Tìm cách tăng lợi nhuận cho nông dân

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ có hiệu quả khi giúp người nông dân gia tăng lợi nhuận. Đó là khẳng định của chuyên gia nông nghiệp GS.TS Võ Tòng Xuân (ảnh) với Báo Tin Tức xung quanh việc thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã được triển khai trong thời gian qua.
Tìm cách tăng lợi nhuận cho nông dân
Trúng mùa nhưng người trồng lúa vẫn không vui do đầu ra khó khăn.

Thưa ông, ông đánh giá gì về hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã được triển khai trong thời gian qua?

Tạm trữ là chính sách cần thiết để giá lúa khỏi xuống thấp, khi vụ mùa bước vào thu hoạch rộ. Với Việt Nam, nếu không có những chính sách hỗ trợ ngắn hạn đó, sẽ khó khắc phục những khó khăn đột biến xảy ra với sản xuất lúa gạo.


Tuy nhiên, với phương thức sản xuất và thu mua lúa gạo như hiện nay, nông dân vẫn gặp nhiều rủi ro. Trước hết, nông dân làm ra hạt lúa không bán được giá như mong muốn bởi vì cả hệ thống thu mua, tiêu thụ chưa đạt.

Có ý kiến cho rằng, với việc triển khai thua mua tạm trữ lúa gạo như hiện nay, doanh nghiệp được hưởng lợi hơn người nông dân. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Thật ra, không thể quy trách nhiệm thua thiệt của nông dân cho doanh nghiệp, bởi vì chức năng của họ là tính toán thế nào để kinh doanh có lãi. Chính cơ quan quản lý nhà nước mới là nơi có trách nhiệm phải tìm ra các chính sách để thực hiện sự hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu, vừa bảo vệ lợi ích của người nông dân, vừa định hướng nhanh chóng hình thành thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.

Theo ông, cần những giải pháp gì để nâng cao hiệu của chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo?

Đối với các chính sách liên quan đến nông nghiệp nói riêng và sản xuất lúa gạo nói chung đều cần chú trọng nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân.


Người dân cũng phải tự thay đổi phương thức sản xuất, từ chỗ chỉ sản xuất riêng lẻ đến việc phải tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Dự báo thị trường và dự báo những yếu tố tác động đến thị trường cũng cần được nâng cao hơn nữa. Thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm nhiều tới thị trường, hầu như chỉ quan tâm đến sản xuất, đến tăng năng suất, tăng sản lượng hơn là tăng chất lượng. Rõ ràng, trong mối quan hệ giữa thị trường và tăng trưởng sản xuất, thì thị trường có vai trò quyết định. Nếu có thị trường thì sản xuất sẽ phát triển, nếu có cầu thì cung sẽ tăng.


Hình thức tạm trữ cũng cần phải xem xét. Thay vì trợ vốn cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ như hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất thấp, hoặc cho các hợp tác xã vay tiền không lãi để đưa cho xã viên giữ lúa lại, chờ khi giá lên mới bán, rồi trả lại tiền vay.


Việc có những hình thức khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng có thể khắc phục mâu thuẫn về lợi ích giữa hai bên (DN và người nông dân) gây ra tình trạng bên nào cũng cố giành phần lợi về mình, rốt lại cả hai bên đều thiệt và phần thiệt lớn nhất là nền kinh tế nông nghiệp đầy tiềm năng và chiếm tỉ lệ lao động lớn nhất của quốc gia bị kìm hãm đi sau cả khu vực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật