Trình diễn đa thoại lần đầu tại Việt Nam

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lần đầu tiên có một hình thức diễn giải bằng phương pháp sử dụng các hình thức thoại: độc thoại nội tâm của tác giả, đối thoại giữa tác giả với độc giả, bút thoại bằng thư pháp và những ngẫu thoại...
Trình diễn đa thoại lần đầu tại Việt Nam
Rất đông khán giả đến tham gia buổi trình diễn

Tối ngày 18/10 tại viện Goethe Hà Nội đã diễn ra chương trình Trình diễn đa thoại với tiểu thuyết 3.3.3.9 (Những mảnh hồn trần) của nhà văn Đặng Thân. Đến dự chương trình có viện trưởng viện Goethe - bà Almuth Meyer Zollitsch, nhà phê bình Lã Nguyên, nhà văn đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, họa sỹ Đào Hải Phong, nhà thơ Lê Huy Bắc, nhà phê bình Phạm Ngọc Vương.., cùng nhiều nhà phê bình, nghiên cứu, nghệ sĩ, sinh viên cả người Đức và Việt Nam cùng đông đảo báo giới.

Sở dĩ buổi trình diễn đa thoại này có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, nhà phê bình người Đức tham gia bởi bản thân cuốn tiểu thuyết là câu chu‌yện tìn‌h vượt biên giới của một cô gái tên Mộng Hường người Việt và người đàn ông tên Schditt người Đức. Hơn thế nữa, đọc cuốn tiểu thuyết này, Đặng Thân còn thể hiện cho người đọc thấy ông là một người rất am tường về văn hóa Đức, con người nước Đức.

Có thể nói đây là lần đầu tiên có một hình thức diễn giải những điều mình viết ra của tác giả bằng phương pháp sử dụng các hình thức thoại: độc thoại nội tâm của tác giả, đối thoại giữa tác giả với độc giả, bút thoại bằng thư pháp và những ngẫu thoại không đầu không cuối nhưng đưa ra rất nhiều chủ đề, rất nhiều góc cạnh của một vấn đề.

Bà Almuth Meyer Zollitsch - Việt trưởng viện Goethe

Trình diễn đa thoại là một cuộc trình diễn bao gồm ba người. Nhà phê bình Lã Nguyên mở đầu câu chuyện với những nhận định, phân tích về nội dung, nghệ thuật, trường phái của cuốn tiểu thuyết. Trong khi đó, nhân vật thứ hai, nhà thư pháp Trịnh Tuấn bằng những cử chỉ hành động – diễn trò -  dẫn dắt câu chuyện với nhiều hàm ý sâu xa. Nhân vật thứ ba, nhà văn Đặng Thân, độc thoại nội tâm với chính mình, theo kiểu “tôi đã nghĩ những gì khi tôi viết”.

Theo ý kiến phát biểu của nhiều nhà phê bình và những người làm nghệ thuật đến tham dự thì phần “diễn trò” của những chủ tọa không đạt được hiệu quả nhất định cần có của một buổi trình diễn đa thoại, chưa làm thỏ‌a mã‌n được người tham dự. Hình thức đa thoại này khá mới mẻ đối với người Việt Nam, vậy nên, nếu chưa đọc tác phẩm, chưa tìm hiểu về tác phẩm, hoặc chưa có khái niệm, kiến thức về hình thức đa thoại này thì người đến tham dự khó có cái nhìn cụ thể và rõ nét về tất cả những gì chủ tọa đưa ra, bởi vấn đề nhiều khi không được đưa ra một cách trực diện.

Một vài hình ảnh trong buổi trình diễn

Điều đáng nói nhất và khác biệt nhất của buổi trình diễn đa thoại này đối với những buổi giới thiệu sách khác đã từng được tổ chức, đó là trong buổi trình diễn này, người đặt câu hỏi không phải là những người đến tham dự, vì theo cách giải thích của nhà văn Đặng Thân thì “những gì chúng tôi đã trình bày, đã diễn, đã nói thì chúng tôi đều nói hết rồi. Điều chúng tôi muốn là sự phản hồi, ý kiến của các bạn, những người trong vai trò độc giả về những gì mà các bạn đã nghe, đã đọc. Nếu chỉ đọc một tác phẩm qua những bài viết từ báo chí thì bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được tác phẩm đó”.

Quả vậy, ngay trong tiểu thuyết của mình, cuối mỗi chương  nhà văn Đặng Thân đều dành “đất” cho “Lời bàn (phím…) của các Netizen” (Netizen: cư dân mạng). Phần này là những phản hồi của độc giả, những người theo dõi các phần viết của nhà văn Đặng Thân. Đó cũng là những trao đổi, góp ý, những nhận xét thẳng thắn, khen, chê… Vậy là không chờ đến buổi trình diễn đa thoại ngày hôm nay, mà ngay từ khi tác phẩm được thai nghén, đối thoại qua lại giữa nhà văn và người đọc đã diễn ra cùng với những màn độc thoại nội tâm bằng chữ của chính tác giả.

Nhà phê bình Lã Nguyên đã phát biểu: “Tiểu thuyết của Đặng Thân đã tạo ra một khung truyện kể cực kỳ đơn giản để từ đó dựng lên một cấu trúc ngữ nghĩa phức tạp và đa trị. Có thể nói ngoại đề và ý nghĩa liên hội toát lên cặp hình tượng phúng dụ mới thực sự là nội dung cốt yếu của tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]. Cũng theo ông, đây là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam mà các nhân vật đều được nói, bởi “có những giai đoạn văn học, nhân vật trong truyện còn chẳng được ăn chứ huống hồ là được nói”.

Một vài hình ảnh trong buổi trình diễn

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình thì cho rằng tiểu thuyết của Đặng Thân là một cái “siêu thị” bán nhiều loại hàng hóa, ai thích món hàng nào cũng có thể tìm thấy ở trong cái siêu thị này. Giới chuyên môn cho hay, “sau thành công của Mạc Ngôn tại giải Nobel Văn Chương thì chúng ta có quyền hi vọng, với cách viết và sự tìm tòi, thử nghiệm của Đặng Thân, một ngày nào đó, biết đâu có thể đem Nobel Văn Chương về cho Việt Nam.”

Buổi trình diễn đa thoại diễn ra trong hơn hai tiếng rưỡi một phần nào đó đã thành công khi giới thiệu một hình thức mới, một “cuộc chơi văn chương” mới đến với Việt Nam, song, vẫn còn những nhận xét cho rằng, buổi trình diễn chưa đạt đến tầm mà cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đặng Thân đáng lẽ phải có. Nhà văn Đặng Thân còn muốn đem nhiều buổi trình diễn đa thoại như thế này, về những tác phẩm của bản thân ông, cũng như của các nhà văn Việt Nam và thế giới khác nữa đến với công chúng Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật