Đại gia đua nhau ‘ve vãn’ ASEAN

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dưới đây là ý kiến của Dylan Loh, thạc sĩ về quan hệ quốc tế thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) tại Singapore.
Đại gia đua nhau ‘ve vãn’ ASEAN
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật ItsunoriOnodera (trái) ôm Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ở Manila tháng 6/2013, sau khi phía Nhật cam kết giúp Philippines bảo vệ

Các nước Mỹ, Nhật, Trung liên tục bày tỏ sự quan tâm đến ASEAN. Điều này không phải là mới, nhưng khiến người ta đặt câu hỏi: Tại sao là ASEAN, tại sao là lúc này.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến thăm ASEAN ba lần kể từ khi trở lại nắm quyền năm ngoái. Chuyến đi gần đây nhất của ông là tới Malaysia, Singapore và the Philippines. Tổng cộng, ông Abe đã tới thăm 7 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Trung Quốc cũng tăng cường bang giao với ASEAN và còn biểu thị giọng điệu mang tính hòa giải hơn trong các cuộc họp cấp cao gần đây với các đối tác ASEAN. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tới thăm ASEAN ít nhất 3 lần. Đặc biệt, hồi tháng 6, Trung Quốc đã đồng ý đàm phán với ASEAN về đề xuất bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Những tiến bộ này trái ngược hẳn với quan điểm trước đây của Trung Quốc, khi nước này kiên quyết từ chối cùng ASEAN xem xét các vấn đề lãnh thổ trên biển. Chẳng hạn như lần được cho là gây ảnh hưởng để ASEAN không ra được tuyên bố chung đề cập tranh chấp biển Đông tại cuộc họp cấp bộ trưởng của khối lần thứ 45 tháng 7/2012 ở Campuchia.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đồng thời có chuyến thăm tới các nước ASEAN, nhằm khắng định tầm quan trọng, mối liên kết và sức mạnh của Mỹ, với vai trò trung tâm ở khu vực. Philippines và Mỹ cũng bắt đầu thảo luận để mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ quân sự cho lực lượng của Mỹ, như một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á của Washington.

Việc các cường quốc muốn tranh thủ ASEAN không mới, nhưng cấp độ gia tăng quan hệ tăng lên thời gian gần đây là có lý do. Thứ nhất, khi ASEAN ngày càng trở nên gắn bó hơn thông qua các sáng kiến, chẳng hạn như "thị trường chung", các cường quốc sẽ dễ dàng nuôi dưỡng quan hệ với toàn khối bằng cách gia tăng quan hệ với một vài thành viên.

Ví dụ tiêu biểu nhất là chuyến thăm của ông Abe tới 3 nước (trong số 10 nước ASEAN) đã được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin như là "chuyến thăm ASEAN", như là một hành động tăng cường quan hệ với cả khối. Điều này cũng đúng với cả Mỹ và Trung Quốc.

Lý do thứ hai liên quan đến động cơ chiến lược về địa chính trị của các ông lớn. ASEAN đang trở thành nơi ganh đua quyền lực mang tính ủy quyền. Trong khi đang tranh chấp ở biển Hoa Đông với Trung Quốc, Nhật đã gấp rút ủng hộ và thể hiện thiện chí chính trị ở Đông Nam Á, nơi một số nước có tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc. Trong lần dừng chân tại Philippines, một trong các nước có tranh chấp lãnh thổt với Trung Quốc, Tokyo đã nỗ lực hâm nóng hợp tác bằng hỗ trợ về hàng hải, trao đổi kinh tế, gia hạn cho vay tín dụng và đáng kể nhất, cung cấp 10 tàu cho lực lượng Tuần duyên Philippines. Điều đó chắc chắn là một thông điệp gửi tới Bắc Kinh.

Trong khi đó, Mỹ đang phải chứng kiến vị thế truyền thống của họ ngày càng bị thách thức ở Thái bình dương. Cứ mỗi một dấu hiệu cho thấy "Mỹ xuống - Trung lên", thì Washington lại phải cố sức tái khẳng định và tái củng cố vai trò của mình ở khu vực này. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, điều mà chúng ta đang thấy là nỗ lực gấp đôi của Washington trong việc can dự và tái can dự, cam kết và và tái cam kết.

ASEAN đương nhiên hưởng lợi từ tất cả những "lời ve vãn" này, nhưng hiệp hội cần duy trì sự điềm tĩnh và tránh bị nhìn nhận là nghiêng về bất cứ bên nào. ASEAN cũng phải tránh bị ép phải quy phục. Theo cách khôn ngoan nhất, ASEAN nên tiếp tục tạo dựng một hình ảnh trung lập. Điều đó sẽ giúp bảo đảm khu vực này vẫn "có giá" cả về mặt ngoại giao và kinh tế

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật