Chủ đầu tư “chèn ép” khách hàng

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khách hàng mua căn hộ tại các dự án Petroland, Văn Phú Victoria, Lilama Landmark Tower… đang “ngồi trên đống lửa” trước những chèn ép về giá dịch vụ và yêu cầu đóng tiền trước thời hạn của chủ đầu tư.
Chủ đầu tư “chèn ép” khách hàng
Dự án căn hộ chung cư Petroland (Ảnh ĐTCK)

Petroland khất lần trả lại tiền mua căn hộ

Hẹn thanh toán giá trị hợp đồng thanh lý căn hộ cho 11 khách hàng vào ngày 30/8, nhưng đến hẹn, Petroland chỉ thanh toán được 25% giá trị số tiền.

Những khách hàng mua 11 căn hộ thuộc Dự án căn hộ chung cư Petroland quận 2 và chủ đầu tư là CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (Petroland - PTL) đã ký hợp đồng thanh lý hợp đồng mua căn hộ dự án chung cư này vào ngày 1/8/2012.

Việc thanh lý hợp đồng theo đúng các điều khoản quy định của hợp đồng mua bán căn hộ, tức là nếu chủ đầu tư giao nhà chậm tương ứng 12 tháng thì bắt buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền khách hàng đã đóng khi khách hàng thanh lý hợp đồng, với điều kiện các khách hàng đóng tiền theo đúng tiến độ mà PTL yêu cầu.

Theo Điều 2 của hợp đồng thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ đã ký giữa khách hàng và chủ đầu tư thì PTL phải hoàn trả toàn bộ tiền mua căn hộ mà khách hàng đã đóng trong vòng 15 ngày kể từ ngày hai bên ký hợp đồng thanh lý, tức ngày 15/8/2012.

Tính trung bình, mỗi khách hàng sẽ nhận lại khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 13/8/2012, PTL đã có văn bản cáo lỗi gửi khách hàng vì không thể hoàn trả đúng thời hạn và xin gia hạn thời hạn trả nợ vào ngày 30/8/2012. Đến thời hạn này, PTL vẫn khất lần. Sau đó khách hàng lại được PTL hứa sẽ mời khách hàng lên làm việc vào ngày 3/9.

Tuy nhiên, đến ngày 3/9, các khách hàng vẫn chưa được thanh toán nợ thêm một đồng nào và PTL hẹn khách hàng lên làm việc vào ngày 4/9.

Ông Bùi Minh Chính, Tổng giám đốc PTL, giải thích về việc chậm trễ thanh toán tiền cho khách hàng là do trùng với ngày nghỉ lễ Quốc khánh, ngày 5/9, ngân hàng mới giải ngân tiền vay cho Công ty và chúng tôi sẽ hoàn trả cho khách hàng. Thời điểm này, các công ty bất động sản đều khó khăn, rất cần sự cảm thông của khách hàng.

Dự án Lilama: Tăng diện tích rồi 'ép' khách nộp tiền


Mấy tháng nay, khách hàng mua nhà tại dự án 52 Lĩnh Nam của chủ đầu tư Công ty Lilama Hà Nội đang kêu trời vì chủ đầu tư tự ý tăng diện tích từ 5m2 đến 34m2 và yêu cầu khách hàng đóng cả tiền phần tăng diện tích.
Điều khách hàng lạ hơn là phần tiền diện tích tăng được ghép vào với số tiền đóng theo tiến độ của hợp đồng mua nhà được ghi “số tiền nợ đợt cũ”, kèm theo lời cảnh báo của chủ đầu tư: “Đối với quý khách hàng chậm nộp tiền, xin hãy lưu ý các điều khoản lãi chậm trả, điều khoản phạt của hợp đồng và thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký”.

Các khách hàng phản đối chủ đầu tư Lilama (Ảnh GDVN)

Bà Quang - là khách hàng mua nhà tại 52 Lĩnh Nam cũng quá bức xúc với thông báo nộp tiền nhà khi căn hộ của bà bất ngờ được chủ đầu tư tăng thêm 34m2 so với diện tích ban đầu. Theo hợp đồng mua bán căn hộ ban đầu chỉ có 81m2 nhưng gần đến ngày bàn giao bà nhận được thông báo căn hộ đội lên 115m2. Với diện tích như trên, khách hàng phải nộp thêm hơn 500 triệu đồng. Bà Quang tỏ ra lúng túng chưa biết sử dụng phần diện tích dư thừa này còn chưa biết thế nào vì thiết kế tăng diện tích không thích hợp cho nội thất căn hộ.

Trong văn bản gửi các khách hàng của Lilama Hà Nội, đại diện công ty này giải thích: “Về việc tăng diện tích rất mong các khách hàng hiểu và thông cảm cho chủ đầu tư. Để đảm bảo hiệu quả của dự án, trên cơ sở tham khảo ý kiến của khách hàng và được đa số khách hàng ủng hộ, Công ty đã xin phép cơ quan quản lý nhà nước và được phép điều chỉnh lại thiết kế tòa nhà và diện tích các căn hộ”.

Khách có thể lấy lại tiền mua nhà Văn Phú Victoria?

Đã có thêm hàng loạt khách hàng mua nhà tại tòa CT9 của Dự án nhà Văn Phú Victoria (Hà Đông, Hà Nội) phải lên tiếng phản đối trước việc nhà đầu tư thông báo thu tiền đợt 3, với tổng số tiền phải nộp hơn 90% giá trị hợp đồng trái Luật Nhà ở, trong khi dự án vẫn chưa xây xong phần thô, chưa biết bao giờ được nhận nhà.

Điều này trái với Luật Nhà ở năm 2005, khi dự án đang thi công Luật chỉ cho phép chủ đầu tư huy động vốn không quá 70% giá trị hợp đồng, 30% còn lại sẽ thu khi bàn giao nhà.

Nhà CT9 thuộc Dự án Văn Phú Victoria mới chỉ đổ sàn tới tầng 29 trong khi theo thiết kế có 39 tầng, nhưng chủ đầu tư đã yêu cầu khách hàng nộp tiền đợt 3, với tổng số tiền hơn 90% giá trị hợp đồng.

Việc đóng tiền theo số tầng được khách hàng hiểu đi liền với việc hoàn thiện các tầng đã xong phần thô. Tuy nhiên trên thực tế, chủ dự án chỉ chú trọng việc “chồng tầng” cho đủ chiều cao để thu tiền mà chưa đặt một viên gạch xây thô, đã khiến khách hàng vô cùng lo lắng.

Dự án Văn Phú Victoria (Ảnh Vland)

Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hòa Lợi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, với việc chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp yêu cầu khách hàng nộp tiền đợt 3, với tổng số các lần nộp tiền lên hơn 90% giá trị hợp đồng là trái với Luật Nhà ở 2005 và các quy định kinh doanh bất động sản.

Nếu có khiếu kiện ra tòa, tòa có thể tuyên hủy một phần hợp đồng, đặc biệt là những điều khoản quy định trong hợp đồng trái với quy định Luật, như hủy điều khoản quy định lần nộp tiền đợt 3 với tổng mức nộp vượt quá 70% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, theo Luật sư Lợi, khách hàng cần cân nhắc nếu đứng đơn kiện ra tòa, vì nếu tòa tuyên hủy toàn bộ hợp đồng, chủ đầu tư chỉ trả lại tiền đã nộp, mà giá nhà có thể cao hơn giá trị tiền huy động ban đầu, đã cách đây vài năm.

Landmark Tower tiếp tục bị phàn nàn vì "ép" khách đóng phí dịch vụ

Phản ánh đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, khách hàng Nguyến Thế Tân cho biết, anh cũng mua căn hộ tại FLC Landmark Tower và hiện đã nhận được thư mời giao nhà của chủ đầu tư.

“Khi đến nhận nhà, tôi rất bất ngờ vì hệ thống điện vẫn chưa lắp xong. Ban quản lý giải thích là do nhà tôi có nhu cầu sửa nên không đi dây điện, nhưng tôi biết gần như ai về đây để ở cũng phải sửa lại do chủ đầu tư thiết kế nhà quá xấu, nhưng các hộ khác thì đi hết dây điện, hệ thống chiếu sáng, còn gia đình tôi 100% chưa đi dây", anh Tân cho biết.

Được biết, anh Tân đã nộp 100% giá trị hợp đồng và anh còn đặt cọc 10 triệu để sửa chữa. Đến nay, những hạng mục anh Tân tự sửa chữa vẫn chưa đâu vào đâu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các căn hộ trên khu A và khu B của tòa nhà vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Một số căn hộ khách nhận bàn giao từ tháng 3 đã hoàn thiện và có người về ở.



Tuy nhiên, trái ngược với phản ánh của anh Tân, ông Doãn Văn Phương – TGĐ FLC Group khẳng định không có chuyện điện nước chưa đi xong. Hầu hết các căn hộ đều đã được hoàn thiện đường điện nước, các hệ thống kỹ thuật để khách đến còn sửa chữa, thiết kế nội thất theo phong thủy. Phía đường vào căn hộ còn ngổn ngang vì xe tải chở hàng còn ra vào thường xuyên. Ông Phương cho biết sẽ hoàn thiện khi các hộ dân về ở, việc sửa chữa đã xong.

Trong khi đó, theo điều 17 khoản 2 quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng chỉ rõ việc thu phí vận hành nhà chung cư phải theo quy định của UBND cấp tỉnh, địa phương và việc thu phí mỗi tháng một lần đối với từng chủ hộ. Tuy nhiên, nhiều khách hàng tỏ ra khá bất ngờ trước thông báo thu phí vận hành tòa nhà trong 16 tháng/lần với mức phí 7.000 đồng/m2/tháng.

Thông báo này khiến gia đình anh Chiến Thắng, khách hàng mua nhà tại FLC lo lắng. Trong khi việc thu phí phải được 50% số hộ đồng ý nhưng Landmark Tower vẫn chưa có cư dân về ở. "Việc thu phí này chẳng khác nào FLC đang ép khách hàng của mình", anh Thắng nói.

Xem xét dừng 'hoạt động thí điểm' Tập đoàn HUD, Sông Đà


Kết thúc thanh tra việc chấp hành các quy định của Pháp Luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà, thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm với số tiền phải xử lý lên tới hơn 10.676 tỉ đồng.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/9.

Kết thúc thanh tra việc chấp hành các quy định của Pháp Luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà, thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm với số tiền phải xử lý lên tới hơn 10.676 tỉ đồng.

Trước đó, trả lời câu hỏi của báo giới về đề xuất dừng thí điểm hoạt động của hai tập đoàn kinh tế trực thuộc Bộ Xây dựng này là Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD Group) và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (SongDa Holdings), người phát ngôn Chính phủ cho hay, vấn đề này vẫn đang được Chính phủ cân nhắc, xem xét nên chưa được Chính phủ đưa ra thảo luận trong phiên họp tháng 8.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, hiện Chính phủ đã và đang dành rất nhiều thời gian xem xét lại việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trong đó trọng tâm là sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Nhiều dấu hiệu tham nhũng đất đai ở Phú Quốc

Trong vụ án “tham nhũng đất đai trên đảo Phú Quốc” năm 2005, có gần 400.000m2 đất công bị chia chác, trong đó chủ yếu là đất rừng và đất quốc phòng.

Cơ quan chức năng thời điểm đó đã đề nghị thu hồi toàn bộ đất đai liên quan sai phạm. Chưa có số liệu thống kê thu hồi được bao nhiêu, nhưng tình trạng tái chiếm đất trong vụ án đang diễn ra.
Tại khu vực đồi Ra Đa nằm gần khách sạn bốn sao Sài Gòn - Phú Quốc, đất quốc phòng chia thành 63 lô cho cán bộ huyện và người nhà của họ.

Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Kiên Giang tại một khu đất bị xẻ thịt ở xã Cửa Cạn cuối tháng 8-2012 (Ảnh TP)

Đất này đã có quyết định thu hồi từ nhiều năm qua nhưng hiện đã bị tái lấn chiếm hoàn toàn, nhiều nhà kiên cố đang mọc lên công khai.

Ngay lối rẽ vào dãy nhà có tên đường Trần Văn Ứng khắc trên một khối đá lớn. Đối diện là dãy nhà bán kiên cố chạy dài, theo phản ánh của người dân, đó là nhà của con một quan chức huyện Phú Quốc. Nhiều ngôi nhà khác của quan chức và cựu quan chức huyện đảo này đã được xây dựng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật