Nữ văn sĩ Emily Bronte: Một lần và mãi mãi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhân bộ phim “Đỉnh gió hú“ sắp được công chiếu tại Việt Nam.
Nữ văn sĩ Emily Bronte: Một lần và mãi mãi
Nữ văn sĩ Emily Bronte.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Âu, ngày 25 tháng 5 tới đây, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia 87 Láng Hạ, khán giả Hà Nội sẽ được xem lại (miễn phí) bộ phim nổi tiếng "Đỉnh gió hú" của nữ đạo diễn người Anh Andrea Amold - một bộ phim được thực hiện cách đây 2 năm và từng được đề cử vào giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice. Nhiều khán giả đã biết: Bộ phim "Đỉnh gió hú" được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Anh Emily Bronte (tác phẩm đã được nhiều lần dịch ra tiếng Việt). "Đỉnh gió hú" hiện được xem là một trong 10 tác phẩm lãng mạn nhất mọi thời đại. Nhân dịp bộ phim "Đỉnh gió hú" sắp được "tái xuất" tại Việt Nam, xin được cùng bạn đọc ôn lại một chút tư liệu liên quan tới cuộc đời nữ văn sĩ Emily Bronte (1818 -1848) và quá trình bà sáng tác nên tác phẩm bất hủ nói trên.

1.Lịch sử văn học thế giới đã và sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực để nói về trường hợp đặc biệt của ba chị em nhà Bronte: Charlotte Bronte, Emily Bronte và Anne Bronte. Mặc dù thời gian sống hết sức ngắn ngủi (người thọ nhất cũng không vượt quá tuổi 40), song họ đã kịp làm nên thành tích phi thường: Để lại cho đời những kiệt tác văn học.

Tuy nhiên, "trời không cho ai tất cả". Xét ở góc độ nào đó, có thể nói, gia đình Emily Bronte lại là một gia đình…bất hạnh. Một gia đình gồm cha mẹ và 6 người con, vậy mà ngoại trừ người cha (ông Patrick Bronte) còn thì tất cả đều không vượt qua cái ngưỡng… 40. Mẹ của Emily mất vì căn bệnh ung thư khi mới 38 tuổi. Hai người chị đầu của Emily là Maria và Elizabeth cũng mất vì bệnh lao khi mới hơn mười tuổi. Người em trai Branwell chết khi mới 31 tuổi. Bản thân Emily cũng chỉ sống trên dương thế được có 30 năm. Và Anne - cô nàng này cũng đã "đi theo" Emily sau khi nàng qua đời được 5 tháng. "Trụ" được lâu hơn cả trong mấy chị em là Charlotte thì rồi cũng mất năm 1855, khi mới 39 tuổi.

Sinh ra trong một môi trường như thế, lại liên tiếp chứng kiến những bi kịch khủng khiếp lần lượt giáng xuống đầu từng thành viên trong gia đình, đương nhiên, để tồn tại và khẳng định được tài năng của mình, Emily phải là một người đàn bà có "thần kinh thép". Chuyện kể rằng, Emily là người duy nhất trong mấy chị em được người cha dạy cho cách bắn súng phòng khi gặp trộm cướp. Cả nhà đều trông mong vào khả năng bắn súng của Emily. Một lần, Emily không may bị chó cắn. Đề phòng con chó này bị điên, cô đã chạy thẳng vào bếp, tự tay nung một thanh sắt đỏ rồi dũng cảm dí thanh sắt vào vết thương (như thể một cách khử trùng).

Một cảnh trong phim "Đỉnh gió hú" của đạo diễn Andrea Amold.

Gần như suốt cuộc đời chỉ quanh quẩn ở Thornton, một ngôi làng héo lánh thuộc tỉnh Yorkshire (nước Anh), Emily Bronte không chỉ ít có cơ hội được học lên cao mà bà cũng ít có điều kiện tiếp xúc với đông đảo các tầng lớp dân cư. Năm 1842, bà được nhận làm gia sư tại một ngôi trường dành cho các học sinh nữ ở đồi Law, gần Halifax, song chỉ được 6 tháng bà đã bỏ việc vì…nhớ nhà. Không biết có phải môi trường sống đã tạo cho Emily một bản tính trầm lắng, một lối sống khép kín, hướng nội? Theo nhiều nhân chứng đương thời kể lại thì Emily là một phụ nữ có lối sống lập dị. Bà thích ẩn mình trong những đam mê riêng, không muốn ai can thiệp vào những cái thuộc về đời tư. Có thời gian, bà bí mật làm thơ và một ngày nọ, trong khi dưỡng bệnh, người chị gái Charlotte đã bất ngờ phát hiện ra bản thảo viết tay của cô em gái. Vì việc làm thơ là trò chơi bí mật chỉ riêng Emily và cô em gái Anne biết với nhau nên Emily rất giận dữ khi thấy Charlotte "xía vô". Sau vụ này, Charlotte đã phải rất cố gắng mới "bình thường hóa" quan hệ được với Emily. Khi xuất bản "Đỉnh gió hú", cũng giống như ở tập thơ in chung trước, Emily ký tên là Ellis Bell (một bút danh của nam giới vì bấy giờ, xã hội còn rất kỳ thị với những tác phẩm văn học do nữ giới sáng tác). Để xoa dịu sự công kích của dư luận với tác giả cuốn sách, Charlotte đã cho công bố tên thật của Ellis Bell. Một lần nữa, việc làm này đã khiến Emily phẫn nộ. Bà không muốn người chị tài năng can thiệp vào sở thích riêng của mình. Năm 1850, hai năm sau khi Emily qua đời, Charlotte mới thực hiện được việc cho xuất bản "Đỉnh gió hú" với tên thật của cô em gái: Emily Bronte.

2. "Đỉnh gió hú" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và cũng là duy nhất của Emily Bronte. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1847, là năm mà cuốn tiểu thuyết "Jane Eyre" của Charlotte Bronte ra mắt bạn đọc và gây xôn xao dư luận. Không may mắn như cuốn sách của người chị gái, "Đỉnh gió hú" không được chủ nhà xuất bản "mặn mà". Tuy nhiên, cuối cùng thì vào tháng 12 năm đó, sách cũng được in ra. Sở dĩ nói "Đỉnh gió hú" không được đón nhận "mặn mà" là bởi các ông chủ xuất bản thời ấy cho là nó thể hiện một cách nhìn "man dại", có những điểm trái với khuynh hướng lãng mạn của phần đông các tác phẩm văn học thời ấy. Tất nhiên, cùng với thời gian, càng ngày người ta càng nhận ra giá giá trị nhân văn của tác phẩm. Tiếc là, đến lúc ấy thì mọi sự đã trở nên vô nghĩa đối với Emily. Người nữ văn sĩ tài hoa ấy đã chỉ sống thêm được vẻn vẹn một năm kể từ khi lần đầu tiên "Đỉnh gió hú" được ấn hành. Bà qua đời tại Haworth vào ngày 19 tháng chạp năm 1848.

Mặc dù không nổi tiếng và được công nhận nhanh chóng như chị gái Charlotte Bronte, song Emily Bronte lại được các nhà nghiên cứu sành sỏi ghi nhận là sâu sắc, tầm vóc hơn cả. Như rượu ủ càng lâu càng ngấm, thời gian đã ngày càng chứng minh sức sống dẻo dai, mãnh liệt của "Đỉnh gió hú". Với cấu trúc "truyện lồng truyện", kiểu như "búp bê Matryoshka", so với các tiểu thuyết cùng thời, "Đỉnh gió hú" được coi là tác phẩm có nhiều điểm mới mẻ, sáng tạo về phương thức kể chuyện. Mà về điểm này, bà được đánh giá là người đi tiên phong trước cả Henry James và Joseph Conrad.

Nội dung chính của "Đỉnh gió hú" kể về cuộc tình bất thành giữa Heathcliff và Cathy Earnshaw. Tội lỗi của tất cả các nhân vật đều lần lượt được tác giả mô tả và rốt cục đều bị trừng phạt, ngoại trừ Catherine và Heathcliff là hai người đã biết tìm cách làm điều lành, tránh điều dữ. Đây là một câu chu‌yện tìn‌h lãng mạn nhưng cũng khá dữ dội. Theo một cuộc bình chọn của độc giả kênh UKTV Drama (Anh) vào hồi tháng 5 năm ngoái thì câu chu‌yện tìn‌h giữa Cathy và Heathcliff được xếp đầu bảng trong các chu‌yện tìn‌h đẹp nhất mọi thời đại. Trong khi đó, những câu chu‌yện tìn‌h trong các tác phẩm "Romeo và Juliet" của Shakespeare, "Jane Eyre" của Charlotte Bronte, "Cuốn theo chiều gió" của Margaret Mitchell chỉ được xếp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 mà thôi.

Từ khi ra đời đến nay, nội dung tiểu thuyết "Đỉnh gió hú" đã nhiều lần được chuyển thể (lên phim ảnh, nhạc kịch, truyền hình, các bài hát). Nhiều nhất là trong lĩnh vực điện ảnh. Năm 1939, "Đỉnh gió hú" được đạo diễn người Mỹ William Wyler dựng thành phim. Cũng năm này xuất hiện bộ phim "Cuốn theo chiều gió" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Margaret Mitchell. Cái khác là, trong khi "Cuốn theo chiều gió" được làm phim màu thì "Đỉnh gió hú" chỉ được làm phi‌ּm đe‌ּn trắng. Và về nội dung, nó bị cắt bỏ tới 18 chương truyện, là phần đề cập tới nhân vật thuộc thế hệ thứ hai.

Ở Việt Nam, tiểu thuyết "Đỉnh gió hú" từng được dịch bởi các nhà văn, dịch giả cự phách. Ngoài bản dịch mang tên "Đồi gió hú" do dịch giả Dương Tường thực hiện đã phổ biến từ hơn ba chục năm nay, từ đầu những năm năm mươi của thế kỷ trước, nhà văn Nhất Linh cũng đã bắt tay vào dịch cuốn tiểu thuyết này, với tên ban đầu là "Mỏm gió hú". Tiếc là việc dịch của ông dang dở, sau đó phải có sự "tiếp nối" của người khác, cuốn sách mới ra mắt độc giả với tên gọi "Đỉnh gió hú" vào năm 1974.

Nhà văn Nhất Linh đã đánh giá rất cao "Đỉnh gió hú" của Emily Bronte. Tán thành với nhận xét của văn hào Anh Somerset Maugham, rằng "Đỉnh gió hú" là một trong 10 cuốn tiểu thuyết hay nhất thế giới, nhà văn Nhất Linh khẳng định: "Đỉnh gió hú" thuộc trong "những sách hay của nhân loại, đời đời công nhận, có giá trị bền mãi với thời gian".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật