80% nhân lực du lịch chưa qua đào tạo chuyên ngành

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sinh viên ngành du lịch chỉ muốn làm ngay công việc quản lý trong khi kỹ năng chưa thành thạo; thuê nhân viên khách sạn đã nghỉ việc và copy giáo trình để dạy học... Những yếu tố đó đã tạo ra tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao của ngành.
80% nhân lực du lịch chưa qua đào tạo chuyên ngành
Sinh viên CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long tại Hội thảo. Ảnh: L.H.

Tại Hội thảo quốc gia ngành du lịch, tổ chức tại TP HCM, hôm nay, Bộ Giáo dục đào tạo cho biết, toàn ngành du lịch chỉ có khoảng 20% được dạy đúng chuyên ngành.

Dự báo đến năm 2010, Việt Nam sẽ đón khoảng hơn 30 triệu lượt khách quốc tế và nội địa, tương ứng với 1,4 triệu lao động cần có trong ngành. Số lượng nhân lực du lịch qua đào tạo cần tăng thêm khoảng 19 nghìn mỗi năm, nhưng hiện con số chỉ dừng ở mức 13 nghìn sinh viên.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, nhân lực du lịch phân bố không đều giữa các vùng miền, hiện tượng thừa - thiếu cục bộ lao động giữa các địa phương khiến ngành khó khăn trong phân bố. Hầu hết khách sạn cao cấp tại các thành phố lớn đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, giỏi tin học, ngoại ngữ.

Thạc sĩ Đỗ Huệ Hương, ĐH Hoa Sen TP HCM cho rằng nhược điểm của hầu hết sinh viên ngành du lịch là không được chuẩn bị các kỹ năng "mềm", nền tảng ngoại ngữ từ các bậc học dưới. Theo bà Hương, sinh viên nước ngoài chỉ cần 6 tháng trang bị các kỹ năng hướng dẫn du lịch, thì ở Việt Nam phải mất 4 năm đào tạo.

"Không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp ngành khách sạn - nhà hàng đều thành thạo những kỹ năng cơ bản như xếp bộ đồ ăn, xử lý tình huống. Các khách sạn cũng luôn e ngại nhận sinh viên bậc ĐH thực tập, vì các em chỉ muốn làm ngay công việc quản lý trong khi kỹ năng chưa thành thạo", bà Hương phản ánh.

Cơ sở vật chất không đồng bộ, chưa có chương trình đào tạo, tài liệu dạy nghề chuẩn cũng là nguyên nhân khiến lực lượng lao động ngành du lịch vừa thiếu vừa yếu. Đó là nhận định chung của các đại biểu.

Gay gắt hơn, Giám đốc Sở du lịch Hải Phòng, Trần Trung Dung cho rằng, việc đào tạo nhân lực ngành du lịch còn tùy tiện tại nhiều địa phương. Ông Dung cho biết, tại tỉnh có trường tư thục được UBND một tỉnh miền Trung ra mở cơ sở đào tạo.

Trường này chỉ thuê hai phòng học, 3 nhân viên khách sạn đã nghỉ việc, copy giáo trình của trường Du lịch Hà Nội rồi chiêu sinh đào tạo sơ cấp du lịch, thu học phí cao, nhưng rất đông học sinh. Sở dụ lịch Hải Phòng có ý kiến, nhưng Tổng cục Du lịch không can thiệp vì lý do "trường do địa phương mở".

"Thời gian đào tạo tối thiểu, giáo viên không đạt chuẩn, không có cơ sở thực hành..., sinh viên tốt nghiệp trường này sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ của ngành du lịch địa phương", ông Dung nêu ý kiến.

Nhiều hợp đồng đào tạo nhân lực du lịch theo yêu cầu giữa DN và các trường được ký ngay tại Hội thảo. Ảnh: L.H.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đánh giá quy mô tuyển sinh của các cơ sở đào tạo du lịch hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu đào tạo du lịch của xã hội. Tình trạng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp thiếu lao động lành nghề, và phải đào tạo lại cho hầu hết học sinh, sinh viên được đào tạo chuyên ngành.

"Các trường có khoa, ngành du lịch nên áp dụng chuẩn đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn châu Âu, đồng thời thực hiện rà soát để đánh giá, xếp hạng trong thời gian tới. Còn các doanh nghiệp cần chủ động "đặt hàng" nhu cầu nhân lực với các trường, tránh lãng phí chất xám", Phó thủ tướng đề nghị.

Hôm nay, 59 hợp đồng đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo đã ký kết tại hội thảo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật