Di Li không “tẩu hỏa nhập ma“ vì truyện của mình

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sinh năm 1978, đã in hai tập truyện và đang “hù dọa“ độc giả bằng một tiểu thuyết trinh thám kinh dị vừa viết vừa tung dần lên blog, Di Li ngoài đời xinh xắn, trẻ trung, lúc dịu dàng, mong manh, lúc đầy bí hiểm khi nói về những trang viết ma quái.
Di Li không “tẩu hỏa nhập ma“ vì truyện của mình
Tác giả của những câu chuyện kinh dị là một cô gái hiện đại... Ảnh nhà văn cung cấp.

Nhà văn chia sẻ với XL.

- Di Li đến với dòng truyện kinh dị và trinh thám kinh dị như một sở thích hay một lựa chọn có tính toán (vì thực tế đây là một thể loại mới, lạ và đang rất thiếu tại Việt Nam)?

- Nếu nói cả hai thì cũng không sai. Là người sáng tạo, bất kỳ ai cũng mong mình sẽ “trình làng” một sản phẩm mới mẻ. Tuy nhiên, kế hoạch và kết quả là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Nếu tôi thích thế nọ thế kia, lập kế hoạch thế nọ thế kia nhưng thực tế lực bất tòng tâm thì kết quả cũng sẽ thất bại. Thường thì sản phẩm trực tiếp của người sáng tạo liên quan mật thiết đến sở thích của người đó. Từ nhỏ tôi đã say mê những câu chuyện phiêu lưu, mạo hiểm hoặc đòi hỏi tính suy luận cao. Hồi học tiểu học, tôi đã bắt đầu đọc Vụ giết người trên phố Morgue của Edgar Allan Poe và Bí mật dải băng lốm đốm của Arthur Conan Doyle. Lúc đó không để tâm lắm đến tác giả là ai vì còn bé quá, sau mới biết Poe chính là cha đẻ của thể loại truyện trinh thám. Vụ giết người trên phố Morgue là truyện trinh thám đầu tiên của nhân loại và cũng là truyện trinh thám đầu tiên mà tôi được đọc. Sau này, tôi bắt đầu tìm đọc nhiều tác giả trinh thám hiện đại hơn nữa.

- Khi viết, thử thách lớn nhất của một nhà văn kinh dị, trinh thám trong việc níu mắt độc giả đến phút cuối là gì?

- Là những cao trào gây kinh ngạc để đẩy đến một phần kết không ai ngờ tới.

- Trong thể loại truyện kinh dị và trinh thám, kết thúc có vai trò rất quan trọng. Chị đầu tư như thế nào cho các kết truyện của mình?

- Khi hình thành ý tưởng cho một câu chuyện, bao giờ tôi cũng nghĩ đến phần kết đầu tiên rồi mới ra tổng quát cốt truyện và các chi tiết. Tôi có thế mạnh khi viết thể loại này. Trước đây, người đọc cũng thường hay ngạc nhiên về cái kết bất ngờ của tôi trong truyện ngắn. Kết thúc rất quan trọng, may mà tôi luôn có thói quen nghĩ về phần kết trước khi khởi đầu.

Viết truyện trinh thám đòi hỏi huy động vốn kiến thức đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như luật pháp, khoa học tự nhiên, y học... Chị đáp ứng yêu cầu này như thế nào?

- Tôi còn nhớ có một nữ tác giả trinh thám khi viết đến phần điều tra xảy ra tại Đại học Oxford phải đáp cả máy bay sang để “nằm vùng” đo đạc, nghiên cứu hệt một thám tử thực sự và sau đó in luôn sơ đồ của trường đính kèm vào truyện. Tôi thì chưa đến nỗi thế nhưng việc lọ mọ đi xin sách xin vở chuyên ngành, cả những cuốn lưu hành nội bộ cũ rích từ thế kỷ trước, để photo chất đầy nhà thì đã được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, tôi đang có ý định viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị lấy đề tài cuộc chiến tranh Việt Nam, lúc đó chắc sách vở không biết bao nhiêu mà kể.

Nhưng nhiều khi tôi vẫn phải hỏi trực tiếp những người có chuyên môn, thậm chí có những yếu tố tâm lý tự tôi không thể hình dung ra được, thì tôi cũng hỏi người khác xem sao.

- Việt Nam không có truyền thống, không mạnh về dòng truyện kinh dị, trinh thám. Là một trong số rất ít tác giả theo dòng văn học này, chị thấy mình có lợi thế và khó khăn như thế nào?

- Tôi nói khó khăn trước, đấy là tôi luôn bị sức ép từ hai phía, phía nhà phê bình (bao gồm cả các nhà văn) và độc giả. Các nhà chuyên môn nhiều khi không đánh giá cao thể loại này và luôn khuyên tôi nên viết cái gì “dung dị”, vừa phải thôi. Họ nghĩ tôi sẽ thất bại hoặc dù có thành công trong thể loại này thì cũng không có được vị trí được coi trọng trên văn đàn. Còn độc giả, họ cũng nghĩ “mặc định” về truyện trinh thám Việt Nam, rằng chưa đọc đã biết ngay thủ phạm từ trang đầu, rồi họ chờ xem tôi viết kinh dị có bằng phim Mỹ hay không. Nhiều người còn “dọa”, nếu tôi mở nút, thắt nút mà không thoả mãn là bị bỏ đi liền. Chỉ riêng những quan niệm cố hữu này đã khiến thiên hạ nhìn thấy một cuốn trinh thám kinh dị “made in Vietnam” là tỏ ý “không thèm đọc”.

Còn lợi thế, tôi chưa nhìn thấy cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị Việt Nam nào trước khi tôi viết Trang trại. Vì thế, nếu Trang trại thành công, tôi sẽ bắt đầu series trinh thám kinh dị tiếp theo mà với sức viết của mình, tôi có thể mỗi năm cho ra đời một cuốn. Lúc đó, tôi mới hy vọng ở sự đóng góp của mình cho thể loại này. Nhưng tôi chưa thể nói trước được điều gì, tất cả vẫn còn phụ thuộc vào phần kết của cuốn tiểu thuyết. Dù sao, lợi thế này cũng vẫn lại là một sức ép đối với tôi.

- Chị có ý kiến gì về việc văn học Việt Nam rất nghèo nàn về mảng truyện trinh thám, kinh dị?

- Có lần tôi hỏi nhà văn Didier Daeninckx, một trong những tác giả trinh thám hàng đầu của Pháp, rằng tại sao nền văn học trinh thám châu Á nói chung, ngoài Nhật Bản, kém phát triển. Ông nói, theo các nhà xã hội học thì tội ác ít thấy xuất hiện ở những vùng nông thôn, xã hội càng hiện đại, càng phát triển thì các loại tội phạm càng tinh vi càng bùng phát. Vì thế, thể loại trinh thám sẽ gắn liền với những đô thị lớn của thế giới.

Ở trong nước, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa thể loại truyện hình sự (Crime thriller) và trinh thám (Detective) cho dù khởi thuỷ, trinh thám là một biến thể bắt nguồn từ truyện hình sự như kiểu punk rock và grunge có chung một mẹ là rock ‘n roll vậy. Tuy nhiên, nhiều truyện vụ án của Việt Nam lại nặng về tính ký sự hơn là rơi vào hai thể loại này. Còn kinh dị (Horror thriller) lại hay bị nhầm lẫn với thể loại kỳ ảo (Fantasy).

Sở dĩ người ta hay bị nhầm lẫn giữa các thể loại na ná này là vì ở Việt Nam hoàn toàn chưa có một nền văn học trinh thám hoặc kinh dị.

Trên thế giới người ta đã có hẳn Hiệp hội những nhà văn hình sự (Crime Writers’ as‌scociation) và Hiệp hội những nhà văn kinh dị (Horror Writers’ as‌sociation). Chẳng vinh dự gì nếu chúng ta tự đứng ở ngoài rồi chỉ tay vào bảo họ bình dân và chạy theo văn học hạng hai.

... và dịu dàng. Ảnh nhà văn cung cấp.

- Chị thường đọc ai trong số những cây bút trinh thám lớn trên thế giới?

- Tôi đã đọc hơn 20 cuốn tiểu thuyết của Agatha Christie. Dù thuộc dòng Whodunit - thể loại trinh thám cổ điển thiên về giải câu đố ai là kẻ giết người với hàng loạt manh mối bày sẵn cho độc giả - Agatha vẫn là bậc thày của thể loại trinh thám mà rất nhiều tác giả sau này lấy kết cấu của bà làm mẫu mực. Tôi đọc nhiều, cứ thấy cái gì thuộc về trinh thám là đọc, kể cả truyện nguyên bản (chưa dịch) nhưng tôi thích những tác phẩm của Agatha, đặc biệt là Mười người da đen nhỏ. Sau này tôi còn thích Ruth Rendell, cũng là một nữ tác gia người Anh. Cả Ruth và Agatha đều nằm trong danh sách 10 tiểu thuyết gia trinh thám được yêu thích nhất thế kỷ.

- Nếu đọc truyện của Di Li theo trình tự thời gian, người đọc sẽ cảm nhận được sự trưởng thành của chị trong kết cấu, trong khả năng thắt nút, tạo các cao trào... Có bao giờ chị cảm thấy "ngứa ngáy", muốn chọc bút viết lại những truyện ngắn trước đây của mình?

- Không, tôi ít đọc lại truyện của mình. Tôi đọc rất cẩn thận vài lượt trước khi gửi in và sau đó hiếm khi đọc lại nữa. Có thể những tác phẩm ban đầu còn nhiều sự vụng về nhưng tôi coi đó là một kỷ niệm của nghiệp viết. Tuy nhiên, tôi cũng không đến nỗi bi quan lắm về những truyện ban đầu. Ví như Hoa mộc trắng (1999) là truyện ngắn đầu tay tôi viết cho người lớn. Rõ ràng tôi có ý đồ bắt chước Bồ Tùng Linh (cho dù có sáng tạo riêng thì vẫn là mang âm hưởng Liêu trai). Sau này tôi có ý ngượng về điều đó, nhưng khi hỏi ý kiến những bậc “cây đa cây đề” trong làng văn thì hầu hết họ lại bảo thích nhất truyện này trong tập Tầng thứ nhất.

- Với những độc giả chưa từng đọc truyện của Di Li, chị sẽ khuyên họ nên bắt đầu từ những truyện nào?

- Những truyện hài hước, để thấy rằng không phải lúc nào tôi cũng dọa cho người khác sợ mà vẫn có thể làm họ cười được. Truyện hài hước chiếm một phần ba số lượng trong các tập truyện của tôi.

- Có bao giờ chị cảm thấy ám ảnh và sợ vì chính những câu chuyện mình đã tưởng tượng ra?

- Không bao giờ lại thế. Nếu chính mình lại bị “tẩu hoả nhập ma” vì truyện của mình thì sao đủ tỉnh táo để viết tiếp những câu chuyện tiếp theo. Hầu hết mọi người đều tưởng thế nhưng không phải vậy đâu. Trái lại, trước khi viết tôi có bị ám ảnh bởi một số điều, viết hết ra giấy rồi thì những ám ảnh đó cũng tự khắc biến mất.

- Tiểu thuyết "Trang trại" đang được Di Li giới thiệu từng phần trên blog. Bao giờ tác phẩm sẽ được in thành sách?

- Có thể đến hết tháng bảy tôi sẽ hoàn thành Trang trại, với 27 chương, khi in ra được khoảng 600 trang. Trang trại sẽ được in thành sách trong năm nay, nhà xuất bản đã đặt hàng rồi, chỉ chờ tôi viết xong mà thôi.

- Internet, hẹp hơn là blog, có vai trò như thế nào đối với truyện của chị?

- Vai trò lớn nhất là ngay từ khi tôi mới viết được một chương Trang trại thì nhiều người đã hỏi thăm. Chưa in thành sách, nhiều người đã biết đến nó, như vậy là thành công một bước rồi. Chị cũng đã biết đến Trang trại của tôi rồi đúng không nào, làm gì còn kênh nào khác ngoài qua blog nữa (cười).

- Viết báo, giảng dạy, kinh doanh và bước đầu thành công trong cả văn chương, còn điều gì khiến chị chưa hài lòng về cuộc sống?

- Điều duy nhất khiến tôi chưa hài lòng về mình là có đôi lúc tôi tự hài lòng về bản thân. Tôi chưa bao giờ tự cho phép mình điều đó. Tự hài lòng cũng đồng nghĩa với ngăn cản sự tiến bộ của bản thân. Còn trong cuộc sống, tôi mong mình có được nhiều thời gian hơn nữa.

Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đoạt giải đoạt giải ba trong cuộc thi Truyện ngắn Quân đội 2005-2006 với truyện ngắn *****tail. Đã xuất bản hai tập truyện ngắn kinh dị Tầng thứ nhấtĐiệu Valse địa ngục. Chị đang viết tiểu thuyết trinh thám kinh dị Trang trại, dự định in vào cuối năm nay.

Di Li hiện là giảng viên tiếng Anh tại Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật