Phát huy tối đa lợi thế mà FTA mang lại

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Phát huy tối đa lợi thế mà FTA mang lại
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản XNK Kiên Cường (Kiên Giang). Ảnh: TRẦN TUẤN

Thời điểm khi các FTA này có hiệu lực, được xem là cột mốc có tính bước ngoặt của Việt Nam trong tiến trình tham gia ngày càng sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng. Song đến nay, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết những cơ hội lớn, nhất là ưu đãi thuế quan từ các FTA này mang lại.

Liệu nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn chậm ban hành, thủ tục phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn hay do còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam vẫn "lơ mơ" về các FTA, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nước nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế?

Bỏ lỡ nhiều cơ hội

CPTPP là một FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, cùng các cam kết tác động trực tiếp tới nhiều chế định Pháp Luật Việt Nam. Do đó, khi cam kết của CPTPP có hiệu lực, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung và "nội luật hóa" 11 văn bản Pháp Luật, thực thi 63 nhóm cam kết của CPTPP về mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, dệt may, phòng vệ thương mại, mua sắm công, lao động,... Song vẫn có một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm dẫn tới các doanh nghiệp bị thiệt thòi, dù được hồi tố. Bên cạnh đó, các văn bản thực thi cam kết CPTPP vẫn gây ra một số vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, như trong lĩnh vực về đấu thầu, chứng minh quy tắc xuất xứ,...

Thậm chí, nhiều văn bản không chờ hướng dẫn phê chuẩn mới soạn nhưng vẫn bị ban hành chậm, chủ yếu do rà soát kỹ thuật kéo dài. Như việc rà soát để ban hành nghị định biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam khi thực thi CPTPP do cơ quan soạn thảo gặp vướng mắc vì việc cắt giảm thuế liên quan tới nhiều quốc gia và các thỏa thuận với đối tác, cho nên phải chờ giải thích,... Vì thế, tới cuối tháng 6/2019, nghị định này mới được ban hành, tức là chậm gần nửa năm so với thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Nguyên nhân của việc chậm ban hành được đánh giá do cả lý do khách quan, chủ quan nhưng chủ yếu là đầu tư nguồn lực về nhân lực, kinh phí chưa đầy đủ. Do đó, việc soạn thảo các nội dung văn bản Pháp Luật liên quan cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn.

Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến các FTA, tự coi đây không phải là "sân chơi" dành cho mình, việc tận dụng ưu đãi là rất khó khăn cho nên không tìm hiểu và rất mơ hồ về FTA dù đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa để phát triển. Một khảo sát của Trung tâm WTO và hội nhập mới đây cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp khi được hỏi về CPTPP hay EVFTA đều trả lời: "đã được nghe nói nhiều, nhưng không biết sâu". Cụ thể, 69,16% số doanh nghiệp phản hồi có nghe nói hoặc biết qua, 19,81% biết khá rõ và 4,81% biết rõ, chỉ có 5,84% hoàn toàn không biết gì. Chính vì vậy, đây cũng chính là một nguyên nhân nội tại khiến tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA còn thấp. Theo đó, Việt Nam mới tận dụng được trung bình khoảng 37% ưu đãi do các FTA mang lại và chỉ có 1,67% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP tận dụng được các ưu đãi thuế quan.

Doanh nghiệp cần chủ động hơn

"Trái ngọt" từ FTA mang lại đang thể hiện trên nhiều mặt, tuy nhiên rõ nét nhất qua con số tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường lớn trên thế giới. Theo số liệu từ Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương), so với thời điểm chưa có các FTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng gấp chín lần, Trung Quốc tăng gấp 15 lần, Hàn Quốc tăng gấp sáu lần,... Với EVFTA, bảy tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 32,4 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường các nước CPTPP cũng đạt 52 tỷ USD, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu sang các nước thành viên FTA là rất lớn, song không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội này bởi hiệu quả thật sự của các FTA phụ thuộc phần lớn vào hành động từ chính doanh nghiệp.

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, thực tế với 14 FTA đã có hiệu lực của Việt Nam cho thấy, lý do khiến nhiều cơ hội FTA đã bị bỏ lỡ vì các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA như: cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường đối với hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phi thuế quan khác. Điều này dẫn tới khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu còn hạn chế. Vì vậy, để tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới thì cần nhiều giải pháp mạnh hơn, trong đó Nhà nước cần sớm rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý, tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cần thay đổi tư duy, chủ động tìm hiểu sâu trước các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật của các FTA, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết để tập trung đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, tiếp cận thị trường mới, từ đó mới quyết định mình có được hưởng lợi không và hưởng lợi bao nhiêu từ các FTA.

Có thể thấy, cam kết về thuế quan dành cho Việt Nam trong các FTA là rất lớn cho nên Nhà nước và doanh nghiệp cần chủ động có những thay đổi để tạo lực đẩy cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư. Trong đó, phải đẩy nhanh việc thực hiện cải cách trong lĩnh vực thủ tục, hướng dẫn với chiến lược, tiêu chí và lộ trình thực hiện bài bản. Đồng thời, cần rà soát tính tương thích với các cam kết FTA và tham vấn đầy đủ các đối tượng liên quan, nhất là các doanh nghiệp; nội dung các văn bản phải "lên khung" càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận và thụ hưởng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ, nhận thức, hiểu biết về các FTA để chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia; cần tránh gặp phải các vụ kiện phòng vệ thương mại dẫn tới bị các nước lập ra các hàng rào phi thuế quan làm ảnh hưởng đến khả năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường mới của Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật