Nhà thờ đá Phát Diệm: Đi và nhớ mãi

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân đến đây là những xúc cảm về một không gian tín ngưỡng. Kim Sơn - Ninh Bình là một vùng đất mà phần lớn người dân đều theo đạo Thiên Chúa. Dọc trên đường đến nhà thờ đá là những nhà thờ nhỏ khác nằm rải rác với lối kiến trúc cũng khác hơn một chút.
Nhà thờ đá Phát Diệm: Đi và nhớ mãi
Ảnh minh họa

Có nhiều đường tiến vào nhà thờ đá. Theo đường giữa vào nhà thờ là một hồ rộng, giữa hồ nổi lên một hòn đảo nhỏ trên được đặt tượng chúa Giê - su đang dang tay như chào đón mọi người; vòng tay đó lại cũng như đầy bao dung, cảm thương cho những tâm hồn tội lỗi. Theo quan niệm của những người dân nơi đây, cái hồ là nơi để mọi người rửa chân trước khi vào ngồi nghỉ ở Phương Đình. Tôi thì lại nghĩ đó như là công việc cuối cùng cần phải làm khi đến với Chúa, khi đứng trước Chúa; thân thể có sạch sẽ thì tâm hồn mới thanh tịnh được.

Đến nhà thờ đá Phát Diệm, chắc chắn bạn sẽ được chỉ cho xem ngôi mộ của vị linh mục Trần Lục mà người ta vẫn quen gọi là cụ Sáu. Trên mộ có ghi mấy dòng chữ: Người kiến thiết nhà thờ đá Phát Diệm, sinh năm 1825 tại làng Mỹ Quan - huyện Nga Sơn - tỉnh Thanh Hoá - Xứ Kẻ Dừa. Công lao của cụ không chỉ được nói đến với Giáo hội nói chung mà còn với xứ Phát Diệm nói riêng đặc biệt là trong việc cho xây dựng nhà thờ đá này.

Nhà thờ là sự kết hợp giữa kiểu kiến trúc đình chùa Phương Đông và lối kiến trúc Gôtíc Phương Tây tạo nên một quần thể kiến trúc bao gồm: ao hồ, Phương Đình và nhà thờ lớn. Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng lối kiến trúc của nhà nguyện Đức Mẹ. Hầu như tất cả mọi thứ ở đây đều làm bằng đá từ nền, tường, cột cho đến chấn song cửa. Ấn tượng hơn nữa khi tôi được biết tất cả đều được làm chỉ với bàn tay tài hoa của người thợ và một dụng cụ đục đá nhỏ.

Nhà nguyện Đức Mẹ - công trình được chế tác thủ công từ đá

Nhập vào một đoàn du khách đến tham quan nhà thờ đá, tôi có cơ hội mở rộng vốn hiểu biết kiến trúc còn nghèo nàn của mình. Không giống như các nhà thờ khác thường có kiểu kiến trúc cao chót vót, nhà thờ đá Phát Diệm kiến trúc theo phương vị của đình, chùa, đền. Ðể không phủ nhận những giá trị mà người Việt Nam hằng ấp ủ, đồng thời để khoảng cách xa lạ giữa các tín ngưỡng khác nhau trong những giai đoạn đầu có thể lui vào quá khứ, Cha Trần Lục đã dự kiến làm tái hiện những biểu tượng truyền thống tốt đẹp, mà ở đó, các tín hữu Công Giáo vẫn có thể tôn thờ Thiên Chúa bằng tâm thức của người Việt Nam, vẫn tôn trọng và gìn giữ những phong tục tập quán với tư cách là những di sản quý giá mà cha ông để lại.

Lối kiến trúc đình chùa của Phương Đông ở nhà thờ

Tham quan bất cứ đâu trong kiến trúc nhà thờ, ta đều thấy những hoa văn chạm khắc rất đẹp. Và nếu chịu khó để ý một chút, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra nét văn hóa Á Đông trong đó. Đó là hình ảnh của tùng, cúc, trúc, mai; là hình ảnh của hoa sen rất Việt Nam; là chuông, là trống ở khu Phương Đình nữa.

Nhà thờ đá cũng khiến cho du khách trong và ngoài nước nể phục bởi quá trình chuẩn bị và xây dựng lâu dài, chu đáo của nó. Phải mất 10 năm để chuẩn bị vật tư và phải mất 24 năm cho việc xây dựng và hoàn thành nhà thờ. Toàn bộ vật tư được mua hoặc khai thác từ những địa điểm rất xa xôi, phương tiện vận chuyển hết sức hạn chế trong số đó chủ yếu là gỗ và đá. Có những súc gỗ dài đến 11m, nặng đến 7 tấn. Đá có phiến nặng đến 20 tấn…tất cả được vận chuyển nhờ thuyền bè kết lại thành từng mảng lớn xuôi ngược trên những dòng kênh mà trước đây cụ Nguyễn Công Trứ đã ra công khai mở.

Quang cảnh trong nhà thờ lớn cho thấy sự chuẩn bị và xây dựng công phu trong bao năm

Không phải là kiến trúc, không phải là quy mô, không phải là ý nghĩa của những hình trạm khắc mà ấn tượng sâu sắc nhất với tôi chính là hình ảnh cô bé hát thánh ca ngày hôm đó. Thật may cho tôi hôm đó lại vào ngày lễ, và càng may mắn hơn khi điểm cuối của cuộc hành trình, tôi quyết định vào ngồi trong thánh đường lớn, sau một hồi vòng quanh thăm thú. Một cô bé khoảng trên 10 tuổi, mặc bộ váy trắng muốt, tóc đen nhánh xõa ngang lưng đang say sưa hát thánh ca. Trong phút chốc, tôi như thấy tất cả những gì thuần khiết, tinh khôi, trong trắng, không chút bụi trần đang kết tinh ở nơi đây.

Một buổi lễ trang nghiêm nơi thánh đường

Rời nhà thờ đá, nếu thích thú với việc mua sắm, bạn có thể tạt qua những cửa hàng bán đồ lưu niệm ngay gần đó. Những bức ảnh về Chúa cùng con của Người và nhiều đồ trang sức bằng bạc khá lạ mắt hay những đồ thủ công truyền thống ( vài chiếc mũ, đôi dép đan bằng cói…) chắc chắn sẽ hấp dẫn bạn.

Chuyến đi chỉ vẻn vẹn trong ngày nhưng khiến tôi nhớ mãi. Tôi là người ngoại đạo Thiên Chúa nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi không khỏi cảm thấy lòng mình thư thái trong tâm linh thành kính hướng về Chúa, hướng về Đức Mẹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật