GS Nguyễn Mại: Tôi rất sợ các dự án lớn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tôi làm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài từ lâu, tôi rất sợ các dự án lớn. Nước ta ’nuốt’ làm sao những dự án lớn“. GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan.
GS Nguyễn Mại: Tôi rất sợ các dự án lớn
GS Nguyễn Mại

Trong thời gian qua, có nhiều dự án FDI "tỉ đô" vào Việt Nam nhưng chậm triển khai, bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, nhất là các dự án cấp phép vào năm 2008. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?

Từ năm 2006 Trung ương đã phân cấp gần như toàn diện về cấp phép dự án FDI cho các tỉnh, thành phố, ban quản lí các khu công nghiệp, ngoại trừ những dự án dầu khí, những dự án lớn phải qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng chấp thuận. Việc phân cấp này bên cạnh cái lợi như thủ tục hành chính nhanh chóng, địa phương năng động thì cũng có nhiều cái hại.

Một là địa phương không biết sàng lọc nhà đầu tư. Tôi làm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài từ lâu, tôi rất sợ các dự án lớn. Nước ta "nuốt" làm sao những dự án lớn. Những dự án lớn phải kiếm được nhà đầu tư tiềm năng.

Những cán bộ có năng lực thật sự hoàn toàn có thể biết được nhà đầu tư có đầu tư thật sự hay không. Một nhà đầu tư nào đấy đưa ra dự án to "tổ rầm", hứa tài trợ thêm cho địa phương thì các vị ấy "sướng", yêu cầu cấp dưới làm mọi việc để cấp phép thật nhanh, bất chấp điều kiện về thị trường, vốn liếng, nhân lực.

Hai là bộ máy sàng lọc các dự án còn hạn chế. Tất cả các nước khi thu hút FDI thường chú trọng đến những dự án có lợi cho đất nước. Nếu dự án có nhiều hậu quả không tốt thì sẽ có bộ máy sàng lọc, đặc biệt sàng lọc thông tin về nhà đầu tư.

Ví dụ, hiện nay có những nhà đầu tư vào Việt Nam, người ta đưa danh thiếp của họ thì chỉ cần mở website của họ ra là biết ngay tất cả về hoạt động của họ, thế nhưng hình như không ai làm việc đó. Cầm danh thiếp rồi đút trong ngăn kéo, không bao giờ nhìn lại xem nhà đầu tư đó là ai.

Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều địa phương lựa chọn phải nhà đầu tư "rởm".

Có một thực tế, nhiều dự án FDI lớn, chậm tiến độ nhưng các địa phương muốn thu hồi cũng khó vì phải lo tiền bồi thường lại những chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra. Theo ông chúng ta có giải pháp gì cho việc thu hồi dự án như thế này, thưa ông?

Giải quyết chuyện này rất đơn giản, tùy thuộc vào các tỉnh, các ban quản lí khu công nghiệp. Thông thường một giấy phép đầu tư luôn ghi thời hạn triển khai dự án. Đứng về phía cơ quan quản lí Nhà nước, nếu quá thời hạn quy định mà nhà đầu tư không thực hiện thì cơ quan quản lí sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Nhà nước chỉ bồi thường cho nhà đầu tư khi Nhà nước gây thiệt hại cho họ, nhưng trong trường hợp này nhà đầu tư gây thiệt hại cho Nhà nước thì không cần bồi thường. Tất nhiên có trường hợp bất khả kháng nhà đầu tư xin gia hạn thực hiện dự án thì có thể chấp thuận nhưng không thể quá dài được.

Một điều cần chú ý là, các địa phương nên tính đến lợi thế của địa phương mình khi thu hút FDI. Năm 2012, tôi đi nhiều địa phương, tôi cũng khuyến khích các tỉnh tìm ra sự khác biệt của mình để thu hút đầu tư. Tình hình hiện nay của đất nước ta là nơi nào cũng có dự án sắt thép, dầu khí, may mặc, điện tử. Điều này rất nguy hiểm. Chẳng hạn như Vũng Tàu có ba lợi thế rất lớn nên quan tâm. Đó là dầu khí, du lịch, cảng trung chuyển. Cho nên không nên làm sắt thép hay may mặc ở Vũng Tàu, có bao nhiêu đất đâu mà làm những dự án đó.

Không phải chỉ có mặt ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, các dự án lớn dường như đang tập trung khá nhiều ở miền Trung. Tại sao các dự án lớn lại tập trung ở khu vực này, thưa ông?

Yếu tố địa lí trước đây rất quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư, nhưng hiện nay phương tiện giao thông, phương tiện thông tin hiện đại nên tầm quan trọng của yếu tố địa lí đã giảm đi nhiều. Do đó nơi nào có điều kiện về cảng biển, đặc biệt cảng biển trong xuất khẩu thuận lợi thì sẽ có các dự án FDI lớn. Chẳng hạn như ở Hà Tĩnh, Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh là vì có cảng nước sâu Sơn Dương.

Mặt khác, tốc độ vận chuyển giờ đã nhanh hơn nên việc xa, gần không còn quan trọng nhiều trong việc lựa chọn địa điểm thực hiện dự án FDI.

Năm 2013, có nhiều dự án "tỉ đô" cũng đang rục rịch để vào Việt Nam, đặc biệt là dự án lọc dầu 27 tỉ USD của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT). Ông có nhận xét gì về dự án của PTT, thưa ông?

Chưa nói vốn đầu tư bao nhiêu, tôi không hiểu nổi về quy hoạch ngành của nước ta. Nếu thêm dự án của PTT, tôi sợ là sẽ có tình trạng thừa công suất như đã từng xảy ra với ngành xi măng, ngành thép. Mặt khác, tại sao Thái Lan không làm bên nước họ mà lại làm ở Việt Nam. Với góc độ chuyên gia, tôi rất lo lắng và nên đặt ra câu hỏi như tôi đã hỏi "tại sao Thái Lan không làm ở nước họ".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật