Xuất khẩu gạo: Lại đối diện nhiều mối lo

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cho dù đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, song diễn biến trên thị trường gạo đang có chiều hướng xấu đi khi mà nhiều hợp đồng thậm chí còn bị hủy. Nguồn cung dồi dào, cầu không “hào hứng” khiến giá gạo xuất khẩu đang bị ép xuống… mối lo về tiêu thụ lúa gạo vụ mùa mới đang chất chồng.
Xuất khẩu gạo: Lại đối diện nhiều mối lo
Ảnh minh họa
Gạo rớt giá thê thảm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 4 vừa qua, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 807.000 tấn, giá trị đạt 340 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 2,38 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đạt gần 1,04 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng nhưng giá trị giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VFA, giá gạo xuất khẩu giao dịch trong tháng 4 đã giảm khoảng 10-15 USD/tấn so với tháng 3 do thiếu nhu cầu và áp lực bán ra để quay vòng vốn của DN. Giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng cũng giảm mạnh trên 28 USD so với cùng kỳ năm 2012.
Trong tháng 4, các DN xuất khẩu trên 700.000 tấn gạo, tăng 4,81% về khối lượng, trị giá FOB (giao hàng tại mạn tàu) đạt 301,066 triệu USD, tăng 3,89% so với cùng kỳ, nhưng giá bình quân chỉ đạt 429,66 USD/tấn, giảm 3,82 USD so với cùng kỳ.
Đáng lo ngại, theo VFA, 4 tháng đầu năm, số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo tuy được ký kết ở mức khá song trên thực tế, thực trạng giao nhận hàng giữa DN Việt Nam và khách hàng lại đang bộc lộ nhiều vấn đề. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, các DN đã ký được 4,231 triệu tấn gạo, tăng 9,92% so với cùng kỳ 2012. Song, với thực trạng gạo tồn kho vẫn lớn, giao hàng chậm… đã tạo áp lực lên các DN xuất khẩu gạo, buộc họ phải bán giá thấp để giải quyết đầu ra. Đây là lý do tạo ra nghịch lý: xuất khẩu tưởng nhiều (nhìn số hợp đồng đã ký) nhưng giá trị xuất khẩu lại không cao.
Đã vậy, các DN xuất khẩu gạo còn phải đối diện với việc nhiều khách hàng hủy hợp đồng. Theo VFA, 4 tháng đầu năm nay, đã có 280 ngàn tấn gạo bị khách hàng nước ngoài hủy hợp đồng. Khách hàng hủy mạnh nhất là Trung Quốc với 141 ngàn tấn, tiếp đó là châu Phi 52 ngàn tấn và Philippines 39 ngàn tấn.
VFA lý giải, sở dĩ có tình trạng khách hàng hủy hợp đồng là bởi, do giá gạo trên thị trường, nhất là gạo Việt Nam, liên tục sụt giảm. Cụ thể, giá gạo giao dịch trong tháng 4 đã giảm từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 3 và đến nay vẫn tiếp tục sụt giảm, điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng đã ký trước có giá cao hơn và tâm lý khách hàng chờ đợi giá giảm thêm để tránh rủi ro.
Đã vậy, việc Myanmar đẩy mạnh xuất khẩu gạo với khối lượng không nhỏ mà giá rẻ hơn nhiều so với gạo cùng loại của Việt Nam, cũng khiến cho không ít khách hàng từ Trung Quốc hủy hợp đồng đã ký với DN Việt Nam để chuyển sang mua gạo Myanmar.
Nhiều áp lực lên DN
Chưa hết những áp lực về giá, hạt gạo Việt Nam còn phải đối diện với những nghi vấn chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cụ thể, hồi trung tuần tháng 4, nghi ngờ gạo nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, Hiệp hội Các nhà sản xuất gạo Mỹ (RPA) đã có đơn thư gửi Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu giúp đỡ. Trong đó có lí do gạo Việt đã từng bị Nhật Bản từ chối do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Ngoài ra, RPA còn nghi ngờ ARI có thể đã dùng gạo Việt Nam pha trộn với gạo Mỹ để bán cho người tiêu dùng.
Trước những thông tin bất lợi về gạo Việt tại thị trường Mỹ, ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã lên tiếng khẳng định, thông tin gạo Việt bị Nhật từ chối vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao là không thuyết phục. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia trong ngành, Mỹ là một nước nổi tiếng bởi các hàng rào kỹ thuật rất khắt khe đối với các mặt hàng nhập khẩu, do đó, rất khó có chuyện DN sử dụng gạo kém chất lượng để đưa vào tiêu thụ ở Mỹ.
Dù chưa biết kết luận ra sao, song có thể thấy gạo xuất khẩu đang gặp khó khăn. Tại cuộc giao ban trực tuyến công tác ngành công thương thường kỳ tháng 4 năm 2013 diễn ra hôm qua (6-5), Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhận định rằng: Giá lúa gạo trong vòng 3 năm qua  đã giảm hơn 1.000 đồng/kg. Theo đó, giá gạo Việt Nam đang mức thấp nhất thế giới, hiện tại đang thua các nước Thái Lan, Ấn Độ. "Gạo Việt Nam rất ngon nhưng cách xuất khẩu của Việt Nam cộng với sự cạnh tranh, yếu điểm về vốn của DN Việt Nam khiến hạt gạo Việt Nam mất giá” – lãnh đạo Bộ Công thương nhận định.
Giá gạo xuất khẩu vẫn đi xuống
Ảnh TL
Trước đó, tại cuộc họp sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cũng cung cấp thêm thông tin đáng lo ngại: Mặc dù giá gạo Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với giá thế giới nhưng khách hàng vẫn ngại mua vì nghĩ khả năng giảm giá tiếp.
Thêm vào đó, thời điểm 20-5 tới là hết thời hạn hỗ trợ lãi suất tạm trữ 1 triệu tấn gạo khiến các DN buộc phải bán ra để có tiền trả nợ vay. Tháng 6-2013, lúa hè thu sẽ thu hoạch, gạo đông xuân còn tồn kho (thống kê cho thấy, đến cuối tháng 4 DN còn tồn kho gần 2 triệu tấn gạo) trong khi giá gạo thế giới sụt giảm mạnh, xuất khẩu chậm, dẫn đến nguy cơ lỗ vốn rất cao… Như vậy, có thể thấy rất nhiều gánh nặng đang đè lên vai nhà sản xuất cũng như các DN xuất khẩu gạo hiện nay.

Trước tình hình này, VFA cho biết, sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian trả nợ vì 1 triệu tấn gạo tạm trữ chưa có đầu ra. Cùng với đó, VFA cũng đề nghị, sẽ tiếp tục giữ giá sàn hiện nay mà không hạ thêm nữa bởi, nếu hạ thấp hơn nữa sẽ dưới giá thành sản xuất của nông dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật