Sản phẩm hội thi “Mô hình học cụ huấn luyện”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những năm qua, sau mỗi lần tổ chức Hội thi “Mô hình học cụ huấn luyện”, các mô hình, đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở các đơn vị trong Vùng 3 Hải quân được đưa vào áp dụng trong công tác huấn luyện.
Sản phẩm hội thi “Mô hình học cụ huấn luyện”
Hội thi “Mô hình học cụ huấn luyện” của Vùng 3 Hải quân. Ảnh: Duy Khanh

Học tập của bộ đội và đã phát huy hiệu quả, điển hình như mô hình “Hệ thống khí nén của pháo AK-230”; mô hình “Hệ thống nâng hạ bầu sona MG-89” của Lữ đoàn 161; sáng kiến “Con trượt trên xe bệ phóng trong hành quân cơ động đường dài ban đêm”; “Sa bàn vòng chiến thuật tổng hợp cho tên lửa bờ“ của Đoàn 680; hay mô hình “Huấn luyện thông tin tín hiệu” của Lữ đoàn 172...

Nhiều mô hình được tặng giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh”, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật đạt giải cấp toàn quân. Sau mỗi năm, lại xuất hiện những mô hình, đề tài, sáng kiến mới với sự đầu tư  công phu, chất lượng hơn.

Thượng tá Nguyễn Duy Khánh, Phó Tham mưu trưởng về huấn luyện - Trưởng ban giám khảo Hội thi “Mô hình học cụ huấn luyện” cho biết: Năm 2013, Vùng 3 tổ chức thi mô hình học cụ huấn luyện với tiêu chí không chỉ để thi. Quy chế năm nay được quy định rất chặt chẽ. Các đề tài, sáng kiến, mô hình phải đăng ký trước với Ban tổ chức, sau khi thông qua thẩm duyệt có tính khả thi mới được tiến hành thực hiện. Như vậy tránh được lãng phí về tiền bạc, công sức không cần thiết.

Những mô hình, đề tài, sáng kiến, giáo án huấn luyện, sơ đồ, mẫu biểu... tham gia thi năm nay của các đơn vị đặt theo từng khu vực, vị trí phong phú và đa dạng. Đồng tác giả của đề tài “Phần mềm hoạt động của Rađa Score - 3000“, Trung úy Vũ Thành Trung, Trợ lý kỹ thuật Trung đoàn 351 cho biết: Phần mềm mô phỏng này có thể áp dụng trong huấn luyện cho tất cả các đối tượng, các trạm của Trung đoàn mà không nhất thiết phải thao tác trên khí tài thật nhưng vẫn đạt hiệu quả cao, qua đó góp phần nâng cao tuổi thọ cho khí tài Rađa. Thiếu tá Vũ Đức Giang Hải, Đội phó quân sự Hải đội 315, Lữ đoàn 172 cho biết thêm: Với sáng kiến “Nhận dạng mục tiêu trên biển ban đêm” dùng cho ngành Hàng hải có thể giúp nhận biết dễ dàng các dạng tàu ban đêm thông qua mô phỏng hệ thống đèn tín hiệu, nâng cao khả năng phán đoán, để đưa ra các phương án xử lý chính xác.

Sau khi nghe thuyết trình về tính năng của mô hình “Giàn khoan nước sâu tự hành” của Phòng Tham mưu Lữ đoàn 161, Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân đã nhận xét: “Qua mô hình này cho thấy được sự say mê trong huấn luyện của các đồng chí, chỉ có lòng say mê nghiên cứu, tìm tòi mới có được những ý tưởng, sáng kiến hay để làm ra mô hình công phu như vậy“. Còn Trung úy Tạ Ngọc Dần, Đoàn 680, tác giả của mô hình “Sơ đồ mô phỏng quỹ đạo bay của tên lửa P21, P22“ được Ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng thì cho biết: Mô hình này được áp dụng trong quá trình huấn luyện các trắc thủ về quy trình quỹ đạo bay của tên lửa từ khi rời bệ phóng đến khi chạm mục tiêu, ngoài ra có thể giới thiệu cho các đoàn tham quan, đoàn thực tập về tên lửa P21, P22 mà không nhất thiết phải tiếp xúc với tên lửa thật. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện nâng cao hơn nữa tính năng của mô hình này.

Kết quả thi “Mô hình học cụ huấn luyện” năm 2013 của Vùng 3: Giải nhất thuộc về mô hình “Nhận dạng mục tiêu trên biển ban đêm“ của Hải đội 315-Lữ đoàn 172; “Phần mềm mô phỏng hoạt động của Rađa Score - 3000” của Trung đoàn 351 giành giải nhì. Tất cả những mô hình, sáng kiến, tài liệu, sơ đồ... tham gia thi của các đơn vị trong Vùng sẽ được đưa vào áp dụng trong quá trình huấn luyện, học tập của các đơn vị, góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu năm 2013.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật