Rút ngắn năm học hay cân đối lại các môn?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều ý kiến đã được gửi đến, trong đó hầu hết cho rằng, chương trình học hiện nay có quá nhiều môn không gắn với thực tiễn.
Rút ngắn năm học hay cân đối lại các môn?
Thí sinh tham gia kỳ thi đại học 2012. Ảnh Lê Hiếu.

Gần đây, những đề xuất về đổi mới giáo dục được dư luận quan tâm rộng rãi. Nhiều hội thảo, hội nghị của các trường đại học, các tổ chức giáo dục đã diễn ra với những ý kiến đóng góp của các bậc tri thức tâm huyết với ngành giáo dục. Trong các vấn đề đổi mới, điều được đề cập đến nhiều nhất vẫn là có nên rút ngắn số năm học, thay đổi sách giáo khoa và phương pháp đào tạo, nâng cao trình độ - chất lượng và đời sống của giáo viên.

Mới đây, tại hội thảo về Hướng tới một nền giáo dục thật sự đổi mới diễn ra tại Hà Nội, các giáo sư, hiệu trưởng đã đã đưa ra ý kiến là rút ngắn thời gian học THPT thành 9 năm, sau đó có 2 năm để học sinh chọn nghề học học lên. Quan điểm này đã nhận được khá nhiều ý kiến của dư luận, từ các thầy giáo, bậc phụ huynh cho tới các em học sinh, và dưới đây là một số góp ý về vấn đề trên:

Xã hội đổi mới không ngừng, tại sao bài học vẫn cũ?

Có lẽ đó là câu hỏi chung của hầu hết những ai quan tâm tới giáo dục. Trong những năm qua, các trường học, thầy cô giáo cũng đã có những biện pháp thay đổi để các giờ học thú vị hơn, tuy nhiên, chỉ mang tính nhỏ lẻ và chưa có hệ thống, và hầu hết, học sinh vẫn học lại những kiến thức của hàng chục năm trước, như ý kiến của anh Nguyễn Thái Học (email Hocthai....@gmail.com):

"Đất nước ta cần phải đổi mới một cách mạnh mẽ, phải có tính đột phá thì mới giúp cho nền giáo dục nước nhà phát triền lên được.

Bao nhiêu năm qua, người dân đi học thì cũng học đi học lại những kiến thức của mấy chục năm trước, mặc dù còn có những bài học giá trị nhưng như vậy cũng quá nặng nề. Hầu hết những kiến thức được học góp phần xây dựng nhân cách con người đáng kể nhưng không thể đáp ứng được quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa mà Đảng, Nhà nước ta đề ra mấy năm về trước.

Có sự thiên lệch nhiều về việc học và công việc thực tế. Xã hội ngày càng phát triển, thế giới đổi mới không ngừng thì mô hình giáo dục của ta cũng nên thay đổi cho phù hợp. Huống hồ, một công ty, xí nghiệp hay bất cứ hình thức kinh doanh, văn học nào của thế giới cũng đều đòi hỏi sự khác biệt, sự vươn lên, sáng tạo không ngừng, lẽ chi giáo dục là quốc sách hàng đầu mà không thể đi đầu được sao?

Tôi cũng xin đồng tình về phương án của Giáo sư Hoàng Tụy. Không phải vì chúng ta vội vàng mà chúng ta phải làm gấp nữa là khác, nếu chúng ta cứ khư khư, ngồi bàn luận, phỏng đoán, do dự không quyết tâm thì biết đến bao giờ mới mang lại một xã hội tiên tiến.

Hơn nữa, những đất nước tư bản như Mỹ, Anh, Canada....nền giáo dục của họ rất phát triển, chúng ta có thể học hỏi một phần nào đó áp dụng vào đất nước mình cho phù hợp với xu hướng thế giới...

Bây giờ, ra đi làm ở ngoài hầu hết các công ty, ngân hàng đều đòi hỏi khả năng thực tiễn, thì như vậy những kiến thức nơi ghế nhà trường chúng tôi phải làm thế nào để phát huy ý nghĩa của nó đây? Bao năm trời học tập mà hóa ra khi đi làm thì không cần dùng đến. Tôi cũng thấy tiếc, thấy thật phí công phí của phí thời gian rất nhiều".

Cần cân đối các môn học để thiết thực hơn

Bạn Hô Hoàng Trọng Thiên (ở địa chỉ email haikhoa...@yahoo.com) cho biết: "Em đang là học sinh lớp 9 Trường THCS Tam Quan. Là một hoc sinh em thấy nền giáo dục Việt Nam hiện giờ vô cùng bế tắc. Ở trường phải học 13 môn, rồi học thêm ở nhà, phụ đạo trên trường kín lịch cả tuần. Tuy vậy những kiến thức học được lại không được áp dụng, có thể xem như là học cho biết rồi làm bài kiểm tra sau đó là quên. Học như đối phó. Nếu đã học thì phải đi đôi với hành đằng này thì lại không được thực hành. Kiểm tra 15, 45 phút thì chả được gì, như Nhật Bản, Singapore, tại sao chúng ta không thuyết trình để mạnh dạn hơn. Về Việt Nam giáo dục cần cải tổ lại sách tiếng Anh, bỏ bớt một số môn, thay vào đó áp dụng kiến tức cần học vào đời sống nhiều hơn. Thi Tôt Nghiệp lớp 10 thì nên xét học bạ".

Đồng quan điểm của em học sinh trên, bạn Phạm Đình Chính (email nh_want...yahoo.com) cho rằng: "5 năm tiểu học, 4 năm trung học theo em thì thế này thì nó quá gọn gàng, nên chia ra thành 3 cấp, như cấp 1 thì 4 năm, cấp 2 là 3 năm cấp 3 là 2 năm thì có lẽ nó sẽ tốt hơn".

Đình Chính cũng đưa ra ví dụ rất thực tế: "Em thấy chỉ có các chương trình lớp 1 đến 5 là đúng với thực tế nhất và ít ra 6 cũng tạm như thế. Còn từ 7 đến 12 toàn trên trời dưới đất, đặc biệt là Toán 11 với bài hàm số lượng giác và hình học không gian, học xong rồi thì cũng cho biết, và em nghĩ chắc có lẽ cũng vì cái đó mà học sinh nản học và nghỉ nhiều.

Nên bỏ môn Sinh và thay bằng môn Giáo dục giới tính từ lúc nhỏ, từ những cái cơ bản nhất đến những cái cao nhất, rồi nếu thấy sai thì cứ nhìn vào thực tế rồi sẽ thấy, muốn biết về mấy cái đó chủ yếu là trên mạng, qua phim xxx...".

Bạn Nguyễn Cát Tường (email Ghowolf...@yahoo.com) cho rằng: "Theo em, cho học sinh học hết 9 năm thì tự chọn nghề hoặc cho thử sức về công việc trên mô hình vi tính để các em có thể lựa chọn học tiếp hay học nghề. Còn nếu học tiếp như truyền thống thì năm thứ 10 cho học sinh chọn môn có liên quan tới việc làm, nếu không biết có thể tra khảo trên mạng hoặc sách vở và giúp học sinh hiểu nhiều hơn là được giảng dạy theo phương pháp căng thẳng".

Giáo dục về đạo đức: Đó là điều cần thay đổi trước hết

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng rút ngắn nhiều năm học như vậy là đáng lo ngại, bởi khi hết lớp 9, học trò mới chỉ 14, 15 tuổi - quá sớm và non nớt để vào đời.

Chị Phạm Ngọc Đoan Trang (email Doantrang.....@gmail.com) góp ý: "Theo tôi thấy rút gọn xuống còn 9 năm là quá nhiều, vì giới trẻ hiện nay ở giảng đường đại học chưa chắc đã có ý thức, nhiều khi ăn uống trong lớp còn vứt rác bừa bãi. Và điều nữa là cần cho các em tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử nước ta, giới trẻ bây giờ sợ hiểu nhiều về lịch sử nước khác nhiều hơn trong nước. Theo tôi thấy thì nên cân đối lại các môn học chứ không nên rút ngắn thời gian học.

Anh Hoàng Việt (email Hoang...@yahoo.com) cũng đồng quan điểm trên: "Trên thế giới rất ít quốc gia rút ngắn chương trình ở bậc tiểu học và trung học từ 9 hay 10 năm. Những nước phát triển nhanh và mạnh như Mỹ, Pháp thì chương trình học vẫn 12 năm. Vì sau 12 năm học ở hai cấp học sinh mới trưởng thành và nhận thức được trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, chịu trách nhiệm với Pháp Luật. Ở nước ta tuổi thiếu niên hiện tại đang phát triển về tội phạm ở nhiều mặt, vậy trước tiên nên tìm cách giáo giục các em học về cách làm người, về đạo đức xử thế, đó là điều nên thay đổi trước nhất là giáo dục của Việt Nam.

Tuổi thơ bị đánh cắp

"Em chính là một học sinh phổ thông, hiện nay em đang học lớp 10. Và em có những ý kiến đóng góp về nền giáo dục hiện nay. Theo những gì em đã đọc "Đề xuất rút gọn bậc phổ thông còn 9 năm " thì như em thấy bộ giáo dục nên đưa thực hành nhiều hơn là học. Vì hầu như các bạn học sinh thực hành sẽ có những sáng kiến ra rất hay, còn học nhiều nhưng áp dụng ra thực tế thì rất ít.

Và em thấy hầu như các trường phổ thông ở thành phố muốn đua để lấy trường điểm, phải bắt chúng em học ở trường rồi học ở nhà. Học mà ko biết giờ ăn, giờ chơi. Thế không phải đánh cắp tuổi thơ của chúng em sao! Hiện tại, học phí cao mà chương trình dạy thì em không thấy liên quan gì với đời sống thực tại. Nên hầu hết bỏ học nhiều hơn là đi học..... ". (Nguyễn Văn Phước).

Đừng biến học sinh thành những con robot

"Theo như tôi thấy thì lượng kiến thức học rất là nhiều và hầu hết thì đều học xong đều không có áp dụng gì mấy bởi vì đem những công thức hóa học, công thức điện, phương trình điện li, quang học... Nói gì đi nữa thì học vậy chỉ là hình thức mà thôi! Học rất nhiều nhưng đa phần các bạn trẻ ra trường đều vứt đi cả vì cảm thấy không áp dụng được cái gì cả, nếu theo con đường chuyên ngành về mấy môn đó thì dĩ nhiên là sẽ không bao giờ bị thừa. Nhưng nhỡ các bạn khác đi theo con đường, chuyên ngành khác thì sao? Chả khác gì phí cả hàng đống thời gian mấy năm học cuối cùng lại cũng chỉ vứt sang bên? Bộ Giáo dục nên cắt hết những lượng kiến thức thừa thãi, không cần thiết, đừng có tạo ra một lượng kiến thức khổng lồ rồi cuối cùng tạo ra những con robot học thuộc làu làu những mớ kiến thức khô khan.
(Đ.Nhân).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật