‘Oshin’ ngoại quốc không được nhập cư ở Hong Kong

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở tuổi 61, Evangeline Vallejos, một nữ giúp việc gốc Philippines, chỉ hy vọng được nhận giấy phép thường trú ở Hong Kong, nơi bà sống trong suốt 27 năm qua. Đáng tiếc, điều đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
‘Oshin’ ngoại quốc không được nhập cư ở Hong Kong
Sringatin, một thành viên của hội người lao động nước ngoài, trả lời phỏng vấn bên ngoài Tòa án phúc thẩm Hong Kong hôm thứ hai. Ảnh: AP

Tòa án cấp cao Hong Kong vừa trải qua một trong những phiên tòa gây tranh cãi nhất từ trước tới nay, với việc bà Evangeline Vallejos, người từng sống và làm việc tại thành phố này từ năm 1987, sẽ vĩnh viễn không được nhận giấy phép thường trú.

Mark Daly, luật sư bào chữa cho bà Evangeline Vallejos, cho rằng, bồi thẩm đoàn Hong Kong đã có "một quyết định đáng tiếc", theo The NewYork Times.

Kết quả từ những cuộc khảo sát ý kiến quần chúng gần đây cho thấy, đa phần dân Hong Kong "gốc" đều phản đối việc cấp giấy phép thường trú cho người giúp việc. Theo họ, giấy phép này cũng đồng nghĩa với quyền được sống, làm việc tại Hong Kong tới cuối đời, cũng như cơ hội được sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe gần như miễn phí và nhiều dịch vụ an sinh xã hội khác.

Tuy nhiên, những nhà hoạt động vì lợi ích của người giúp việc, như luật sư Daly, cho rằng từ việc chối cấp giấy phép thường trú sẽ gây ra những chia rẽ về chủ‌ng tộ‌c và giới tính trong xã hội Hong Kong. Thành phố 7 triệu dân này đang nuôi sống gần 300.000 người giúp việc nước ngoài, và phần lớn trong số họ là nữ giới.

Theo luật pháp Hong Kong, chỉ có những người giúp việc đến từ Trung Quốc đại lục là có đủ điều kiện để nhận giấy phép thường trú và hộ chiếu theo quy định của Luật Cơ bản (Basic Law), hiến pháp riêng của thành phố.

Đáp lại, Lai Tung-kwok, thư ký an ninh Hong Kong, người ủng hộ quyết định của tòa án, nói trong một cuộc họp báo rằng chính quyền có thể dựa vào kết quả của phiên tòa lần này để ngăn chặn những lá đơn đăng ký thường trú của người giúp việc đến từ nước ngoài.

Theo chính quyền thành phố, từ tháng 9/2011 tới nay, Hong Kong đã nhận được hơn 1.000 lá đơn có nội dung tương tự như vậy.

Phiên tòa hôm thứ hai đã trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, như một dấu hiệu để dự đoán liệu Hong Kong, nơi có phần lớn cư dân là người Trung Quốc, có hướng tới một tương lai đa chủ‌ng tộ‌c hơn hay không.

"Thật buồn và đáng tiếc, nhưng ở góc độ khác, nó sẽ khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn, bởi sự việc này đã làm nổi bật những bất công xã hội mà người lao động nước ngoài phải đối mặt ở Hong Kong," CNN dẫn lời Cynthia Tellez, tổng giám đốc Hội người Philippines Thống nhất ở Hong Kong. "Chuyện này thực sự chỉ làm rõ hơn thực trạng ấy. Đó là để ủng hộ người giúp việc nước ngoài, chúng tôi cần phải làm việc nhiều hơn."

Christopher Chung, một thành viên của cơ quan lập pháp Hong Kong, đã hoan nghênh quyết định của tòa án, và nói rằng: "Khi những người nước ngoài đến Hong Kong, mục tiêu đầu tiên và duy nhất của họ là trở thành một người giúp việc".

Về phía những người giúp việc, họ cho biết bên cạnh vấn đề nhập cư, môi trường làm việc và tiền lương cũng là một thực trạng cần phải giải quyết.

"Tôi không định sống ở Hong Kong mãi mãi," Helen Payar, một người giúp việc 47 tuổi gốc Philippines, cho biết, và nói thêm rằng cô cũng rất mong muốn được trở về quê hương.

Payar cho biết, mặc dù yêu quý những đứa trẻ, nhưng cô cảm thấy kiệt sức khi phải làm việc 24 giờ một ngày.

"Đó là một công việc rất vất vả, và gia đình thì không ở bên tôi", The Wall Street Journal dẫn lời cô.

Cũng theo Payar, một số người bạn của cô đang hướng tới những miền đất mới, và Nga là một lựa chọn điển hình.

"Tôi thấy họ bảo ở đó giúp việc chỉ phải làm việc 8 giờ một ngày và còn có cả hai ngày nghỉ mỗi tuần."

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật