Người mua thủy sản vơ vét từ đầm ông Vươn lên tiếng

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng - Hải Phòng tiếp tục có nhiều thông tin gây bất ngờ. Nhóm pv Phunutoday đã tiếp xúc với một số người mua thủy sản trong đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn sau hôm xảy ra vụ nổ súng. Những thông tin từ người buôn thủy sản hé mở câu trả lời: Ai vơ vét thủy sản trong đầm ông Vươn?
Người mua thủy sản vơ vét từ đầm ông Vươn lên tiếng
Sản lượng thủy sản đến tuổi đánh bắt hiện có trong 40,3 ha đầm của Vươn, Quý lên tới hàng chục tấn.

Thu mua thủy sản trong đêm

Ngồi trong căn chòi dựng tạm, chị Nguyễn Thị Thương (Vợ ông Đoàn Văn Vươn) cho biết: sau khi chị và chị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) từ trại tạm giam trở về khu đầm thì thấy nước trong đầm đã bị người ta tháo cạn nước, không một bóng con cá, con tôm.

Nhiều hộ dân khác báo lại với các chị, có rất nhiều người lạ mặt đã sử dụng phương tiện đánh bắt bằng điện như kích điện, te điện…thu hoạch số thủy hải sản mà gia đình chị đầu tư, nuôi thả, thậm chí hàng nghìn buồng chuối đang ủ chờ bán vào dịp Tết cũng bị lấy đi.

Chị Hiền nói như khóc: “Khi chúng em về chẳng còn gì nữa. Nhà cửa, tài sản, vật dụng, sách vở của các cháu đã bị đốt sạch. Ngay cả hai xe phân gà mua từ trang trại từ thành phố về để nuôi tép, để tận phía sau khu nhà to kia cũng bị cuỗm đi”.

Sản lượng thủy sản đến tuổi đánh bắt hiện có trong 40,3 ha đầm của Vươn, Quý lên tới hàng chục tấn.

Chị Thương cho biết, ngày 5/1/2012, diện tích khu đầm 19,3 ha bị lực lượng cưỡng chế thu hồi và tiếp quản, còn 21ha tính vào trong chân đê quốc gia không thuộc diện cưỡng chế đã được chính quyền huyện Tiên Lãng bàn giao lại cho chính quyền xã. Từ đó, chính quyền xã thuê người trông coi khu đầm.

Nhiều bà con ở khu vực xóm Chùa – gần với khu đầm của anh Vươn cho biết, những người tiếp quản mới này đã sử dụng kích điện, te điện… tận thu số thủy hải sản trong đầm.

Sau đó, một số lái buôn trong làng, thậm chí ở ngoài làng đã xuống tận nơi để thu mua. Việc buôn bán xảy ra ngay trong đêm, sang ngày hôm sau thì đem đi bán dạo cho mấy chị buôn bán tại nhà ở trong xóm.

"Tôi mua của nhiều người"

Trong vai người ở xa đến tìm mối hỏi mua thủy sản về bán buôn chúng tôi đã tiếp cận được một số nhân vật quan trọng. Chị N.T.S (người xóm Chùa trên – xã Vinh Quang), người từng thầu 6ha đầm nhà anh Vươn để nuôi trồng và khai thác thủy hải sản.

Chị S cho biết, chị đi buôn thủy hải sản các loại gần hai chục năm nay, từ khi gia đình anh Vươn được giao đất, gây dựng khu đầm để nuôi trồng tôm, cua, cá…Chị cũng là nguồn thu mua chính từ đầm nhà anh Vươn.

Tùy vào sản lượng mỗi lần gia đình anh Vươn đánh bắt, chị đều thu mua hết. “Đã có cân, có lạng, có giá cả, anh Vươn bán bao nhiêu cân, bao nhiêu tạ, là tôi mua bấy nhiêu. Giá mua vào của từng loại khác nhau, như tép là 90.000 đồng/kg, tôm giảo 80.000 đồng/kg. Cá vược bé 85.000 đồng/kg, cá vược to: 100.000 đồng/kg, tôm sú loại ba hoa (ba con tôm được 1 lạng) dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/kg; loại năm hoa (hai con được 1 lạng) giá lên tới 450.000 đồng/kg. Giá cua vào thời điểm cuối năm lên tới 600 – 700.000 đồng/kg.

Giá thu mua này còn biến động trong ngày, nếu mua vào buổi sáng, mặt hàng còn tươi thì mua với giá đó, nếu vào buổi chiều thì giảm xuống 5 đồng mỗi loại, và còn tùy theo mặt hàng đẹp hay xấu”, chị S. kể lại.

Chị S khẳng định: "Bắt đầu từ ngày 5/1 khu đầm nhà anh Vươn bị cưỡng chế chị phải chuyển sang thu mua của những người bán dạo và những chủ đầm khác. Thậm chí tôi mua của một số người tiếp quản đầm nhà anh Vươn".

Các con cháu của anh Vươn, anh Quý tìm kiếm xem còn vật dụng gì sót lại trong đống đổ nát.


“Có mấy thanh niên đem đến bán, tôi cũng không hỏi tên làm gì vì người ta bán thì tôi mua. Có khả năng người ta bán ở những chỗ khác được giá cao hơn, còn tôi chỉ mua được bằng với giá mua của anh Vươn, nên mua được hai hôm thì tôi không mua nữa.

Hôm đầu tiên còn mua được 20 kg tép, hôm thứ hai chỉ được 5kg cá rô phi nhỏ, còn lại là tôm cá nát bét, không đáng bao nhiêu tiền, có bán cá chó, cá mèo thì cũng không lãi lời được bao nhiêu, nên tôi không mua nữa. Còn cá to bán ở đâu thì tôi không biết.

Khi mấy thanh niên đi khỏi, thì mấy người mới nói đây là người đang bảo vệ ở dưới đầm nhà anh Vươn thì tôi mới biết”.

Vợ anh Quý cho biết, tổng số tiền mà gia đình chị đầu tư vào mua con giống lên đến 400 triệu đồng, bao gồm: tôm sú, cá trắm 7.000 con, cua giống do anh Quý thả khu đầm phía trong là 3.000 con, anh Vươn thả phía ngoài hàng vạn con, giống cá vược 5.000 con, ngoài ra còn có nguồn thủy sản tự nhiên (tôm lược, tôm giảo và tép…) không thể kể hết được.

Theo lịch trình, sau khi ăn Tết Nguyên đán xong, đến tháng 2 âm lịch, tiết trời ấm lên, gia đình anh Vươn bắt đầu thả con giống xuống đầm để chăn nuôi. Đến tháng 12 hàng năm sẽ là thời điểm khai thác, bán vào cận Tết vì giá cả thủy sản cao hơn.

Với con số đầu tư chăn thả các giống kể trên, sản lượng thủy sản đến tuổi đánh bắt hiện có trong 40,3ha đầm của anh Vươn, anh Quý lên tới hàng chục tấn. Tính theo giá thị trường, số tiền thu được từ việc khai thác những loại vật nuôi này lên đến nhiều tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2009, gia đình anh Vươn bắt đầu trồng chuối trên các be bờ quanh đầm. Dự kiến hàng nghìn buồng chuối đang trổ buồng sẽ được thu hoạch đợt hai vào giáp Tết, số tài sản đó không thể tính được giá trị kinh tế bởi đó có biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt hàng chục năm trời của một kỹ sư, một cựu chiến binh.

Chị Thương xót xa: “Từ trước đến nay, khi đến đợt thu hoạch, gia đình tôi chỉ giăng lưới ở miệng cống, rồi xả nước để cá, tôm, cua theo dòng chảy về lưới, hoàn toàn là đánh bắt thô sơ để còn bảo đảm, gây giống cho đợt mới.

Nhưng người ta dùng đến phương tiện đánh bắt bằng điện để ke, để kích như thế thử hỏi có loài nào sống sót. Làm như thế là hủy diệt trứng, hủy diệt môi trường sống của thủy sản. Nếu như mai này chúng tôi có lấy lại được khu đầm, thì không biết có loài nào sống được không?”.

Kết luận bước đầu của Thành ủy Hải Phòng

Chiều 7/2, tại cuộc họp báo về vụ cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng,  Ban Thường vụ Thành ủy TP Hải Phòng quyết định: đình chỉ công tác của Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, người trực tiếp chỉ đạo tổ chức vụ cưỡng chế đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.

Các cá nhân khác bị kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc bao  gồm: ông Lê Văn Mải - Trưởng Công an huyện Tiên Lãng, ông Phạm Đăng Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang và ông Lê Thanh Liêm - Chủ tịch xã Vinh Quang.

Thành ủy Hải Phòng đã nêu rõ 5 vấn đề tồn tại trong vụ ông Đoàn Văn Vươn gồm: huyện Tiên Lãng không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi để công bố đối với người có đất bị thu hồi; không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi; không tổ chức đối thoại với người được giao đất bị thu hồi; sau cưỡng chế để xảy ra việc nhà trông đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn bị phá hủy; việc tổ chức cưỡng chế vào thời điểm sát Tết đã gây phản ứng trong dư luận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật