỹ Nhã Bình, một trong những người bạn thân nhất. Vợ chồng hoạ sỹ Nhã Bình - Kim B đã giúp tôi rất nhiều từ khi tôi ra trường và làm đạo diễn đến bây giờ.

Còn xe hơi, chiếc KIA màu xanh dương mà cả nhà đều gọi là "xe taxi", tôi thấy nó đáp ứng đủ cho nhu cầu và hợp với túi tiền của gia đình, thay vì phải gồng mình mua một chiếc xe đắt tiền hay phải lo lắng tiền trả góp hàng tháng.

Căn nhà này, từ khi tôi mua đến giờ, gần 12 năm, vợ chồng tôi mới chỉ đủ tiền để sửa cách đây 4 năm. Còn chỗ mối mà em thấy, tôi hứa với em là tôi sẽ sửa (cười).

Chọn đam mê nên tôi chỉ làm những gì nằm trong khả năng của mình. Tôi còn phải dành tiền để làm những chuyện khác. Như năm nay, lo cho con gái lớn ra nước ngoài để tu nghiệp ngành tâm lý học".

Chúng tôi đã kết thúc câu chuyện khi trời đã bắt đầu chuyển mưa. Thế nhưng, tôi biết tận sâu trong lòng mình, Ái Như không cảm thấy lạnh. Bởi vì bản thân chị luôn biết làm cuộc sống của mình ấm áp hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật