Người “đứng sau” 2 bảo tàng VN ấn tượng châu Á

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người “đứng sau” 2 bảo tàng Việt Nam lọt Top 25 bảo tàng ấn tượng nhất châu Á cho rằng, không cứ bảo tàng to mới đông khách.
Người “đứng sau” 2 bảo tàng VN ấn tượng châu Á
Ông Huy trong căn phòng lưu giữ những kỷ vật gia đình

Ba bảo tàng của Việt Nam đã được lọt vào danh sách Top 25 Bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2013 do du khách trên khắp thế giới đã đến thăm VN bình chọn. Đó là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học VN.

Điều đáng chú ý, cả 3 bảo tàng này đều không có nhiều hiện vật có “giá trị” (xét về mặt thương mại hay cách nhìn cổ điển của người trong nghề). Một điểm chung nữa, hai trong các bảo tàng này đều có dấu ấn bàn tay của "người được biết mặt biết tên” trong" giới bảo tàng PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

Trong nhà không có “món” đồ cổ đáng giá

Bảo tàng Dân tộc học VN luôn được nhắc đến như một bảo tàng có tính cách mạng về trưng bày. Đây cũng là một trong những bảo tàng cố số lượng khách đông nhất cả nước. Đứng sau cuộc “cách mạng” đó là PGS.TS Nguyễn Văn Huy, vị giám đốc thành lập Bảo tàng.

Ông Huy luôn tự nhận mình may mắn, được theo đúng nghề của cha – ông Nguyễn Văn Huyên – nghiên cứu về dân tộc học, văn hóa Việt Nam. Tên ông Nguyễn Văn Huyên được đặt cho con đường chạy ngang Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nơi người con út của ông làm giám đốc đầu tiên.

Ông Huy cho rằng, ông học được từ cha phong cách làm việc, tư duy về lưu giữ, sưu tầm và thái độ trân trọng những gì của quá khứ.

“Cha tôi đã sưu tầm và thuê chép lại rất nhiều sách Hán Nôm cổ. Ông trân trọng từng bức tranh dân gian khắc gỗ. Có lẽ vì vậy, tôi mang tình yêu, sự thiết tha với công việc giữ gìn những di sản của quá khứ”, ông Huy nói. Ông Huy cũng luôn trân trọng phong cách làm việc tỷ mỉ, chu đáo, tận tâm trong công việc và luôn đòi hỏi chất lượng rất cao của cha.

Căn phòng nhỏ tầng hai, ngôi nhà ông Huy đang ở trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội - nơi ông đặt những kỷ vật gia đình.

Bộ chén cũ như lưu niệm về tình bạn quý mến thời trẻ của mẹ ông

Hỏi ông: “Nói đến sưu tầm, người ta nghĩ đến sưu tầm đồ cổ. Ông có một người cha như vậy, trong nhà chắc có nhiều đồ cổ quý giá lắm?”.

“Chắc chắn nhiều người cũng nghĩ, tôi làm bảo tàng, hẳn phải say mê với cổ vật. Nhà tôi không có món đồ cổ nào, hẳn là chuyện lạ. Tôi là người không đam mê đồ cổ. Hơn nữa đạo đức làm bảo tàng không cho phép mình trở thành nhà sưu tầm đồ cổ cho riêng mình”, ông Huy đáp.

Trong căn phòng nhỏ, bình thường như bao căn phòng khác, là cả một kho tàng kỷ vật về gia đình ông. Đó là những thứ đơn giản, thường ngày như bộ ấm chén quà tặng ngày cưới của bố mẹ, một vài sợi dây với nút thắt, một cuốn từ điển, những tập tài liệu viết tay từ 1929-1931, bản thảo viết tay hay đánh máy của ông Nguyễn Văn Huyên...

Mở một chiếc hộp nhỏ, trong đó có những sợi dây bằng chất liệu, mầu sắc khác nhau được xếp lại và thắt nút ở giữa. Ông Huy lấy từ trong hộp một mảnh giấy nhỏ có dòng chữ: “Những nút buộc do tay ông (Nguyễn Văn Huyên) làm, 1975”. Hóa ra, thứ ông Huy lưu giữ không chỉ là những sợi dây dù vô tri vô giác (một thứ hiếm hoi trong thời kháng chiến chống Mỹ), ông đang lưu giữ kỷ niệm về người cha của ông qua những nút buộc.

Lưu giữ kỷ niệm về người cha của ông qua những nút buộc

Tiếp tục mở chiếc hộp khác, lần này là “bộ chén cưới 1936”. Ông Huy kể, đó là bộ chén mẹ ông đã tặng cho một người bạn thân tên là bà Nguyễn thị Hiển, luật sư, nghệ sĩ piano, nhân ngày cưới. Gần 40 năm sau, trong điều kiện chiến tranh ác liệt năm 1971 bà Hiển tặng lại bộ chén này nhân ngày cưới của chị gái ông. Bộ chén kể câu chuyện về một tình bạn thật hiếm hoi.

“Gia đình tôi lưu lại bộ chén cũ như lưu niệm về tình bạn quý mến thời trẻ của mẹ”, ông Huy cho biết.

Bộ chén cũ như lưu niệm về tình bạn quý mến thời trẻ của mẹ ông

Từ những kỷ vật nho nhỏ đó ông Huy đã nhìn thấy ẩn sâu bên trong những giá trị lớn lao của hiện vật tưởng như rất tầm thường nhưng lại quan trọng với những người trong gia đình mình...

“Nhỏ mà chất lượng cao thì vẫn đông”

Bảo tàng Dân tộc học VN có lẽ cũng phảng phất “phong cách” sưu tầm của vị Giám đốc sáng lập Nguyễn Văn Huy. Những hiện vật của bảo tàng đông khách bậc nhất Hà Nội không mấy đặc biệt, nhưng luôn cuốn hút người xem.

Ngay cả ông Huy cũng thừa nhận, Bảo tàng Dân tộc học VN “toàn những hiện vật đời thường”. Ông Huy cho biết, ngay từ ngày đầu thành lập, Bảo tàng này đã không theo hướng đi tìm cổ vật mà đặt trọng tâm là giới thiệu về văn hóa và cuộc sống đời thường của nhân dân các dân tộc. Đó là một tư tưởng mới, khác lạ lúc bấy giờ.

Từ những hiện vật rất đời thường, nhưng ông đã biết cách thổi linh hồn vào hiện vật, để mỗi hiện vật có thể truyền tải một câu chuyện sâu sắc, ấn tượng, ý nghĩa.

Trước đây, Bảo tàng Dân tộc học VN có cuộc trưng bày về cuộc sống Hà Nội thời bao cấp. Trưng bày đã thu hút đông người đến xem và người ta cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm về thời bao cấp qua các hiện vật được trưng bày. Trưng bày đó gây nhiều cảm xúc cho người xem về một giai đoạn lịch sử vừa đi qua 20 năm.

“Người ta nghĩ đến bảo tàng như một tháp ngà, nơi linh thiêng như một ngôi đền, cao siêu... nhưng không phải vậy. Bảo tàng là nơi rất đời thường. Tôi không muốn bảo tàng trở thành một nơi thờ tự. Bảo tàng là nơi giao lưu của cộng đồng”, ông Huy cho biết.

Ông Huy cũng cho biết, khi làm Bảo tàng Dân tộc học VN, ông gạt đi khái niệm tuyên truyền. Theo ông, bảo tàng không làm chức năng tuyên truyền, nhưng tuyệt đối không đứng ngoài xã hội.

“Bảo tàng không nói một chiều, mà tiệm cận đến sự khách quan; tôn trọng sự trung thực. Bảo tàng cần khuyến khích đa dạng giọng nói, đa dạng cách nhìn, và nhất là cần tham gia vào phản biện xã hội, nói về đời sống xã hội nhiều hơn...”, vị nguyên Giám đốc sáng lập bảo tàng này cho hay.

Ví dụ, trưng bày về thời bao cấp, không chỉ nói “màu hồng” mà còn nói “màu xám”, bên cạnh những sục sôi, hy sinh, dũng cảm, sáng tạo, còn phải nói đến cả những thứ dằn vặt ở trong lòng mỗi người, những gì làm con người nhỏ nhen, ích kỷ... Người ta tìm thấy cả sự hoài niệm lẫn phê phán, điều đó đã mang lại sự thành công của trưng bày này.

Chia sẻ thêm về tính cách mạng trong trưng bày, ông Huy cho biết, các bảo tàng có những cách làm khác nhau. Bảo tàng Dân tộc học VN có những cuộc trưng bày mang tính đương đại như trưng bày cuộc sống của những sinh viên làm “Gia sư”, của những người bán đồng nát, hay nhóm thanh niên thích nhảy “Hip hốp”; Gần đây, có trưng bày chủ đề từ làng đến phố, nói về câu chuyện khi người dân hết đất làm nông nghiệp thì làng Lai Xá (Hà Nội) trở thành phố như thế nào, người dân phải đối mặt với những thách thức gì và họ giải quyết chúng như thế nào.

Ông Huy nhớ, năm 2000, khi Bảo tàng Dân tộc học VN lần đầu tổ chức hoạt động tết Trung thu tại bảo tàng. Nhiều nhà bảo tàng học lắc đầu bảo “đèn trung thu” không phải là hiện vật bảo tàng, vì nó mỏng manh, rẻ tiền... Thực tế đã chứng minh quan niệm mới và cách làm mới này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Từ đó đến nay năm nào Bảo tàng cũng liên tục tổ chức hoạt động nhân tết Trung thu, rồi cả tết nguyên đán. Mỗi năm môt vẻ, khách ngày càng đông.

Ông Huy cho biết, nhiều người cho rằng, Bảo tàng Dân tộc học VN đông khách là do có khuôn viên rộng, và cách làm dễ dàng, dễ tổ chức những hoạt động.

“Gần đây, nhiều bảo tàng có xu hướng xây to, rộng... Tôi nghĩ rằng, bảo tàng đông khách, không cứ là bảo tàng có quy mô lớn. Bảo tàng nhỏ nhưng chất lượng cao mới quan trọng. Trong điều kiện hiện nay nên khuyến khích những bảo tàng như vậy”, ông Huy nói.

Ông Huy là Giám đốc sáng lập Bảo tàng Dân tộc học VN, khi về hưu ông làm cố vấn cho Bảo tàng Phụ nữ. Trước khi nghỉ hưu, ông là một trong những người thiết kế chính dự án Đổi mới các bảo tàng VN với sự tài trợ của Quỹ đoàn kết ưu tiên của Pháp. Có 5 bảo tàng được thụ hưởng dự án này để thay đổi cách trưng bày, quan niệm về bảo tàng... trong đó có Bảo tàng Dân tộc học VN, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật