2 Bộ trưởng cùng ra chợ kiểm tra thực phẩm!

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù chưa phát hiện sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội nhưng vấn đề quản lý và xử lý tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn bất cập.
2 Bộ trưởng cùng ra chợ kiểm tra thực phẩm!
Đoàn công tácdo 2 bộ trưởng dẫn đầu lấy mẫu hàng tại chợ Đồng Xuân để thực hiện kiểm tra nhanh. Ảnh: NGỌC DUNG

Sáng 5-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng dẫn đầu đoàn đi kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ Đồng Xuân - chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội.

Sản phẩm nào cũng an toàn?

Hai bộ trưởng đã đến các khu bán hàng khô, bánh kẹo, hàng tươi sống và phụ gia thực phẩm yêu cầu lấy mẫu tương ớt, bóng bì, màu điều, tôm nõn khô, tôm sú tươi… để kiểm tra nhanh và chuyển mẫu về viện Kiểm nghiệm ATVSTP. Kết quả kiểm tra tại chỗ cho thấy sản phẩm tương ớt và hạt điều âm tính với phẩm màu, bánh đa nem âm tính với hàn the. Theo một số tiểu thương, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến một đoàn kiểm tra có nhiều lãnh đạo.

Tiếp đó, đoàn đã đến cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh giò chả, bánh chưng, thịt bò khô, lạp xưởng, ruốc thịt heo Quốc Hương ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Kiểm tra nhanh các chỉ số hàn the, formol, phẩm màu công nghiệp một số sản phẩm ở đây đều cho kết quả âm tính.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đoàn do bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã kiểm tra công tác ATVSTP tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Tại cơ sở này, đoàn cũng ghi nhận đã tuân thủ tốt các quy định về ATVSTP.


Lãnh đạo hai Bộ Y tế và NN-PTNT kiểm tra hàng hóa tại chợ Đồng Xuân - Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG

Lách luật, “tuồn” gà thải

Chiều cùng ngày, đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác bảo đảm ATVSTP. Mặc dù ngày đầu tiên “ra quân”, đoàn không phát hiện sai phạm về ATVSTP nhưng lãnh đạo cả hai bộ đều quan ngại về tình hình phức tạp trong công tác xử lý sai phạm ATVSTP.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Bộ Y tế là cơ quan thường trực lo khâu quan trọng nhất là chất lượng bữa ăn người dân nhưng từ “trang trại đến bàn ăn” lại là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương.
Do vậy, cần có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa các bộ - ngành và địa phương để làm tốt công tác này”. Mặc dù theo quy định mới, mức xử phạt vi phạm về ATVSTP cao nhất đã lên tới 100 triệu đồng nhưng với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu bia, nước giải khát vì có lợi nhuận cao nên sẽ không đủ sức răn đe.
Một trong những khó khăn trong công tác kiểm tra ATVSTP được bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, đặt ra là tình trạng thương nhân buôn bán gà nhập lậu có nhiều “chiêu” để lách luật nhằm tuồn gà thải loại, gà không đạt chất lượng vào trong nước. Theo quy định, người kinh doanh số lượng nhỏ (dưới 50 con gà) thì không cần giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Do vậy, hầu như những xe tải chở gà lậu đều không đưa hàng vào thẳng TP mà thuê xe ôm chở với số lượng nhỏ. Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sớm có kết luận về gà thải loại để có cơ sở xử phạt.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay sắp tới bộnày sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh cho người dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, người sản xuất, kinh doanh hàng hóa có ý thức bảo đảm ATVSTP.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật