Ông đồ cuối cùng ở ốc đảo Lý Sơn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hình như vừa cả nể, nên cụ thoáng ngần ngừ xua tay rồi sau đó gật rằng tau chỉ cho mày chừng ba mươi phút thôi nghen, quá bận cháu à, từ việc nhỏ chí việc lớn, không có tau chỉ bảo, sai hết, chiều nay là hành lễ rồi.
Ông đồ cuối cùng ở ốc đảo Lý Sơn
Ông đồ Võ Hiển Đạt
Âm Linh tự, ngày thường theo bà con xứ biển là không khi nào vắng người ra vào, bởi quá nhiều chuyện huyền hoặc quanh nó, đánh động lòng thành cúng bái của người trong và ngoài đảo, mấy bữa nay càng thêm náo nhiệt.

Hành lễ Khao lề tế lính Hoàng Sa, một nghi lễ dân gian đặc sắc tưởng nhớ công lao của những dân binh Lý Sơn - Quảng Ngãi, từ thuở triều Nguyễn đã cưỡi sóng đi ra Hoàng Sa mà giữ gìn bờ cõi, đi mãi không về, để rồi cứ 16/3 âm lịch, tại Âm Linh tự, hương khói lại nghi ngút nhớ người xưa.

Cụ là chủ tế của ban tế tự. Biết là khó kéo cụ ra khỏi núi việc mà anh em bên ngạch văn hoá thông tin trên đảo cứ lắc đầu rằng, gặp ông Võ Hiển Đạt hả, khó lắm, ổng ở trong nớ nhưng bận lút đầu, tôi bèn xúi thêm chị Trung Yên của VTV Đà Nẵng kẹp theo cái máy quay đến năn nỉ.

Rồi chúng tôi cũng yên vị dưới hàng hiên trong căn nhà tuổi thọ có trên 150 năm của cụ ở thôn Tây - An Vĩnh. Nhìn bộ dạng khoan thai, thỉnh thoảng lại bật cao âm sắc sang sảng đúng điệu nhà nho đối đãi với đám người mê chữ đến xin các cụ phóng bút, tôi bật nhớ đến cụ Nguyễn Đình Thảng, nhà Hán học - nhà giáo ưu tú.

“À, ông Thảng cũng là bạn thân của tau. Tội quá, ổng mất năm ngoái rồi, viết chữ đẹp lắm, tụi tau hẹn nhau đi lang thang, đến đâu cho chữ đến đó, kiếm tiền lộ phí mà thôi, ai ngờ…”.

Tuổi tác, cộng với nắng gió của biển, những nếp nhăn lô xô mà tựa như “ngang ngay, sổ thẳng” đổ trên gương mặt sạm đen của ông già khiến tôi cứ tưởng tượng đến những dòng chữ Hán viết theo lối chân miệt mài không nghỉ.

Học chữ Hán từ năm 8 tuổi. Đến lúc lấy vợ năm 24 tuổi, vẫn còn đi học. Hết thầy dạy trên đảo đến thầy trong đất liền. Lớp bạn bè bút lông nghiên mực, quỳ miệt mài trên chiếu cạy cục với chữ thánh hiền xưa, nay thưa vắng dần, kẻ mất, người quên lãng, cộng với cái điều kiện “hành lộ nan” ở đảo, ở xa đất liền đến hơn 30 km, hình như đã đẩy ông đồ đến chỗ cô đơn.

“Ừ, buồn cháu à…”. Giọng cụ chùng quãng khi tôi dở ngón quen thuộc của nghề, rằng có ai theo cụ học chữ không? Học để làm gì? Chẳng làm gì cả. Thời buổi này có quá nhiều điều khiến người ta bận tâm, bọn trẻ nít thì có Internet làm bạn, cần biết gì đến chữ Nho, mà này, chữ này không phải học để mà chơi đâu, biết nó chưa đủ, phải có kiến thức phong phú để mở ngõ vào cái uy nghiêm, lung linh mà tác tuyệt của thánh hiền.

Trên tay cụ là hai cuốn sổ dày cộp giấy học trò đóng thành tập, bìa cứng. Thoáng qua trong tôi rằng cụ hình như đã cố công “bồi trúc” cho chuyện phiên âm dịch nghĩa khi thấy cuốn Kinh Thi, nhưng lại xua đi nhanh khi giọng cụ quá tha thiết.

Tôi góp chuyện là Kinh Thi người ta đã dịch, phiên âm, in thành sách lâu rồi, cụ ngạc nhiên rằng thế à, tau tự dịch đây, hết 1 tháng, quí lắm.

Nhưng phải đến khi cụ đưa ra cuốn thứ hai “Ấu học cố sự tầm nguyên”, kèm theo lời chú: Đây là sách ở bậc cao của nho học, nó có 10 quyển, tau dịch 3 tháng là xong, tử táng, hiếu hỷ, hôn sự…, nguồn gốc có từ đâu, nghĩa ra làm sao, cách thức thế nào, tóm lại là những gì hiện diện, chu chuyển, tương tác của vạn vật, trùm lên vạn vật, được giải thích hết trong này…,

Nhìn cụ say sưa giảng bài “Tô Huệ chức hồi văn” hay là “Phụ truyền cơ hồi văn đồ” theo trên gấm mà dệt hồi văn, tỉ mẩn dịch chép lại hết, lại buông câu sảng khoái rằng hay hơn cả Kim Vân Kiều truyện, tôi mới hiểu hết sự nhiệt thành của ông già.

Kỳ công, chẳng phải để làm chi nghen cháu, tau muốn bọn trẻ, khi tau chết đi, lật sách sẽ biết người xưa đã nói như thế nào, nói đủ, nói kỹ hết mọi chuyện, rằng đừng đi ra ngoài qui pháp, trật cái vận hành của vạn vật, là trùm lên hết là lẽ âm dương tương hợp.

Âm Linh tự trên đảo Lý Sơn
Có lẽ không nhiều nơi được như đảo Lý Sơn, diện tích 10 cây số vuông, dân số 20 ngàn người, mà di tích lịch sử văn hoá đình chùa miếu mạo dày đặc. Xa xưa đã có 2 đình, 4 chùa, 24 lăng miếu, nay con số trên đã trên 40, trong đó 2 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, còn lại là cấp tỉnh, đó là chưa kể nhà cổ gần 20 cái.

Tôi đã vào một vài nơi, thấy câu đối, hoành phi phần lớn được cẩn khảm đá, sành, nhiều nhà cổ chữ được khảm, viết công phu. Cụ cười mà rằng, 3 xã đây, 90 phần trăm lăng miếu nhà cửa, chữ Hán trên một tay tau làm đấy, làm bất vụ lợi, chẳng ai trả, cũng chẳng đòi của ai một hào.

Mấy ông chữ Nho ngày trước chỉ cho chữ thôi, ai đục khảm gì thì mặc, tau đây tự làm hết, trèo lên đắp hình rồng phụng trên đình, chùa, cũng mình tau. Khi qua tuổi 50, tau mới thấm hết cái lý của sách thánh hiền dạy về đạo làm người. Không làm thì chắc chắn sẽ mất hết…

Anh bạn nghiên cứu nhà cổ đi cùng tôi, trên đường về, nhắc đi nhắc lại, người như ông Võ Hiển Đạt là con người văn hoá của xứ Lý Sơn đúng nghĩa của nó.

Sách “Lý Sơn, đảo du lịch lý tưởng” do huyện ấn hành, khái quát lịch sử, địa lý, tiềm năng du lịch của đảo, cụ là một trong mấy người chấp bút. Thông bát mà đạo đức.

Ngày xưa, mỗi tổng mỗi làng thường có một người như thế, giỏi chữ nghĩa để viết văn tế, giấy má kiện cáo, xin xỏ, nhưng để hiểu và thật tâm muốn hiểu trời đất, con người, thì không phải ông thầy nào cũng được trời ban cho phúc phận.

Người xưa chẳng bảo “tri” là “hành” đó sao. Biết mà không làm, sao là thức giả được? Hôm sau, trong lễ khao lề, có một vị cao niên đọc bài chúc văn tế lính Hoàng Sa tha thiết, tôi biết thêm, bài đấy cũng chính tay cụ Đạt soạn.

Cánh nhà báo cứ trầm trồ vật phẩm buổi hành lễ có 5 chiếc thuyền được trang trí quá đẹp. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, PGĐ Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, buông câu ngắn gọn: Mấy chiếc thuyền đẹp ác liệt, không khác chi thuyền ngày xưa, trí nhớ ông già ghê gớm thật!

Cụ Đạt bảo: Đúng 5 ngày, đủ thứ chuyện bù đầu, tau phải thiết trí hết, từ vẽ mẫu, dán giấy, nặn tượng dân binh hải đội, mẫu thuyền rồng đó có trong tài liệu cổ, in trên bản mộc, từ sách của pháp sư xưa, tau vẽ lại.

Sinh năm Quý Dậu, nay đã 76 tuổi, nhìn cụ mài mực rồi phóng bút, ngón tay run run, ập đến trong tôi như cảm giác nghiên mực đã mòn và sắp cạn qua năm tháng.

Ngọn bút đã về chiều. Nói như cụ, trí nhớ tau đã giảm, chỉ còn 30-40 phần thôi. Cả bọn xúm lại xin chữ. Tôi nghe cô bạn ở Đài truyền hình Quảng Ngãi, khẩn khoản : Ông ơi, đời ông thích chữ gì nhất, ông cho cháu xin được không. Cháu ơi, có chữ gì qua được chữ Đức!...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật