Cỗ xe tam khuyển và câu chuyện buồn về người đàn bà nghèo

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở Tây Ninh có một người phụ nữ nghèo đã gần 80 tuổi dùng 3 con chó của mình làm công cụ kéo xe vận chuyển đồ đạc, hàng hóa. Sáng kiến độc nhất vô nhị của bà được người dân trong vùng gọi vui là “cỗ xe tam khuyển”.
Cỗ xe tam khuyển và câu chuyện buồn về người đàn bà nghèo
Cỗ xe tam khuyển độc đáo của dì Tư Mỹ

Cỗ xe tam khuyển - một sáng kiến lạ lùng

Trong một dịp tình cờ về bến nước Trung Dân thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng rất thú vị: Ba con chó đang kéo 1 cỗ xe làm bằng nhựa PVC, trên đó có 2 bao lúa, chạy trên cặp bánh xe đạp, đang bon bon trên đường. Phía sau cỗ xe kéo kỳ lạ là một người đàn bà nom đã gần 80 tuổi gò lưng đạp xe chạy theo. Cỗ xe lạ lùng này giống như những cỗ xe ngựa ở các tỉnh miền Tây trước năm 1975 nhưng nó đặc biệt hơn bởi không phải ngựa kéo mà là chó kéo xe. Xe này không chở người mà chỉ chở những bao hàng.

Cỗ xe chó kéo này do bà Cao Thị Mỹ, hay còn gọi là dì Tư Mỹ, nghĩ ra để giúp bà chuyên chở những bao lúa, gạo từ 40-50 kg mà với sức của một người gần 80 tuổi như bà không thể làm được.

“Sức tui yếu rồi không trông cậy được vào ai nữa nên phải tự lo cho mình. Có mấy con chó làm gia tài nên tui dùng nó để giúp tui trong công việc ấy mà chứ không nghĩ ngợi gì sâu xa cả…”, vừa hút điếu thu‌ốc l‌á bà Tư Mỹ bắt đầu kể về cơ duyên chế ra chiếc xe kéo lạ lùng này.

Trong một lần tình cờ xem ké truyền hình ở nhà hàng xóm, bà Tư Mỹ thấy cảnh những con chó kéo xe trượt tuyết ở vùng ven Bắc Cực xa xôi rất tiện lợi nên chợt nghĩ đến việc dạy cho đàn chó của bà kéo xe. Bà đến những cửa hàng bán vật liệu xây dựng mua ít ống nhựa PVC rồi xin bánh xe đạp cỡ nhỏ mà chủ tiệm sửa không dùng. Về nhà, bà Tư Mỹ hì hục, cưa đục, lắp ráp để tạo một cái cỗ xe cho bầy chó kéo đi.

“Chừng mười ngày thì cỗ xe tự chế hoàn thành. Có 2 con chó nhỏ là Cơ và Rô nên bà buộc luôn cả 2 con vào xe, tập cho chúng cách kéo cỗ xe này. Lúc đầu, cỗ xe vận hành không như ý muốn vì 2 con chó vốn trái tính nết cũng như hoạt động nên chưa quen với công việc quá mới mẻ. Mất nửa năm kiên trì dạy dỗ, bà Tư Mỹ mới tạo được một cỗ xe chó kéo ưng ý và gọi nó bằng một cái tên khá mỹ miều: cỗ xe Tam Khuyển.

Sáng chế ra cỗ xe kéo lạ lùng, bà Mỹ đem vào ứng dụng trong cuộc sống. Trong khi bà đạp xe đi mót lúa thì chạy phía trước là cỗ xe do hai con chó kéo chạy băng băng trên đường làng. Sự kiện này trở thành chuyện lạ ở Phước Vinh bởi người dân thôn quê này trước đây chỉ lấy trâu, bò hoặc ngựa để làm sức kéo, chứ chuyện dùng chó kéo xe lúa là chuyện có một không hai trên đời.
Cỗ xe tam khuyển và lễ noel của người cháu

“Tui thấy lạ quá chừng là lạ. Mấy con chó chạy bon bon trên đường kéo chiếc xe chở đồ đi mà tôi ngỡ mình lạc vô xứ thần tiên nào trong truyện cổ tích ấy. Mấy con chó nó cũng khỏe thật”, ông Hai Minh, một lão nông tri điền ở Châu Thành kể lại bằng cái giọng điệu hóm hỉnh.

“Chó của tui là giống chó địa phương thường được gọi bằng cái tên con Vàng con Mực ấy. Tuy chúng nhỏ con nhưng mà kéo khoẻ lắm. Có những lần, lúa, khoai chất lên xe tới 70, 80 kg mà chúng vẫn chạy băng băng. Tui đạp xe đi theo mà không kịp”, bà Mỹ nhớ lại.

Thương lũ chó, bà ít khi chất nặng lên xe, mà thường chỉ giới hạn từ 50kg trở xuống. Cũng nhờ cỗ xe chó kéo độc đáo mà các nông sản mót được của bà Mỹ, dù chẳng phải loại tốt, luôn nhanh chóng được người ta xúm lại mua hết. Không chỉ ở Phước Vinh, bà Mỹ còn đưa cỗ xe chó kéo cùng mình đi làm ăn xa trong cả huyện Châu Thành, rồi lên thị xã Tây Ninh, Tân Biên, tới tận cửa khẩu Xa Mát.

Cuộc đời buồn của người chủ xe

Có cái tên “Mỹ” nhưng cuộc đời bà không đẹp như tên gọi. Sinh ra trên mảnh đất Tây Ninh với cái nắng, cái nóng thiêu đốt tấm lưng những nông dân quanh năm làm ăn chân chất nên gia tài đến cuối đời của người đàn bà đang ở cái độ tuổi “cổ lai hy” giờ đây là chiếc thuyền và đàn chó 6 con quấn quýt suốt cả ngày.

Nói bà không có gì cũng không đúng bởi bà có 5 người con gái nhưng trót sinh ra trong phận nhà nghèo nên cuộc đời 5 đứa con cũng không khá hơn bà bấy nhiêu bởi lấy chồng, sinh con rồi cặm cụi lo cho gia đình và nhà chồng nên việc giúp đỡ, báo hiếu cho mẹ của mấy chị em cũng không được đều đặn. Mà bà cũng chẳng trách những đứa con mình vì hơn ai hết với thiên chức người mẹ, người phụ nữ khiến bà hiểu cảnh ngộ mà một phần bà đã đi qua trong cuộc đời.

Bà cũng đã từng có một căn nhà và một anh con trai. Tính anh hiền như chính những người nông dân chất phát vùng quê nghèo. Thế nhưng có lẽ do cái duyên số của bà không được ở căn nhà tươm tất nên sau khi ngôi nhà mới xây chưa được một năm bà phải bán đi để lo ma chay, “mồ yên mả đẹp” cho đứa con trai “cầu tự” chẳng may qua đời vì tai nạn giao thông.

Giờ đây, một cục đất chọi chim cũng không có. Bà Mỹ phải ở trên một chiếc thuyền sát bờ sông và lấy đó làm việc mưu sinh tuổi già. Việc của bà Mỹ là chuyên chở những bao gạo, bao thóc và đồ đạc từ ngoài chợ qua thuyền rồi đưa về các thôn xóm ở những nơi trong cùng ngõ hẻm ở Phước Vinh và các vùng phụ cận…
Dì Tư yêu thương những con chó của mình như Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

Chồng mất sớm, đứa con trai để bà nương nhờ tuổi xế bóng cũng không còn nên tài sản lớn nhất của bà Tư Mỹ là một đàn chó 6 con với những cái tên lạ nào là Rô, Ta, Xì, Mát, má‌t x‌a… Những con chó vừa là tài sản, vừa là bạn đồng thời như những đồng nghiệp của bà trong những chuyến hàng xuôi ngược khắp vùng biên giới của tỉnh Tây Ninh…

Bầy chó giờ đây là tất cả với bà… Thế nhưng, lòng tham, sự bất nhẫn của những tên bợm nhậu, bọn trộm chó cứ lấy đi dần những con chó tình nghĩa. Mỗi con chó mất đi lại lấy của bà không ít nước mắt bởi lâu nay bà cứ mặc định chúng như những đứa con thân thương của mình…

Dường như ông trời đang dần tước đoạt những gì với bà là thân thương nhất nhưng lại cho bà sống thọ để chứng kiến những nghịch cảnh của cuộc đời. Bất chấp tất cả, bà Tư Mỹ đang can trường chống chọi, công việc vốn đã quen thuộc với bà gần 80 năm cuộc đời…

Bà đã xin về những con chó mới và những chú chó này rồi đây sẽ thay những con Rô, con Cơ, con Mát kéo cái cỗ xe cuộc đời, cỗ xe của một người phụ nữ khốn khổ nhưng giàu tình thương và hơn hết là tinh thần luôn biết vươn lên phía trước…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật