Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu trái cây

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Cục Trồng trọt, từ nay đến cuối năm 2021, dự kiến sản lượng trái cây thu hoạch tại các tỉnh phía nam khoảng 700.000 tấn. Nếu tính đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thì đạt hơn 1,7 triệu tấn. Đây là sản lượng lớn, cần lên kế hoạch tiêu thụ hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu trái cây
Sơ chế trái cây tại Công ty TNHH xuất, nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre). Ảnh: THÙY ANH

Trước tình hình đó, sáng 4/12, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức phiên kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trái cây. Tại diễn đàn, các doanh nghiệp xuất khẩu, các hệ thống bán lẻ, phân phối lớn như Vinmart, Sài Gòn Co.op, Central Retail, Mega Market... đã tổng hợp nhu cầu về số lượng, chủng loại trái cây từ nay đến cuối năm để các địa phương, vùng trồng, hợp tác xã chủ động nguồn cung.

Nguy cơ "tắc" đầu ra

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết: Tháng 12/2021, các tỉnh phía nam sẽ thu hoạch rộ các loại trái cây như: thanh long (Bình Thuận, Long An, Tiền Giang); bưởi (Bến Tre, Vĩnh Long); xoài (An Giang, Đồng Tháp); sầu riêng (Tiền Giang, Vĩnh Long)... Trong quý I/2022, sản lượng trái cây toàn vùng sẽ đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Với sản lượng đó, dự báo, từ nay đến cuối năm 2021 và trong quý I/2022, việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía nam sẽ gặp không ít khó khăn. Ngoài nguyên nhân do dịch Covid-19 thì việc tiêu thụ trái cây còn vướng các quy định mới về yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... của các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, chi phí sản xuất, giá vật tư nông nghiệp tăng cao tác động đến chi phí đầu vào, tăng giá thành sản xuất làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Cụ thể như với quả xoài-trái cây chủ lực của tỉnh Đồng Tháp hiện cũng gặp khó trong sản xuất và tiêu thụ. Ông Võ Việt Hưng-thành viên Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: Năm nay lượng tiêu thụ xoài kém hơn hẳn và giá cũng thấp hơn 30% so với năm ngoái, kéo lợi nhuận của nông dân xuống thấp. Không chỉ các công ty chế biến xuất khẩu thu mua ít mà lượng bán đi các tỉnh trong nước cũng giảm rõ rệt, do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều thời điểm, nên ảnh hưởng lớn đến sức mua và lưu thông hàng hóa.

Theo nhận định của nhiều nhà vườn, thì mặc dù cuối năm là cao điểm của thu mua trái cây cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhưng năm nay không khí cũng kém sôi động. Đáng chú ý là thị trường xuất khẩu trọng điểm Trung Quốc ban hành thêm nhiều quy định mới về thủ tục và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu theo Lệnh 248, 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 chắc chắn sẽ tác động đến số lượng doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường này, từ đó có thể khiến lượng trái cây Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam sẽ giảm xuống. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang tăng cường các biện pháp kiểm tra hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 nên sẽ làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu. Ngoài ra, theo Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên thì Trung Quốc dự định sẽ ngừng dịch vụ cảng biển xuất nhập khẩu ít nhất sáu tuần trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, điều này làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có nông sản Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng trái cây tươi không bảo quản được lâu. Trong khi đó, các thị trường như châu Âu, Mỹ... dù nhu cầu tiêu thụ nông sản đang phục hồi rõ rệt nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước lại gặp khó khăn khi chi phí tàu, container… tăng cao gấp hơn 10 lần so với thời điểm trước dịch Covid-19, cũng tác động lớn tới thị trường tiêu thụ trái cây trong nước.

Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và chứng nhận tiêu chuẩn

Xác định Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu trái cây chủ lực của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt cho biết: Dự kiến cuối năm nay hoặc sang năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến vùng trồng khoai lang, bưởi và sầu riêng của Việt Nam để xem xét điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Cũng năm 2022, Trung Quốc có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để bảo đảm yêu cầu từ phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand cũng đều cần các mã số này. Thậm chí, có những thị trường không cần đơn vị sản xuất trình giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt mà yêu cầu kiểm soát mã số, và khi đóng gói xuất khẩu thì bảo đảm sản phẩm không có tồn dư những loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép, hoặc vượt quá hạn định.

Để thực hiện được các yêu cầu đó thì hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã cần thống nhất sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn. Đại diện Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (TP Cần Thơ) nêu rõ: Theo kinh nghiệm xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp, muốn xuất khẩu trái cây số lượng lớn ra thị trường quốc tế thì các sản phẩm phải được sản xuất theo một quy trình đồng nhất. Thí dụ như sản phẩm bưởi da xanh của Trung Quốc có chất lượng tốt, xuất khẩu đi châu Âu 10 triệu tấn/năm. Về mặt số lượng sản phẩm như vậy thì không khó đối với các vùng trồng ở Việt Nam, nhưng thực tế hiện nay chúng ta vẫn vướng ở khâu đồng nhất do các hộ dân, hợp tác xã chưa có sự liên kết chặt chẽ. Do đó, thời gian tới các cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ người dân, hợp tác xã trong việc áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP vào sản xuất.

Về lâu dài, để trái cây chiếm được niềm tin của người tiêu dùng và nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xuất khẩu thì việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng trái cây của Việt Nam là việc làm cần thiết. Theo đó, TS Đoàn Hữu Tiến (viện Cây ăn quả miền nam) nhấn mạnh: Cần đồng bộ các giai đoạn từ lựa chọn vùng trồng, cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến lưu thông, thương mại để tạo ra các lô hàng cùng giống, đồng đều về kích cỡ và ngoại hình; có hàm lượng dinh dưỡng cao, thành phần dinh dưỡng phong phú; có độ ngọt phù hợp cho từng đối tượng người tiêu dùng. Về an toàn thực phẩm, tùy thuộc vào từng thị trường khác nhau mà tiêu chí khác nhau, nhưng xu hướng chung là các hó‌a chấ‌t có hại tồn dư trong trái cây phải giảm, có những chất bắt buộc phải bằng hoặc gần bằng 0. Do đó, cần áp dụng các biện pháp quản lý dinh dưỡng cho cây ăn quả, nhận diện nhu cầu dinh dưỡng và tình trạng dinh dưỡng của cây ăn quả theo từng giai đoạn sinh trưởng và mang trái để xác định loại phân bón và lượng phân bón phù hợp. Việc này không dễ thực hiện vì hiện tại công nghệ quản lý dinh dưỡng cho cây ăn quả vẫn còn là điều mới mẻ với người trồng ở Việt Nam, mặt khác chi phí cũng vô cùng tốn kém. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần sớm được quan tâm triển khai để theo kịp xu hướng sản xuất và tiêu dùng trái cây của nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật