Sự xuống cấp của “văn hóa làng”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Làng, xét về mặt nào đấy giống như một “quốc gia” thu nhỏ, có người đứng đầu là lý trưởng, bên dưới có phó lý, trương tuần (tựa dân vệ bây giờ), nhiêu khan (hạng có học giữ việc bỉnh bút, chữ nghĩa giấy tờ).

Đã là làng thì phải có đình. Đình làng thờ thành hoàng. Thành hoàng thường là tổ nghề hoặc người có công dẹp giặc được phong đất, lập ấp, chiêu dân, khai khẩn đất đai sinh sống. Cho nên đình làng giống như pho sử sống của làng. Có thể coi ngày lập đình là ngày khai sinh làng, sử làng có kể từ đấy, dù trước đó đã có dân trú ngụ đông đúc nhưng chưa có đình thì coi như chưa có gốc.

Cũng có một số làng thành hoàng không phải tổ nghề, không phải người có công nhưng được thờ vì được cho đó là vị thần che chở đời sống dân làng, linh thiêng nên được tôn vinh. Nhưng hầu hết thành hoàng các làng đều là những vị thần có công cán với người dân chứ không phải ngẫu nhiên. Thời phong kiến, cứ mỗi lần vua mới lên ngôi lại một lần xem xét lại và ra sắc phong xác nhận lại thành hoàng làng, khẳng định vị trí của ngài để an dân. 

Mỗi khi có việc to nhỏ cần giải quyết thì đình làng là nơi tụ tập chức dịch và dân làng giám quyết ở đó. Nó giống như trụ sở ủy ban nhân dân vậy. Sự việc căng thì có lúc đình làng như tòa án. Một hình thức quản lý làng của chức sắc trước thần linh!

Với cấu trúc xã hội hiện đại thì đình làng đơn thuần chỉ còn là nơi thờ tự vị thần cai quản về mặt tâm linh với vai trò mờ nhạt dần theo xã hội hiện đại. Mô hình làng là bờ cõi khá vững bền của đơn vị hành chính nhỏ nhất đang dần mất đi vai trò bảo lưu văn hóa truyền thống vì những thay đổi đó. Làng đã có thời “phép vua thua lệ làng - Quan có cần nhưng dân chưa vội/Quan có vội quan lội sang sông”, có tính độc lập tương đối, thách thức cả bộ máy cai trị. Tưởng trong thiết chế mới nó mất đi nhưng hiện nay có một số vấn đề trong quản lý xã hội hình bóng “văn hóa làng” lại nổi cộm lên ở nhưng quy định vượt qua cả luật như cấm này, cấm nọ trái luật, cho phép cái này, ngăn chặn cái kia bằng văn bản hẳn hoi nhằm quản lý những cái không thể quản lý! Văn hóa làng xưa là khuyên nhủ, dùng dư luận mang tính giáo hóa thì bây giờ nâng lên quyết liệt bằng những quy định thành tội với án phạt hoặc có thể Hình Sự hóa chỉ vì quá bức xúc vì bất lực chưa thể ngăn chặn nổi những điều được cho là chướng tai gai mắt.

Cũng là một sự đổi gác, nhưng xem ra nó xuống cấp hơn văn hóa làng xã ngày xưa. Lý do vì sao, xin mời mọi người cùng ngẫm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật