Bộ trưởng nên làm sao để Thủ tướng bớt giật mình đi!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mở màn phiên chất vấn của QH sáng nay (30/5), Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay: Phải thật quyết tâm và phối hợp tốt giữa các bộ, ngành mới có thể khống chế mức lạm phát ở mức 22%.
Bộ trưởng nên làm sao để Thủ tướng bớt giật mình đi!
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời chất vấn.

Dự báo: Quá phụ thuộc vào dự báo của quốc tế

Rất nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc về căn cứ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5 đến 9% xuống còn 7% và dự báo mức lạm phát là bao nhiêu.

Theo ông Phúc, căn cứ điều chỉnh GDP đã được Chính phủ "nghiên cứu kỹ" từ diễn biến kinh tế thế giới "có nhiều biến động, suy giảm kinh tế toàn cầu, các nước đều phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng", đồng thời cũng xuất phát từ tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn ra hồi đầu năm khiến sản xuất nông nghiệp sụt giảm (ước tính chỉ 3%), công nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ, du lịch có thể giảm.
 
Liên quan đến mức lạm phát, ông Phúc nói: Cho đến thời điểm này là 15,96% - “con số khá cao rồi”. “Hiện Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, Bộ KH - ĐT đang xem xét khả năng thế nào, kiềm chế lạm phát. Tuỳ thuộc quyết tâm thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ, nếu thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, tôi hy vọng sẽ khống chế được ở mức thấp nhất là 22% bởi kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Phải quyết tâm thật cao, thực hiện thật cương quyết mới đạt mức này”.

Trả lời chất vấn về việc nếu không  đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7% thì ai chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: “7% là kế hoạch và kế hoạch thì có tính định hướng chứ không phải pháp lệnh. Trong tình hình biến động thế này, không thể chính xác tuyệt đối được, đưa ra chỉ tiêu không phải để bắt ai làm”.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) về trách nhiệm của Bộ KH - ĐT trong công tác dự báo mà Chính phủ đã đánh giá là “chưa đúng mức”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thú nhận: “Công tác dự báo phải phụ thuộc vào dự báo của quốc tế, lấy dữ liệu của Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu, IMF, ADB chứ không đủ năng lực tự lập dự báo. Đó là cái yếu thực sự, kể cả năng lực lẫn phương tiện dự báo”.

Ông Võ Hồng Phúc kể lại với QH sự yếu kém trong phân tích đưa ra cảnh báo giữa các cơ quan cũng như trong phối hợp điều hành chung không nhịp nhàng. Theo ông, vào tháng 8/2007, Bộ KH - ĐT đã từng báo cáo Chính phủ đưa ra những con số về tiền tệ khiến chính “Thủ tướng phải giật mình”, như chỉ số tổng phương tiện thanh toán trên 43,7%, dư nợ tín dụng 53,88%.

“Khi Bộ KH – ĐT cảnh báo về việc tổng dư nợ lên quá cao, các tổ chức tín dụng cho vay chứng khoán quá mức cho phép và đưa ra chỉ số giá cả 7 tháng đầu năm 2007, Thủ tướng nói mức tăng này là cao rồi, phải điều hành lại, từ đó 2 tháng tiếp theo đã giảm chỉ 1,1%, tức khoảng 0,5%/tháng. Nhưng sau đó lại buông lỏng, mất cảnh giác vì khí thế đang lên, thu hút đầu tư tốt, dự báo lại nói chúng ta như con hổ đang lên, nên đã để tăng 5 % trong 3 tháng còn lại, khiến CPI tăng 12,63% cả năm. Điều này cho thấy phối hợp các ngành chưa đạt yêu cầu, thậm chí số liệu không đầy đủ”.

Giải trình này khiến nhiều đại biểu không hài lòng. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) “cảm thấy Bộ trưởng đổ lỗi cho Ngân hàng Nhà nước làm tiền tệ tăng”. Ông Lịch cho rằng giải thích của Bộ trưởng Phúc “không phù hợp với báo cáo của Thủ tướng, theo đó, nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do cơ cấu kinh tế mà cơ quan tham mưu phải chịu trách nhiệm là Bộ KH – ĐT, chứ tiền tệ chỉ nhất thời, chỉ là giọt nước tràn ly”.

ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) cũng bức xúc: “Bộ trưởng nói như vậy có thể khiến ĐB hiểu nhầm là Bộ đã dự báo tương đối chính xác mà các bộ khác không nghe. Tôi chưa thấy trách nhiệm của Bộ KH - ĐT, đổ lỗi cho các thành viên Chính phủ khác là không được. Lẽ ra với trách nhiệm của cơ quan tham mưu, Bộ trưởng phải thuyết phục Chính phủ”.

Trước những lời “kết tội” của ĐB, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc quả quyết: “Tôi không đổ lỗi cho ai cả”. Ông Phúc đưa ra báo cáo của Bộ dài tới 99 trang, mà “do dài nên có thể nhiều ĐB ngại đọc”, trong đó từng từ ngữ đều đã được chọn lựa kỹ lưỡng và chuẩn xác, nêu rõ trách nhiệm của Bộ.

Tập đoàn kinh tế đầu tư vào ngân hàng là chết rồi!

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn Bộ trưởng KH - ĐT về hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước: Khi các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào những lĩnh vực không thuộc nhiệm vụ của mình, có phải là dàn trải không, trách nhiệm của Bộ thế nào?

Thừa nhận đây đúng là vấn đề cần xem xét, ông Phúc cho biết: Mô hình một số tổng công ty hiện chưa chuẩn, gây khó khăn cho hoạt động chung. “Cơ chế chung là HĐQT của các tập đoàn, tổng công ty quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào, Chính phủ không thẩm định”.

“Là nhà đầu tư mà kinh doanh ngân hàng là chết rồi! Đầu tư như thế sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Tư nhân đầu tư bằng vốn của họ còn tập đoàn nhà nước lấy tiền của nhà nước, điều này cần được rút kinh nghiệm. Đầu tư bất động sản cũng vậy, không bao giờ ở các nước tư bản làm như vậy. Tập đoàn ở các nước này là để cạnh tranh quốc tế và cạnh tranh nội địa, không có người chủ duy nhất, ta lại có người chủ duy nhất. Mitsubishi của Nhật Bản có đến 24 công ty lớn, không ai là chủ cả mà chỉ có người điều hành”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc

Ông Phúc cũng cho hay Bộ KH - ĐT  đang soạn thảo nghị định quy chế hoạt động các tập đoàn Nhà nước, trình QH vào tháng 7 này. “Trách nhiệm của Bộ là soạn thảo chậm”. Bộ trưởng KH - ĐT cũng nói, trong nghị định, sẽ có cơ chế kiểm soát chặt, đặc biệt là cơ chế đầu tư.

Câu trả lời của Bộ trưởng Phúc không thuyết phục được ĐB Thuyết. Ông Thuyết cho rằng, dù HĐQT tự quyết định đầu tư thì đây vẫn là vốn Nhà nước chứ đâu phải của cá nhân. “Phải có người kiểm soát. Năm trước, tôi chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về Đề án 112, ông Ninh cũng nói khi bên A, bên B thống nhất với nhau thì Bộ không kiểm soát. Nay Bộ trưởng KH – ĐT cũng nói thế này tiền Nhà nước không biết tiền đi đến đâu?”

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói: “Trong HĐQT có đại diện một số bộ, trong đó có Bộ Tài chính”, đồng thời nhấn mạnh lại rằng Bộ KH – ĐT đang xây dựng nghị định nêu rõ sẽ kiểm soát chặt đầu tư của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Ưu tiên đầu tư cho giáo dục, dân sinh 

Nhiều ĐB lo lắng việc cắt giảm 25% đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, cụ thể là người dân miền núi, vùng nghèo, vốn đã khó khăn.

 Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trấn an lo lắng này khi khẳng định dứt khoát sẽ không giảm đầu tư cho kiên cố hoá trường học ở các vùng này. Ông cũng quả quyết đầu tư vào các công trình hạ tầng ở miền núi không dàn trải mà rất hiệu quả.

 Về cắt giảm 10% chi tiêu công, đến nay mới có 34 tỉnh, thành và 27 bộ, ngành báo cáo. Con số cắt giảm mới là 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ĐB Danh Út của Kiên Giang sốt ruột: “Quyết định 134 của Thủ tướng ban hành từ năm 2004 về việc hỗ trợ bà con vùng nghèo, giao cho Bộ KH - ĐT chuẩn bị nhưng đến nay chưa thực hiện, bà con mong đợi từ 4 năm rồi. Không biết Thủ tướng nợ người dân đến bao giờ?”.  

Sau câu trả lời Bộ trưởng KH – ĐT rằng Bộ “đang trình Chính phủ”, ĐB Danh Út bất bình: “Kỳ họp trước, tôi chất vấn Bộ trưởng cũng nói đang trình, họp Hội đồng Dân tộc hồi tháng 3 vừa rồi cũng bảo đang trình, biết chừng nào chương trình được ban hành?”

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đính chính: “Lần trước mới đang soạn thảo, còn hiện nay đã trình ở trên bàn Thủ tướng rồi. Chúng tôi sẽ kiến nghị kéo dài 134 như với nhiều chương trình khác, ĐB yên tâm là ưu tiên cao nhất trong mọi điều kiện cho miền núi”.

Về chất vấn liên quan đến các công trình ở địa phương còn dàn trải, thiếu tập trung, lãng phí, chỉ hoàn thành được 30% còn 70% là chôn vốn, nợ đọng, dở dang, ông Võ Hồng Phúc thừa nhận đây là vấn đề lớn, đang xem xét xử lý,  tổng kết số liệu cụ thể để báo cáo tại kỳ họp QH cuối năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng KH – ĐT khẳng định cơ chế chính sách phân cấp cũng như khâu giám sát của HĐND các cấp là tốt, Thủ tướng chỉ phân bổ số vốn đầu tư, cơ cấu theo chỉ tiêu QH, còn phân bổ công trình nào thì Chính phủ không làm mà chỉ phân bổ theo ngành.

Với chất vấn về quy hoạch phát triển sân gôn, Bộ trưởng Phúc quả quyết Chính phủ không cho phép lấy đất nông nghiệp trồng lúa để làm sân gôn. Hiện đã cấp phép cho 77 sân, trong đó 13 của nước ngoài, các địa phương mới cho chủ trương cấp phép 64 sân nữa.

“Sân gôn không được liệt vào kinh doanh đặc biệt, Thủ tướng không phê duyệt mà giao UBND tỉnh, nhưng phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất, cái này làm rất chặt chẽ”, ông Phúc nói.

Nhiều chất vấn của ĐB liên quan đến tài chính, ngân hàng được Bộ trưởng Phúc nói phải chuyển cho 2 tư lệnh của 2 ngành này.

ĐB Lê Như Tiến:  Tôi chưa thoả mãn hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng. Vì  Bộ trưởng vẫn chưa trả lời thẳng vào câu  tôi và một số ĐB hỏi những giải pháp nào để hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng. ĐB muốn nhấn vào giải pháp xử lý tình trạng đầu tư kém hiệu quả, chôn vốn. Tôi kỳ vọng bộ trưởng có thể nói rõ là đến thời điểm nào có thể hoàn toàn ngăn chặn được tình trạng này. Danh mục dự án cắt giảm như Thủ tướng yêu cầu, Bộ đang làm nên chắc là chưa thể đưa ra. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình thực hiện và có thể sẽ chất vấn tiếp.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết:  Khi trả lời Bộ trưởng đã nhận hai khuyết điểm tôi cho là rất rõ ràng. Thứ nhất là mô hình tập đoàn chưa rõ ràng, hai là nhà nước không kiểm soát được tình trạng đầu tư tràn lan của các tập đoàn. Nêu được 2 khuyết điểm như vậy là rất quan trọng. 

Nhưng về trách nhiệm tôi thấy Bộ trưởng chưa nhận trách nhiệm rõ ràng. Vì Chính phủ đã giao cho anh nhiệm vụ thì anh  phải có trách nhiệm kiểm soát chuyện đầu tư dàn trải này. Anh phát hiện ra thì anh phải có biện pháp chống.

ĐB Trần Du Lịch:  Điều ĐB quan tâm là  muốn nhìn thấy làm sao đánh giá được thực chất tình hình, rõ nét điều chúng ta sẽ làm để bảo đảm quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế là thực hiện được. Chẳng hạn, ưu tiên giảm tăng trưởng không phải giảm tăng trưởng để chống lạm phát. Mà, phải hiểu ngược lại, vì giảm lạm phát sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng. Sáng nay trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KHĐT chưa làm rõ vấn đề này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật