Đề xuất xã hội hóa giám định chữ ký, ADN

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 25-7, tại buổi tổng kết thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, Vụ trưởng Đỗ Hoàng Yến - Vụ Bổ trợ tư pháp cho biết:

Chủ trương của Nghị quyết 49 “thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên” do phạm vi quá hẹp, nguồn thu thấp nên rất khó thu hút các nguồn lực xã hội tham gia. Bộ này đề nghị được mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định lớn, thường xuyên như giám định chữ ký, ADN… Thông qua đó, các đương sự trong các vụ dân sự, hành chính có điều kiện thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực thi có hiệu quả chủ trương mở rộng dân chủ, tăng cường tranh tụng tại tòa.

Cũng theo Vụ trưởng Đỗ Hoàng Yến, mặc dù theo Luật Giám định tư pháp thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ thành lập Văn phòng Giám định tư pháp (là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập) nhưng hiện chưa có nhiều cơ quan, tổ chức chuyên môn và chuyên gia giỏi thành lập văn phòng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định ưu đãi về thuế, tài chính để tạo cú hích cho các văn phòng Giám định tư pháp về tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật… ra đời và phát triển, giảm tải gánh nặng cho ngân sách phục vụ hoạt động tố tụng, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” thiếu người giám định, tổ chức giám định.

Được biết sau hơn tám năm thực hiện CCTP theo tinh thần NQ 49, Bộ Tư pháp đã triển khai xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp. Tính đến tháng 6-2013, trên cả nước đã có 8.500 luật sư và 3.500 tập sự. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng ngày càng mạnh mẽ, hiện cả nước có 1.734 công chứng viên hoạt động trong 675 tổ chức hành nghề công chứng (gồm 135 phòng công chứng và 536 văn phòng công chứng). Theo xu hướng sắp tới, các phòng công chứng sẽ cổ phần hóa, chuyển đổi, tiến đến thống nhất một loại hình văn phòng công chứng, xã hội hóa hoàn toàn 100% lĩnh vực này. Tuy nhiên, công tác thi hành án chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thực hiện cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ. Số lượng cán bộ, công chức trong đó có cả lãnh đạo quản lý vi phạm, bị kỷ luật còn nhiều.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật