FDI vào nông nghiệp ngày càng giảm

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thấp về tỷ trọng, nhỏ về quy mô cũng như sự phân bổ thiếu đồng đều… là bức tranh chung về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp (NN) trong nhiều năm qua.
FDI vào nông nghiệp ngày càng giảm
Dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, quá nhỏ cả về quy mô dự án, chưa xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Ảnh: H.NỤ

 

Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 6,6 triệu USD, thấp xa so với quy mô bình quân một dự án kinh doanh bất động sản (130 triệu USD) hoặc dự án trong lĩnh vực điện, khí (92,6 triệu USD) hay dự án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (17,6 triệu USD).

Liên tục giảm

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, nếu năm 2001, FDI vào NN chiếm 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam thì đến năm 2006 con số này chỉ còn 7,4%, năm 2007 còn 5,37%, năm 2008 là 3% và các năm 2009, 2010, 2011 chỉ còn 1% (xem biểu đồ).

Tính đến tháng 6-2012, lũy kế các dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực NN vừa tròn 500 dự án trong tổng số gần 14.000 dự án FDI (chiếm 3,6% tổng số dự án) với tổng số vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD. Năm 2012, Việt Nam thu hút được 13,013 tỷ USD vốn FDI thì chỉ có 87,8 triệu USD vào NN.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra rằng, mặc dù tỷ trọng FDI cả nước có xu hướng tăng, nhưng trong thời gian qua, dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông-lâm-thủy sản còn hạn chế, quá nhỏ cả về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng FDI của cả nước, chưa xứng với tiềm năng cũng như  thế mạnh phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Cụ thể, tỷ trọng FDI vào lĩnh vực nông-lâm-thủy sản giảm từ 9,4% trong giai đoạn 1988 - 1990 còn 1,6% giai đoạn hiện nay.

Mặc dù, trong tổng thể chính sách thu hút FDI, NN và phát triển nông thôn luôn được coi là  lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, song so với hoạt động FDI trong các lĩnh vực khác, hiệu quả thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản còn rất hạn chế, tỷ trọng FDI vào nông nghiệp còn thấp, thiếu ổn định và có xu hướng giảm trong khi xu thế FDI vào nông nghiệp của thế giới đang ngày một tăng.

Điều đáng nói là, không chỉ đầu tư ít về tỷ trọng, phân bổ vốn FDI trong NN cũng không đồng đều. Nếu như đầu thập kỷ 90, FDI tập trung chủ yếu vào các dự án chế biến gỗ và các loại lâm sản thì từ những năm 1995 đến nay, FDI có sự chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông-lâm-thuỷ sản, sản xuất đường mía, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy, dịch vụ hậu cần kho lạnh, vận chuyển…

Từ năm 2010, Việt Nam đưa ra tiêu chí mới về phân loại lại nhóm ngành, do đó các dự án FDI chế biến trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản ghép lại với các dự án FDI chế biến khác. Theo cách phân loại mới, số lượng dự án FDI ngoài trong lĩnh vực NN ngày càng giảm. Tính đến tháng 12-2011, số lượng dự án lũy kế các dự án trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp còn hiệu lực là 495 dự án với số vốn đầu tư đăng ký là 3,2 tỷ USD.

Nguyên nhân từ nội tại

Báo cáo của Bộ NN&PTNT chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn tới đầu tư FDI vào NN nghèo nàn là do đầu tư vào NN mang tính rủi ro cao, chịu ảnh hưởng của khí  hậu, thời tiết, bệnh dịch, sử dụng nguồn lực đất đai lớn. Bên cạnh đó, đầu tư vào NN có lợi nhuận thấp, tốc độ và thời gian thu hồi vốn chậm. Hiện nay có một thực trạng đó là DN FDI không đầu tư và sản xuất kinh doanh  mà tập trung vào XK, NK và phân phối các sản phẩm NN.

Ngoài ra, NN của Việt Nam còn mang nặng tính chất sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, ruộng đất manh mún, đầu tư phân tán, thiếu tính chuyên môn, mâu thuẫn  với lực lượng sản xuất mới đòi hỏi một nền sản xuất công nghiệp có năng suất cao, sản xuất tập trung và đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Một trong số các nguyên nhân nữa là công tác vận động xúc tiến FDI vào lĩnh vực NN và phát triển nông thôn chưa có hiệu quả, thiếu cả về nguồn lực cũng như kinh phí để triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực NN, chưa kết nối toàn quốc và danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong ngành. Cùng với đó, định hướng thu hút chính sách FDI vào lĩnh vực nông-lâm-thủy sản  và phát  triển  nông  thôn  chưa  đồng  bộ  và thiếu rõ  ràng,  chưa  thực  sự  hấp  dẫn  Nhà đầu tư nước ngoài vào ngành NN.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế cấp cao Phạm Chi Lan cho rằng: Trước hết, đầu tư vào NN bao giờ cũng rủi ro. Cho nên, ngay cả các DN tư nhân Việt Nam cũng ngại đầu tư vào NN chứ không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài. Với điều kiện tự nhiên như ở Việt Nam thì rủi ro trong đầu tư NN còn cao hơn nữa với những thiên tai, lũ lụt, mất mùa, dịch bệnh nhiều… Bên cạnh đó, giá cả NN Việt Nam biến động rất phức tạp, chủ yếu là bất lợi cho phía người nuôi trồng, sản xuất. So với lợi nhuận đạt được ở các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ thì bao giờ lợi nhuận từ NN cũng thấp hơn khiến các nhà đầu tư e ngại.

Bà Lan khẳng định thêm, một trong số các nguyên nhân quan trọng nữa là những năm qua, mặc dù Nhà nước đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút FDI vào NN, nhưng bản thân các tổ chức NN của Việt Nam còn khá manh mún, tản mạn. Theo bà Lan, mặc dù một số ngành nông nghiệp của Việt Nam cộng lại có thể có giá trị XK lớn như lúa gạo, cà phê, thủy sản… nhưng muốn tổ chức để thành ngành sản xuất quy mô lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao thì chưa làm được. Vì vậy, nếu như các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia đầu tư cũng rất khó khăn.

Ngoài ra, trong các quy định của Việt Nam còn những hạn chế  nhất định. Ví dụ như, quy định về thời hạn sử dụng đất của nông dân chỉ trong vòng 20 năm, khiến cho nhà đầu tư nước ngoài không dám bỏ vốn để đầu tư sâu rộng vì sợ khả năng thu hồi vốn thấp…

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Muốn phát triển NN, cần nhanh chóng thay đổi các chính sách đầu tư

Hiện nay, các chính sách dành cho NN của Việt Nam còn tồn tại khá nhiều bất cập. Ví dụ như chính sách đất đai, hạn điền chỉ cho nông dân có quyền sử dụng những diện tích ruộng đất hạn hẹp thì không thể phát triển theo quy mô tốt được. Rõ ràng, một mảnh đất hẹp đối với một hộ nông dân thì được nhưng đối với những quy mô phát triển lớn thì hoàn toàn không phù hợp. Ngoài ra, chủ trương thực hiện cánh đồng mẫu lớn rất hay, rất tốt nhưng quá trình thực hiện lại đang vướng mắc quá nhiều. Nếu không có cánh đồng mẫu lớn thì không thể có sản lượng hàng hóa lớn và không có chất lượng đồng đều, quy trình canh tác đảm bảo, rõ ràng không thu hút được đầu tư. Tâm lý các nhà đầu tư là phải có quy mô đủ lớn để đầu tư, quay vòng vốn, thu hồi lợi nhuận, trong khi đó, quy mô của NN Việt Nam chủ yếu lại manh mún, nhỏ lẻ. Theo tôi, muốn phát triển NN, tăng thu hút FDI vào NN cần nhanh chóng thay đổi các chính sách đầu tư như trên.

Hiện nay, tỷ lệ vốn đầu tư của Nhà nước vào NN quá thấp so với các lĩnh vực khác. Hiện tại, Quốc hội mới đặt ra chỉ tiêu cố gắng nâng mức đầu tư vào NN lên 10% trong tổng đầu tư vốn xã hội. Trong khi đó, 50% lực lượng lao động nằm trong NN. Đây rõ ràng là thiệt thòi rất lớn bởi bản thân người nông dân không có khả năng tự huy động nguồn lực.

Ông Trần Kim Long - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT):

Cần phải tái cơ cấu ngành NN

Bộ NN&PTNT đã đưa ra 3 giải pháp chiến lược ưu tiêu thu hút đầu tư FDI vào NN. Cụ thể là phải tái cơ cấu ngành theo hướng sản xuất bền vững, không tăng diện tích mà tăng chất lượng và giá trị. Tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ với định hướng phát triển NN theo công nghệ cao. Cuối cùng là, gắn các dự án đầu tư với việc đảm bảo môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu. Riêng về PPP, tôi cho rằng, vai trò của hình thức này là rất lớn. Trong ngành NN, tuy sản xuất phân tán nhưng nếu PPP được áp dụng tốt sẽ có nhiều tiềm năng về cơ chế tài chính phối kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, thực hiện những chiến lược lớn, kế hoạch đạt hiệu quả cao hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh-nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Giải quyết vấn đề tích tụ ruộng đất là yếu tố quyết định để thu hút FDI NN

Trên thực tế, các DN FDI thường không mặn mà gì đến các dự án phát triển NN liên quan tới đầu tư công nghệ như công nghệ sinh học, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới hay trồng, chế biến các loại rau, quả XK có hàm lượng kỹ thuật cao… mà chỉ đầu tư các dự án "xổi", nhanh chóng thu về lợi nhuận. Mặt khác, do nguồn lực hỗ trợ DN vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng nên có tới 30% số dự án FDI tại Việt Nam đã bị giải thể so với mức bình quân chung của cả nước là 20%. Cho đến nay, vấn đề tích tụ ruộng đất để có vùng sản xuất lớn là yếu tố quyết định để thu hút FDI NN ở các địa phương lại rất khó thực hiện do chính sách đền bù, thuế và chế độ ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng. Muốn FDI vào NN tăng lên, phải giải quyết được điều này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật