Việt Nam triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối vụ Bình Minh 02

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối về việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02, trong khi các lực lượng chức năng Việt Nam tăng cường biện pháp bảo vệ tàu hoạt động trên biển.
Việt Nam triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối vụ Bình Minh 02
Cáp tàu Bình Minh 02 bị đứt.

Ngay sau khi tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02, bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp cùng các bộ Quốc phòng, Công an để xem xét đánh giá sự việc.

Sáng nay, ông Trịnh Đức Hải. Vụ trưởng, Ban Nghiên cứu chính sách biển, (Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao) cho biết, tàu Bình Minh 02 bị tàu cá Trung Quốc đứt cáp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chủ quyền ở biển Đông như in hình lưỡi bò lên hộ chiếu, tỉnh Hải Nam thông qua điều lệ trị an trên biển có hiệu lực từ năm 2013. “Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối một loạt sự việc trên”, ông Hải cho hay.

Trước đó, vào lúc 4h5 ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 di chuyển ở khu vực ngoài ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để khảo sát địa chấn đã gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trái phép. Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu tàu cá Trung Quốc ra khỏi khu vực của tàu Bình Minh 02, tàu kéo dã cào của Trung Quốc “đã chạy qua phía sau làm đứt cáp thu nổi địa chấn của tàu Bình Minh 02”.

Tại thời điểm tàu Bình Minh 02 bị đứt cáp, "phía Việt Nam không ghi nhận bất kỳ dấu hiệu xuất hiện nào của tàu chấp pháp Trung Quốc tại khu vực xảy ra sự cố", ông Trịnh Đức Hải cho biết thêm.

Sự việc xảy ra trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ của Việt Nam. Đây là lần thứ hai trong 18 tháng qua, Bình Minh 02 gặp sự cố với tàu Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của Báo về các biện pháp bảo vệ tàu khảo sát, thăm dò, khai thác của PVN, ông Trịnh Đức Hải cho biết, thời gian gần đây, hàng loạt tàu cá, cao điểm có ngày lên tới 100 tàu, của Trung Quốc hoạt động trên vùng biển gây cản trở đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Khi bị các lực lượng chức năng của Việt Nam đẩy đuổi, các tàu này đã tổ chức thành hình tròn gồm 15 tàu để tự bảo vệ và cản trở sự truy đuổi của phía Việt Nam.

“Sau việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã có biện pháp thích hợp để tăng cường bảo vệ”, ông Hải nói.

Đây là lần thứ hai tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam gặp sự cố với các tàu Trung Quốc trên Biển Đông. Năm ngoái, ngày 26/5, tàu này đang hoạt động bình thường trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam thì bị ba tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn. Địa điểm xảy ra sự việc cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên 120 hải lý.

Trong thời gian gần đây Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong việc đòi chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp sự vô lý trong tuyên bố của họ cũng như sự phản đối mạnh mẽ của các nước có liên quan.

Từ đầu năm nay, Trung Quốc in bản đồ có yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông, thường được gọi là "đường lưỡi bò" lên mẫu hộ chiếu mới. Yêu sách này đòi chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bị tất cả các nước liên quan phản đối. Việt Nam và các nước như Philippines, Indonesia và Mỹ đã khẳng định không chấp nhận hoặc bày tỏ quan ngại về bản đồ này. Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, việc in hình lưỡi bò phản tác dụng, không có ý nghĩa gì trong việc tranh chấp biển Đông. Mỹ cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ việc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu và khẳng định “sẽ nêu mối quan ngại này với Trung Quốc”.

“Việt Nam không công nhận bất cứ giá trị pháp lý hay ý nghĩa chính trị về Trung Quốc in hình lưỡi bò trên hộ chiếu”, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối việc in bản đồ có "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu. Các cơ quan hữu quan Việt Nam không đóng dấu thị thực hoặc xuất nhập cảnh lên hộ chiếu có bản đồ sai trái này, mà cấp một thị thực rời kẹp trong hộ chiếu, ông Hải thuộc Ủy ban Biên giới cho biết.

Tuần trước, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc công bố một luật lệ mới cho phép các tàu chấp pháp của họ quyền tiếp cận và lục soát các tàu thuyền mà họ cho là vi phạm vùng nước trên Biển Đông. Quy định này được giới phân tích cho là sẽ đổ thêm dầu vào lửa vốn đã căng thẳng ở khu vực này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật