Hải Phòng cam kết xử lý vụ việc xong trong tháng 3

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 11-2, một ngày sau khi Thủ tướng Chính Phủ kết luận các sai phạm trong việc giao, tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn huyện Tiên Lãng, một số cán bộ đương chức của huyện này “hé lộ“ khoảng tối trong vụ việc.
Hải Phòng cam kết xử lý vụ việc xong trong tháng 3
Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền (người ngồi giữa thứ 2 từ trái sang) tại buổi công bố quyết định đình chỉ công tác 2 lãnh đạo huyện Tiên Lãng. Ảnh: Nam Khánh

Trận "động đất" ở Tiên Lãng

Ông Nguyễn Văn D, một cán bộ thuộc cơ quan tham mưu của huyện Tiên Lãng cho biết: Chủ trương thu hồi đất nông nghiệp của các chủ đầm nuôi trồng thủy sản đã được Huyện ủy Tiên Lãng ra nghị quyết từ nhiều năm trước. Khi đó, một số phòng chức năng của huyện Tiên Lãng đã lên tiếng "can gián". Tuy nhiên, các ông Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Nghĩa; Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền đã liên tiếp đưa vấn đề thu hồi đất ra trước các cuộc họp của Huyện ủy, UBND huyện. Thậm chí, tại cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt huyện Tiên Lãng khi bàn về việc tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất, một lãnh đạo cơ quan Tư pháp của huyện Tiên Lãng,  người đã nhiều năm yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng phải nghiêm túc thực hiện các quy định Luật Đất đai đã được ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, chủ trì cuộc họp "mời" ra khỏi phòng họp.

Điều đáng nói, quyết định thành lập Ban chỉ đạo cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng có đầy đủ các thành phần như Phòng TN-MT, Phòng NN&PTNT, CA huyện, Chánh thanh tra, Phòng Tư pháp... Tuy nhiên, hầu như các cơ quan tham mưu của huyện Tiên Lãng đã không nhận ra được sai lầm trong việc áp dụng luật trước khi tổ chức cưỡng chế như: Người ra quyết định cưỡng chế đã không tổ chức đối thoại với người bị cưỡng chế như quy định. Các cơ quan chức năng của UBND huyện cũng không tham mưu cho UBND huyện tổ chức kiểm kê tài sản không thuộc đối tượng cưỡng chế.... Theo ông Nguyễn Văn D, sau khi Thủ tướng Chính Phủ kết luận vụ việc, hàng loạt cán bộ chủ chốt của UBND huyện Tiên Lãng đã phải làm kiểm điểm cá nhân để tự đề xuất hình thức kỷ luật.

Lãnh đạo Sở TN - MT có thực sự vô can

Theo xác minh của PV , trước khi UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định 3307, quyết định cưỡng chế thu hồi 19,3ha đất đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn, UBND huyện Tiên Lãng đã có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng, đề nghị cấp trên trợ giúp về mặt pháp lý. Ngày 17-8-2011, UBND TP Hải Phòng đã có Công văn số 4778/CV-UB chỉ đạo ba ngành TN-MT; Công an; thanh tra TP Hải Phòng "giúp đỡ" huyện Tiên Lãng về mặt pháp lý khi tổ chức cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đầm nuôi trồng thủy sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, Sở TN-MT giao cho Phòng quản lý tài nguyên đất chủ trì cuộc họp với huyện Tiên Lãng để xác định các căn cứ pháp lý trong việc giao, thu hồi đất. Phòng quản lý tài nguyên đất của Sở TN-MT đã có tới hai cuộc họp với huyện Tiên Lãng. Không hiểu "chất lượng" cuộc họp này hiệu quả đến đâu, chỉ biết rằng, sau đó UBND huyện Tiên Lãng vẫn ra quyết định tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trái luật.

Tại cuộc họp báo ngày 12-1-2012, ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN-MT TP Hải Phòng vẫn bảo lưu "quan điểm", lớn tiếng kết luận: UBND huyện Tiên Lãng tổ chức giao, thu hồi gần 1.000ha đất nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn và các chủ đầm khác là hoàn toàn đúng Luật.

Trở lại vụ việc cưỡng chế thu hồi 19,3ha đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn, ngày 16-1, Văn phòng Chính Phủ có Công văn 56/VPCP-KTN yêu cầu UBND TP Hải Phòng phải báo Thủ tướng các nội dung rà soát toàn bộ nôi dung về căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục giao đất, quá trình quản lý sử dụng đất... Tới ngày 18-1, ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng vẫn ký Thông báo số 29- TB/HU để gửi tới Thường trực Thành ủy Hải Phòng, các Ban của Thành ủy Hải Phòng, các chi ủy, đảng ủy cơ sở... để quán triệt chủ trương rằng: UBND huyện Tiên Lãng đã thực hiện đúng các Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện về việc cần phải thu hồi diện tích đất này. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất là đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục quy định của Pháp Luật. Ông Nghĩa còn nhấn mạnh, đây là việc làm cần thiết để bảo đảm kỷ cương pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện, đảm bảo sự công bằng xã hội. Ông Nghĩa cũng yêu cầu các cấp ủy đảng của huyện Tiên Lãng cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ đảng viên và tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu rõ bản chất vụ việc...

Theo nguồn tin của PV báo PL&XH, các thẩm phán Phạm Thị Nga, TAND huyện Tiên Lãng, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án ông Đoàn Văn Vươn kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng; thẩm phán, chánh án TAND huyện Tiên Lãng Hoàng Thị Toan, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ việc ông Vũ Văn Luân kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đã phải làm kiểm điểm, giải trình việc ra bản án "trái luật".

Công bố quyết định đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng

Chiều 11-2, tại trụ sở UBND huyện Tiên Lãng, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đọc quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với các ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng. Các quyết định này được Chủ tịch UBND TP Dương Anh Điền ký ngày 9-2.

Sáng 11-2, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã chủ trì cuộc họp của UBND TP để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 10-2-2012 của Văn phòng Chính Phủ kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Tham dự cuộc họp, ngoài các thành viên của UBND TP Hải Phòng còn có các ngành Công an, Tòa án, viện Kiểm sát, thanh tra, ngành TN-MT... Ông Dương Anh Điền cho biết, nhằm khắc phục các hậu quả do việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất vi phạm Luật Đất đai của UBND huyện Tiên Lãng,  UBND TP Hải Phòng đã giao các ngành chức năng, huyện Tiên lãng tiến hành thủ tục thu hồi các Quyết định thu hồi đất 460 ngày 23-4-2008, Quyết định 461 ngày 7-4-2009, Quyết định cưỡng chế số 3307 ngày 24-11-2011 của UBND huyện Tiên Lãng;  khẩn trương triển khai các thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2003.

Ngoài ra, UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng của Hải Phòng khẩn trương hoàn thành và công bố kết quả điều tra vụ án phá nhà ông Đoàn Văn Quý.

Để triển khai thu hồi các quyết định thu hồi đất trái luật trên địa bàn huyện Tiên Lãng, UBND TP Hải Phòng thành lập Tổ Công tác do ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP làm Tổ trưởng, lãnh đạo các Ban Thành ủy, Ban Pháp chế HĐND, Ủy ban MTTQ, Hội nông dân, viện Kiểm sát, TAND tham gia theo dõi, giám sát thực hiện. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng khẳng định sẽ xử lý xong vụ việc theo kết luận của thủ tướng ngay trong tháng 3-2012.

Ai có trách nhiệm bồi thường cho gia đình ông Vươn?
Theo Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì việc giải quyết bồi thường phải "kịp thời, công khai, đúng Pháp Luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ; được trả một lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác". Cũng theo luật, cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái Pháp Luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Trong vụ việc này, UBND huyện Tiên Lãng phải đứng ra bồi thường thiệt hại tài sản cho gia đình ông Vươn, ông Quý. Sau đó, các cá nhân trực tiếp gây ra thiệt hại (người  ký ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi, ra lệnh, chỉ đạo phá nhà, phá tài sản, hoa màu…) sẽ có trách nhiệm hoàn trả cụ thể theo luật. Cụ thể, gia đình ông Vươn sẽ gửi đơn đến UBND huyện Tiên Lãng để yêu cầu bồi thường, đồng thời gửi đề nghị đến UBND TP Hải Phòng bởi Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - người đứng đầu UBND huyện đã bị đình chỉ công tác.
Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Cty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho vợ ông Vươn cho biết, Cty này đang xem xét toàn diện sự việc để tư vấn cho gia đình ông Vươn về yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo luật sư Long, thực tế, gia đình ông Vươn đã tôn tạo và xây dựng bằng nhiều công sức mới có được cơ ngơi đầm nuôi trồng thủy sản như hiện tại. Bây giờ sẽ phải xác định trị giá những tài sản bị phá dỡ như nhà cửa, cây trồng bị phá đổ nát, súc vật nuôi bị mất; Số tiền đầu tư vào tôm, cá, trong đầm giờ không còn; Thời gian gián đoạn trong việc thu lợi khi cả gia đình trông chờ vào khu đầm, hiện tại mất công ăn việc làm, không biết làm ăn thế nào…
Luật sư Long khẳng định, mặc dù trước khi cưỡng chế, UBND huyện Tiên Lãng đã có thông báo dừng đầu tư nuôi trồng thủy sản nhưng khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, UBND huyện Tiên Lãng vẫn phải tiến hành kiểm kê, lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản trên đất của gia đình ông Vươn; thuê người trông giữ, bảo quản và thông báo thời gian, địa điểm, để gia đình ông Vươn đến nhận lại tài sản theo đúng qui định của Pháp Luật. Mặt khác, nếu không tiến hành kiểm kê, thống kê tài sản trên đất của gia đình ông Vươn thì UBND huyện Tiên Lãng cũng không thể có căn cứ và cơ sở để bàn giao đất và tài sản trên đất của gia đình ông Vươn cho UBND xã Vinh Quang quản lý. Bởi vậy, những thiệt hại này cần được cơ quan chức năng phối hợp với gia đình ông Vươn thống kê cụ thể, làm cơ sở xem xét bồi thường.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật