Điều chuyển ngay cán bộ khi có dấu hiệu tham nhũng

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 1/2, tại cuộc họp công bố quyết định của Thủ tướng về thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham, Chánh văn phòng Vũ Tiến Chiến cho biết, những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng sẽ bị thay thế ngay cả khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.
Điều chuyển ngay cán bộ khi có dấu hiệu tham nhũng
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tham dự hội nghị. Theo ông Chiến, biện pháp này sẽ chấm dứt tình trạng cán bộ bị cơ quan pháp luật "sờ tới", thì cơ quan chức năng mới tiến hành thay thế họ. Trong năm 2007, sẽ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ làm việc tại một số vị trí liên quan việc quản lý ngân sách, tài sản nhà nước... Người giới thiệu, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nếu bao che cho hành vi tham nhũng, lãng phí cũng sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

Việc tập trung xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, trước mắt là 8 vụ án Thủ tướng đã chỉ đạo, cũng được đặt ra trong năm 2007. Trong các vụ án này, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (Phó ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng) đánh giá: "Đồ Sơn là vụ nhức đầu nhất, làm mất uy tín của Đảng, nhà nước, cơ quan pháp luật". Theo ông Trọng, thời gian tới, sau khi phiên tòa được mở lại, cơ quan chức năng sẽ xử lý những cán bộ của Hải Phòng có hành vi can thiệp vào quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả điều tra một số vụ án lớn, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, cho biết, liên quan vụ án PMU 18, ngày 31/1, lãnh đạo cơ quan điều tra đã thống nhất mức kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Huy Kim (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ). Với mức xử lý này, ông Kim bị "loại khỏi bộ phận trinh sát điều tra", và điều chuyển công tác. Theo ông Ngọ, ông Kim có sai phạm khi đứng tên đăng ký ôtô giúp "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng.

Trước đó, trung tá Kim từng bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố về hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, quyết định này đã không được VKSND Tối cao phê chuẩn. Thiếu tượng Phạm Quý Ngọ thừa nhận: "Chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của ông Kim còn non".

Về vụ án của "siêu lừa" Nguyễn Đức Chi, cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, không tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự với bà Nguyễn Thị Thu Hằng (phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) và Mai Thị Thu (Cục phó cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - đầu tư). "Chúng tôi cho rằng xử lý về mặt hành chính cũng là nghiêm khắc", ông Ngọ đánh giá. Trước đó, chính cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố truy cứu tránh nhiệm hình sự bà Hằng về tội cố ý làm trái. Song quyết định này cũng không được phê chuẩn.

Trước dư luận cho rằng, có hiện tượng "đầu voi đuôi chuột" trong quá trình thông tin một số vụ án, ông Văn Danh Hồng (Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát án tham nhũng, VKSND Tối cao), cho biết, thông tin ban đầu là tài liệu trinh sát, chưa phải là kết luận buộc tội. "Trong quá trình điều tra, phải đánh giá chứng cứ cẩn trọng, chỉ khi nào có đủ chứng cứ mới có thể xử lý hình sự", Thủ trưởng điều tra Phạm Quý Ngọ bộc lộ quan điểm.

Thời gian qua, Văn phòng Ban chỉ đạo đã tiếp gần 3.000 lượt công dân đến trụ sở phản ánh, đưa đơn khiếu nại tố cáo; nhận hơn 1.000 đơn, thư qua đường bưu điện.

Trong ngày 1/2, quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã được công bố với báo giới. Văn phòng là cơ quan hoạt động chuyên trách, tham mưu cho Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống, tham nhũng. Văn phòng cũng là đầu mối tham mưu cho Thủ tướng trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi họ để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức được giao quản lý.

Văn phòng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tham nhũng. Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, tương tương bộ trưởng, do Thủ tướng bổ nhiệm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật