Trung Quốc sẽ thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sức mạnh công nghiệp đang gia tăng của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ biến nước này trở thành một thách thức đáng gờm với uy thế quân sự của Mỹ tại các vùng biển xung quanh, mặc dù Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm cách tránh một cuộc xung đột vũ trang trực diện với Washington, theo một nghiên cứu mới.
Trung Quốc sẽ thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Báo cáo do Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie công bố nhận định nhiều khả năng xảy ra nhất trong hai thập niên tới là Trung Quốc sẽ thu hẹp khoảng cách năng lực quân sự với Mỹ, trong những lĩnh vực bao gồm cả tàu sân bay và máy bay chiến đấu tàng hình, theo tờ New York Times.

Báo cáo sẽ được công bố hôm 3.5 nhận xét, sự phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc với Mỹ và phần còn lại của châu Á chắc chắn sẽ ngăn cản Bắc Kinh trở thành một đối thủ kiểu chiến tranh Lạnh hoặc sử dụng sức mạnh quân sự để đẩy bật Mỹ ra khỏi khu vực.

Ông Michael D. Swaine, một trong chín tác giả của báo cáo và là chuyên gia chính sách quốc phòng Trung Quốc, mô tả báo cáo là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm dự báo những hậu quả lâu dài từ sự trỗi dậy của Trung Quốc với khu vực.

Ông Swaine nói sự xuất hiện của một đối thủ mới có nghĩa là hiện trạng thống trị của Mỹ có thể sẽ không tồn tại lâu hơn nữa.

“Chúng tôi muốn hỏi, Mỹ nên đối phó với khả năng này như thế nào? Liệu Mỹ có thể tiếp tục hoạt động như thường lệ tại Tây Thái Bình Dương hay phải bắt đầu nghĩ đến những cách thức khác nhằm trấn an khu vực về an ninh?”, tờ New York Times dẫn lời ông Swaine, chuyên gia phân tích của Quỹ Carnegie ở Washington.

Các tác giả khác của báo cáo bao gồm những học giả, cựu quan chức chính phủ Mỹ và chuyên gia phân tích của Quỹ Carnegie.

Báo cáo được tờ New York Times xem qua trước khi công bố nói nước cảm nhận rõ ràng nhất những hậu quả của sự dịch chuyển cán cân chiến lược trong khu vực là Nhật, một cường quốc kinh tế châu Á lâu nay vốn trông cậy vào sự bảo đảm an ninh từ Mỹ.

Đa số các dự báo đều cho rằng Nhật sẽ phản ứng với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng cách xích lại gần hơn nữa với Mỹ, như những gì đã xảy ra trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.

Trong lúc đó, bất chấp lập trường cứng rắn của Thủ tướng Shinzo Abe, những khó khăn tài chính và vướng mắc chính trị của Nhật có thể sẽ ngăn nước này tăng cường chi tiêu quân sự một cách đáng kể nhằm kháng cự lại năng lực quân sự gia tăng của Trung Quốc, theo như hy vọng của một số người ở Washington.

Trong các viễn cảnh cực đoan nhất, báo cáo dự đoán rằng những nghi ngờ về năng lực hoặc sự cam kết duy trì sức mạnh quân sự thống trị trong khu vực của Mỹ một ngày nào đó có thể sẽ đủ mạnh để thúc đẩy Nhật thực thi những biện pháp quyết liệt hơn, có thể là ngả về phía Trung Quốc hoặc tự xây dựng năng lực răn đe độc lập, gồm cả vũ khí hạt nhân.

Với toàn bộ khu vực, báo cáo nhận định kết cục nhiều khả năng xảy ra nhất sẽ là “sự xói mòn cán cân”, về cơ bản là sự tiếp nối tình thế hiện tại, trong đó uy thế của Mỹ ngày càng bị xói mòn bởi những năng lực quân sự ngày càng gia tăng cùng thái độ sẵn sàng đòi hỏi quyền lợi của của Trung Quốc.

Báo cáo nói nguy cơ lớn nhất trong tình hình hiện nay là sự leo thang bất ngờ những tranh chấp hạn chế, giống như vụ tranh chấp chủ quyền giữa Nhật và Trung Quốc.

Trong tương lai có thể đoán trước, Trung Quốc sẽ không đi theo con đường của Liên Xô cũ trong việc trở thành đối thủ của Mỹ trên toàn cầu. Thay vào đó, theo báo cáo, Trung Quốc sẽ tiếp tục là một cường quốc trong khu vực với sự tập trung chiến lược vào các tranh chấp lãnh thổ với các nước liền kề.

Ngay cả khi đó, Bắc Kinh vẫn tạo ra thách thức nghiêm trọng với Mỹ, nước cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á bất chấp việc cắt giảm ngân sách.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật