Nam Phi chạy đua tiêm chủng chống chọi Omicron

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giới nghiên cứu Nam Phi đang chạy đua tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân, đồng thời nỗ lực giải mã bí ẩn biến chủng Omicron vì mối lo nó có đến 50 đột biến so với chủng gốc.
Nam Phi chạy đua tiêm chủng chống chọi Omicron
Người dân chờ tiêm vaccine tại khu vực East Rand, Nam Phi (Ảnh: Reuters).

Giới chuyên gia Nam Phi đang nỗ lực làm rõ câu hỏi liệu vaccine có giảm hiệu quả trước biến chủng mới hay không, nhằm giúp giảm tình trạng nhiễu loạn thông tin và chính sách chống dịch vài ngày qua trên khắp thế giới.

Biến chủng Omicron xuất hiện tại khu vực tiêm chủng thấp nhất thế giới. Trước đó, các chuyên gia đã dự báo rằng, việc không ưu tiên tiêm chủng cho các quốc gia châu Phi sẽ khiến nơi này có thể trở thành "vườn ươm" cho biến chủng mới và khiến thế giới không thể vượt qua đại dịch.

Hiện nay, mới khoảng 10% người dân ở châu Phi đã được tiêm 1 liều vaccine Covid-19, so với con số 64 % ở Bắc Mỹ và 62% ở châu Âu.

Nhưng mọi việc đang dần thay đổi. Trong những tuần gần đây, vaccine bắt đầu tràn vào châu Phi, và thách thức mới đặt ra là làm thế nào để nhanh chóng mở rộng quy mô tiêm chủng như cách Nam Phi đã làm.

Tính tới ngày 2/12, số liệu trên trang Ourworldindata, một dự án tại Đại học Oxford (Anh) chuyên theo dõi tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới, cho thấy gần 25% dân số đã tiêm đủ liều và 4,7% đã tiêm một liều. 

Shabir Madhi, nhà virus học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg (Nam Phi) cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được vấn đề cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Nhưng ở những nơi chúng có sẵn, các quốc gia đang phải vật lộn để mở rộng quy mô tiêm chủng".

Các nhà khoa học ở Nam Phi, nơi có cơ sở giải trình tự gen phức tạp nhất tốt nhất châu lục, là những người đầu tiên công bố phát hiện ra chủng Omicron. Nam Phi cũng là nơi có tỷ lệ tiêm chủng tốt hơn hầu hết các quốc gia trên lục địa, dù mới 1/4 dân số được tiêm đầy đủ và chính phủ cho biết họ vẫn có số lượng lớn vaccine trong kho dự trữ.

Nhưng vấn đề là chiến dịch tiêm vaccine quá chậm chạp. Hồi tuần trước, các quan chức cho biết, chiến dịch tiêm chủng ở Nam Phi đang đạt khoảng 50% tỷ lệ mục tiêu. Để ngăn ngừa việc vaccine hết hạn sử dụng, chính phủ thậm chí đã hoãn một số đợt giao hàng dự kiến vào đầu năm sau.

Trong một cuộc họp ngắn mới đây để thông báo về phản ứng của chính phủ nước này trước chủng mới, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, nội các của ông đang xem xét việc bắt buộc sử dụng vaccine tại các địa điểm và một số hoạt động cụ thể.

Tuy nhiên, trước khi thực thi các quy định mới, một nhóm đặc nhiệm sẽ điều tra "một cách tiếp cận công bằng và bền vững". "Ở một quốc gia nơi vaccine miễn phí, đây là một cách tiếp cận đáng mong đợi hơn là áp đặt thêm các hạn chế mới", Tổng thống Ramaphosa nói, và cho biết các ca nhiễm virus nói chung đã tăng gấp 3 lần trong một tuần.

Đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc ở nơi công cộng và lệnh giới nghiêm được áp dụng từ nửa đêm đến 4 giờ sáng. "Chúng tôi biết đủ về biến chủng mới để biết mình cần làm gì nhằm giảm lây nhiễm và bảo vệ bản thân chống lại nguy cơ nhiễm nặng và t‌ử von‌g", ông Ramaphosa nói.

"Công cụ đầu tiên, mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có là tiêm vaccine. Nhưng vấn đề không chỉ là do người dân e dè tiêm chủng do thông tin sai lệch mà do loạt vấn đề phức tạp về hậu cần, tài chính và thậm chí cả chính trị", nhà lãnh đạo này nhấn mạnh thêm.

Ở Nam Phi, chủ‌ng tộ‌c là một yếu tố gây ảnh hưởng lớn. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Johannesburg phát hiện ra rằng người da trắng ngần ngại tiêm vaccine hơn người d‌a mà‌u, nhưng nhiều khả năng họ sẽ được tiêm sớm vì đã được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Cuộc chạy đua tiêm chủng cho người châu Phi đang tiến triển. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 8 tuần qua, 30 quốc gia châu Phi đã sử dụng 80% số vaccine nhận được. Chỉ có Djibouti và Cộng hòa Dân chủ Congo là nơi mới tiêm 20% số vaccine nhận được.

Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Cho đến nay, các quốc gia giàu có mới chỉ phân phối 14% trong số 1,7 tỷ liều vacicne hứa hẹn cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào tháng 9 tới, theo dữ liệu của Ourworldindata.

Và cho dù những liều thuốc đó đến nhanh đến đâu, các chuyên gia cho rằng các quốc gia châu Phi cần được hỗ trợ để có thể tiêm cho người dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật