Tình yêu của hai nhà vô địch xe lăn Việt Nam

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Họ đến từ hai phương trời xa lạ, gặp gỡ nhau trên đường đua với nghị lực sống phi thường để rồi tìm thấy sự sẻ chia và yêu thương nhau. Một mái ấm với hạnh phúc tròn đầy, được anh và chị gây dựng trên những đôi chân tật nguyền như thế.
Tình yêu của hai nhà vô địch xe lăn Việt Nam
Bạch Quang Thái cùng 2 con

Hai mảnh đời một số phận

Anh là Bạch Quang Thái, một chàng trai Hà thành kém may mắn. Tuy sinh năm 1981 nhưng thoạt nhìn anh trẻ hơn tuổi của mình khá nhiều. Anh có vóc dáng thư sinh, khuôn mặt bảnh trai, đôi mắt sáng, vầng trán cao và nụ cười sảng khoái; nếu không bị cơn sốt ác tính cướp đi đôi chân lành lặn của mình thì hẳn anh đã là một sản phẩm hoàn hảo của tạo hóa.

Là đứa con duy nhất của mẹ, nên bao nhiêu yêu thương mẹ chắt chiu dành hết cho anh. Để anh có thể nhận biết mặt chữ như  bao bạn đồng trang lứa khác, mẹ xin cho anh đi học và ngày ngày cõng anh đến lớp.

Lương công nhân ngày ấy chẳng đủ ăn, nhiều khi anh chứng kiến mẹ phải chạy vạy nhiều nơi, thậm chí làm trăm công nghìn việc như con thiêu thân để cóp nhặt từng đồng chăm chút cho anh.

Anh bảo mẹ cho anh tới trường chỉ mong con mình tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, nên ngay cả khi anh là học sinh giỏi, mẹ vẫn không tin vào mắt mình. Cứ như vậy, anh tốt nghiệp các cấp học phổ thông, rồi đại học với tấm bằng cử nhân Kinh tế của đại học Phương Đông.

Không khởi nghiệp với tấm bằng Cử nhân trong tay, Thái chọn cho mình một con đường khác để giải phóng tuổi thanh xuân. Anh bỏ ra bảy năm ròng (1997-2005) để tham gia tập luyện thể dục thể thao dành cho người khuyết tật với khát vọng chinh phục loại hình thể thao này ở cả trong nước và quốc tế.

Và giấc mơ nhiệm màu, anh trở thành nhà Vô địch xe lăn Việt Nam với hàng chục tấm huy chương vàng trong các kỳ Para-game, đặc biệt tại ASEAN Para Games lần thứ nhất tại Malaysia 2001, anh mang tấm Huy chương Đồng về cho Việt Nam.

Anh bị chấn thương chân trong hai mùa liên tiếp 2004, 2005 nên đành giải nghệ khi tài năng đang ở đỉnh cao.

Còn chị tên là Dương Hồng Nhung, người con gái đất Cảng ưa nhìn như chính cái tên cha mẹ đã đặt cho. Chị cũng bằng tuổi anh, anh bị liệt chân phải, còn chị thì lại bị ở chân trái. Gia đình chị tuy nghèo, song vẫn cố hết sức chạy chữa cho chị nhưng đành bó tay.

Trong cuốn Nhật ký đẫm nước mắt của mình, chị đã kể lại tuổi thơ dữ dội nhiều cay đắng với nỗi tuyệt vọng. Chị không lạc quan được như anh, và chị đã khóa chặt tâm hồn mình lại vì sợ sự hiếu kỳ, thương hại của mọi người. Mãi đến khi đã là một nữ sinh của trường Đại học Văn Hóa chị mới thay đổi suy nghĩ và kết giao với bạn bè mới.

Năm 2001, những mùa đầu tiên của trò chơi truyền hình mang tên “Chiếc nón kỳ diệu” vẫn còn hút khách nên ai cũng hào hứng xem, chị cũng thế. Trong một lần phát sóng không biết vô tình hay hữu ý, lần đầu tiên chị biết tới chàng trai có hoàn cảnh giống mình mang tên Bạch Quang Thái.

Ngày ấy, anh còn là chủ nhiệm CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội. Cả chương trình, dù trả lời đúng hay sai chị thấy người thanh niên ấy đều cười tếu táo và rất lém lỉnh khiến ai cũng phải cười theo. Sức hút của anh không chỉ có trong mỗi chương trình ấy, mà anh đã “hút” cả chị, khiến cho chị phải quyết tâm: “Nhất định sẽ tìm và gặp anh vào một ngày gần nhất”.

Tình yêu nảy nở trên đường đua xe lăn

Bẵng đi 2 năm, chị vẫn chưa thực hiện được ý tưởng của mình vì không biết làm sao để gặp gỡ được với anh. Mãi tới năm 2003, trong một chương trình liên hoan của hội Sinh viên khuyết tật Hà Nội, chị được bạn bè “mách” là anh sẽ tham gia, đấy là lần đầu tiên trong cuộc đời họ gặp nhau.

Hai người với hai tính cách đối lập, một bên xởi lởi còn một bên thì dè dặt, cẩn trọng. Được người bạn tác động, anh chủ động tới rủ chị tham gia các hoạt động của CLB, của đoàn TDTT dành cho người khuyết tật HN.

Chị không tin mình có thể làm được như anh nói, mãi tới khi anh phải quả quyết rằng: “với kinh nghiệm luyện tập của mình, anh tin em có thể giành chiến thắng” thì chị mới đồng ý đi tập.

Trên đường đua đổ lửa ấy, ngày ngày anh ân cần chỉ bảo cho chị các thao tác cơ bản, cách luyện tập sao cho hiệu quả nhất. Nhờ vậy mà chị rút ngắn được quá trình học và tiến bộ rõ rệt.

Anh bảo, có những khi chị bị ngã hoặc chân kẹp xe đau nhức, anh lại ân cần dỗ dành, nhẹ nhàng xoa bóp chân giúp chị lưu thông máu. Chị dần dần thay đổi tính cách, khuôn mặt rầu rĩ mọi ngày được thay bằng sự lém lỉnh, nụ cười tươi tắn với chiếc má lúm đồng tiền được đánh thức trở lại.

Anh bảo với tôi rằng: “Anh mất 8 năm mới thực hiện được giấc mơ của mình trong lĩnh vực thể thao, là vươn ra tầm thế giới. Còn Nhung lại tiềm ẩn khả năng khó ai sánh kịp, trong thời gian nước rút đã được gọi vào Tp.HCM tranh giải và đạt HCV đầu tiên.

Thế là năm 2004, Nhung trở thành “quân Át chủ” của Đoàn Thể thao Việt Nam ở nội dung đua xe lăn tham dự Paragame 3”.

Khi Nhung được gọi vào Tp.HCM để luyện tập, anh đang bị chấn thương chân, đi lại hết sức khó khăn nhưng vẫn nhớ đến lời hứa “sẽ có một ngày đưa Nhung trở lại Sài Gòn chơi”, vả lại, nếu không có anh - người thầy ân nghĩa, nhà Vô địch xe lăn - tận tình hướng dẫn thì chị sẽ khó để luyện tập đạt kết quả tốt nhất. Để lại Hà Nội cái nhìn ái ngại của mọi người, anh ngồi trên chiếc xe lăn đồng hành cùng chị vừa để thực hiện lời hứa, vừa động viên tinh thần, vừa để chị không xao nhãng việc luyện tập.

Tháng 12/2005, Paragame 3 diễn ra tại Philippines, trong cự ly 100m đua xe lăn, chỉ tiêu của chị được giao là đạt Huy chương Bạc cho đoàn. Qua khỏi vạch xuất phát, chị bị hai VĐV Thái Lan và Malaysia vượt nửa thân xe.

Lúc đó chị nhìn lên khán đài, thấy cờ Tổ quốc, thấy cả sự kỳ vọng mà những người thân yêu gửi gắm nơi chị... nên tung cú rút để cuối cùng đoạt Huy chương vàng (HCV). Chị đã khóc ngất vì hạnh phúc, và người thầy của chị cũng khóc vì không giấu nổi niềm tự hào về cô học trò đặc biệt của mình.

Hai năm luyện tập, nhiều khi cùng nhau đổ máu, cùng chung cả nụ cười và nước mắt để đi đến bục vinh quang khiến hai con người xa lạ ấy trở nên gắn bó, thấu hiểu và trở thành một phần của nhau.

Đám cưới của hai nhà Vô địch xe lăn Việt Nam được tổ chức không lâu sau đó trong niềm hân hoan của gia đình, bạn bè. Tình yêu ấy đơm hoa kết trái bằng hai đứa con, một trai một gái đẹp như thơ, ngoan ngoãn và thông minh.

Lập trình lại số phận

Bạch Quang Thái còn được biết đến là một chuyên gia máy tính, một lập trình viên Quốc tế sau khi tham gia dự án đào tạo cho người khuyết tật của chính phủ Mỹ tài trợ. Với tinh thần ham học hỏi, hăng say khám phá thế giới công nghệ, anh luôn đứng ở vị trí top đầu trong khóa đào tạo.

Tự tin với những tri thức mình có được, anh mạnh dạn thi tuyển vào trường Quốc tế Liên Hợp Quốc với chức danh chuyên viên kỹ thuật, quản trị mạng… với mức lương gần 15 triệu đồng/tháng.

Anh muốn lập trình lại cuộc sống hiện tại của mình và tương lai cho gia đình, đặc biệt là hai con. Anh chị chịu khổ đã nhiều, nên không muốn hai con phải thêm phần vất vả, tự ti như bố mẹ.

Dù kiêm nhiệm nhiều công việc một lúc, nhưng anh thấy chưa có công việc nào vắt kiệt sức lao động của mình, nên anh đành xin nghỉ làm bên bệnh viện Việt – Pháp, để thực hiện dự định mới của mình: mở công ty riêng.

Trước kia cũng có nhiều nhà đầu tư tìm đến với anh, họ có nhã ý hợp tác để thành lập công ty cho anh đóng cổ phần, nhưng vì kinh nghiệm chưa đủ chín lại thêm không có vốn nên anh đành phải khước từ. Sau nhiều năm bôn ba làm đủ thứ việc để tích lũy cả vốn liếng và kinh nghiệm, anh nghĩ đã tới lúc mở công ty của chính mình.

Công ty Thiết kế và Kỹ thuật Thái Dương là bước đầu tiên trong kế hoạch lập trình lại một phần cuộc đời của chính anh. Kí ức của một cậu bé vừa nghèo, vừa khuyết tật thuở trước đến lớp với những đồng tiền hiếm hoi, nhầu nhĩ của mẹ, và tương lai của hai đứa con là động lực thôi thúc anh không ngừng vươn lên.

Còn chị cũng gác lại con đường thể thao để dành thời gian chăm sóc gia đình, chồng con, hiện chị đang là một trong những cây viết “đinh” của tạp chí Người Bảo trợ.

Đồng nghiệp rất nể phục chị, không phải vì chị là một nhà báo đặc biệt, sẵn sàng đi tới những nơi xa xôi để thực hiện đề tài, mà còn vì ngòi bút đầy sinh lực, xúc cảm của chị. Bên cạnh chị bao giờ cũng có anh, sẵn sàng sẻ chia gánh nặng, động viên kịp thời để chị an tâm công tác.

Nhiều khi anh nhìn chị băn khoăn: “sao em lại chọn anh khi có nhiều người tốt hơn anh tới với em?”, chị cười thật tươi thay cho câu trả lời.

Phía trước vẫn còn rất nhiều điều thử thách nghị lực sống của hai nhà Vô địch, nhưng họ sẽ vượt qua tất cả để chinh phục đỉnh cao mới, bởi niềm tin nơi họ chưa bao giờ vơi cạn. Với họ, cuộc sống cũng như một đường đua đầy nghiệt ngã, có bản lĩnh nhất định sẽ thành công.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật