Giang Mạnh Hà trên những nẻo đường nghệ thuật

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giữa lúc cải lương và các bộ môn kịch hát chìm sâu trong khủng hoảng, phải vùng vẫy thoát hiểm, xuất hiện một lớp đạo diễn cải lương trẻ nghề vững, tài năng đang độ lại đầy nhiệt huyết như Hoa Hạ (TP. Hồ Chí Minh), Giang Mạnh Hà (Ðồng Nai), Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên (Hà Nội)… đã góp phần tạo nên sự khởi sắc nhất định, ngăn chặn cơn tụt dốc đáng sợ của hình thức sân khấu (SK) một thời vang bóng.
Giang Mạnh Hà trên những nẻo đường nghệ thuật
NSƯT - đạo diễn cải lương Giang Mạnh Hà.
Nổi lên như hiện tượng triển vọng của đội ngũ đạo diễn cải lương trẻ bằng loạt vở diễn gây chú ý với một bề dày lăn lộn sàn diễn từ Bắc vào Nam, Giang Mạnh Hà thực sự đã trải qua cả một chặng đường gập ghềnh, không mấy dễ dàng để rồi từng bước khẳng định vững chắc chỗ đứng của mình.

Cất tiếng khóc chào đời ở miền quê lúa Thái Bình, một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, nhưng ngay từ bé thơ, Giang Mạnh Hà đã say tiếng ca dìu dặt của cải lương từ chương trình SK truyền thanh. Cải lương cứ thế thấm sâu vào mầm non văn nghệ này một cách tự nhiên để rồi trúng tuyển học viên Khoa Diễn viên do Đoàn Cải lương Thái Bình tổ chức, tốt nghiệp xuất sắc, nhanh chóng trở thành một trong những nghệ sĩ trẻ hứa hẹn qua một số vai diễn nặng ký ở đơn vị nghệ thuật quê hương.

Đất phát tích và cũng là chốn đưa cải lương tới phồn thịnh là Nam Bộ. Đây mới thực sự là trường nghề uy tín nhất và cũng là môi trường thử thách khắc nghiệt nhất những ai có chút ít khả năng và ước mơ trở thành nghệ sĩ cải lương. Ý thức sâu sắc điều đó, Giang Mạnh Hà vẫn nóng lòng chờ cơ hội gặp gỡ trực tiếp những thần tượng thời thơ ấu và hơn thế, được cọ xát với những tên tuổi cải lương ngay tại sân nhà của họ, như một phép thử sòng phẳng, từ đó vỡ lẽ ra rõ ràng mình là ai? Mình có thể trụ lại ở chính mảnh đất dụng võ của cải lương trong vai trò gì?

Năm 1982, tròn 22 tuổi, gạt sang bên nỗi đau đổ vỡ hôn nhân, Giang Mạnh Hà quyết định chia tay với Đoàn Cải lương Thái Bình, vào phương Nam làm lại từ đầu hành trình gian khó lập thân lập nghiệp. Điểm dừng chân đầu tiên là Trường Nghệ thuật SK II, với chức nghiệp trợ giảng môn vũ đạo cải lương. Vừa len lỏi tới các rạp diễn, chứng kiến hiệu quả thực tế của vở diễn trong tiếp nhận tại chỗ của lớp khán giả sành điệu, vừa trực tiếp trao đổi với các nghệ sĩ bậc thầy, chàng giáo sinh trẻ như thấy mình được lớn lên trong nghề. Nhiều bí quyết của cải lương bây giờ mới được ngộ ra rồi lại được chính anh diễn giảng lại bằng dạng ngôn từ mang tính lý thuyết cộng với sự minh họa cụ thể trong ca diễn có sức thu hút học viên. Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận đã xôn xao về một giáo sinh trẻ người Bắc mà lại rất am hiểu về cải lương, Giang Mạnh Hà còn được mời thỉnh giảng ở nhiều nơi. Sau đó anh chọn Trường Nghệ thuật Đồng Nai làm bến đỗ lâu dài. Vừa giảng dạy, vừa phụ trách Khoa SK, Giang Mạnh Hà vẫn không quên thử sức mình ở một lĩnh vực mới. Ngay năm sau - 1983 - Hà mạnh dạn và hào hứng xông xáo đảm nhận thêm công việc đạo diễn với bao nhiêu kỳ vọng và hồi hộp chẳng rõ kết quả sẽ ra sao. Thế rồi lời khen ngợi của đồng nghiệp trùng hợp với sự tán thưởng hồn nhiên của khán giả trước vở diễn đầu tay của một người chưa từng có tăm tiếng gì trong nghề đạo diễn dội mạnh vào Hà như một cơn lốc xoáy khiến anh thao thức băn khoăn. Hóa ra lâu nay chính mình cũng chưa thấu tỏ hết chỗ mạnh nhất trong khả năng SK của bản thân. Làm đạo diễn? Ôi, cái chức nghiệp cao quý và còn mới mẻ ở SK nước ta - nó vang lên với bao cám dỗ hứa hẹn cả danh lẫn lợi vì đây chính là tác giả của vở diễn, người thổi hồn vào kịch bản. Liệu anh có duyên kỳ ngộ gì với danh hiệu cao sang mà khó với này không? Thì đó, những vang hưởng đồng tình của công chúng với tác phẩm đạo diễn của Hà vừa nhận được chẳng phải là bằng chứng hiển nhiên đó sao? Và Hà đã đi tới một quyết định mang tính bước ngoặt thứ hai trong đời. Lần thứ nhất dứt khoát chia tay trong đau đớn với nghề diễn viên để vào Nam làm giảng viên, lần này từ bỏ công việc đang ổn định để một lần nữa dấn thân vào công việc đầy vinh quang mà mạo hiểm: làm đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật ở Đoàn Cải lương Đồng Nai.

Với mục đích làm đạo diễn để tự học hỏi về nghề ngay chính trong thực tiễn sáng tạo và biểu diễn của một đoàn nghệ thuật tồn tại trong sự cọ xát hằng ngày với khán giả, Giang Mạnh Hà không chạy theo số lượng. Anh biết lượng sức mình, chỉ những kịch bản nào thực sự tâm đắc đến độ hình dung ra cách thức SK hóa nó thành hình tượng SK anh mới đảm trách. Còn những vở nào tự xét thấy chưa tìm ra chìa khóa mở được kịch bản, anh chủ động mời các đạo diễn tên tuổi về đoàn dàn dựng. Và trong vai trò khiêm tốn người cộng sự, Hà có mặt thường xuyên ở các buổi tập như dự giờ lên lớp để trải nghiệm và đúc rút thêm kinh nghiệm làm nghề. Sau 10 năm bươn chải, vật vã với nghề đạo diễn, tính đến năm 2000, anh đã đi qua 68 vở diễn đủ dạng khiến anh đã được dư luận biết đến và năm 2001, anh xứng đáng nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do Nhà nước phong tặng.

Nhưng với bản tính không bao giờ dừng lại, thỏ‌a mã‌n với những gì đã có, càng đạo diễn anh càng thấy nghề đạo diễn buộc phải chuyên nghiệp hóa. Sau bao nhiêu ngụp lặn ở thực tế đoàn nghệ thuật, Giang Mạnh Hà chợt nhận ra cần dành một khoảng thời gian để ngẫm nghĩ về nghề, để bổ sung thêm năng lượng chuyên môn, chuẩn bị cho những chặng đường mới.

Lại một lựa chọn đúng đắn và đúng lúc đến với anh. Giang Mạnh Hà tạm gác lại công việc quản lý một đoàn nghệ thuật với những kế hoạch dàn dựng vở diễn để dành hẳn thời gian theo học khóa đạo diễn SK ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh. Vở diễn báo cáo tốt nghiệp của Giang Mạnh Hà - Những ngôi sao biển đã vượt khỏi tầm mức của một tiết mục thi cử nhà trường mà hòa nhập với đời sống SK rộng lớn bên ngoài, hiện diện như một tác phẩm SK xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng. Đây là mảng đề tài mà anh dồn nhiều tâm huyết và tìm tòi nghệ thuật trong ngôn ngữ đạo diễn. Trước đó không lâu, vở diễn Dòng sông đỏ của Đoàn cải lương Đồng Nai do Giang Mạnh Hà đạo diễn đã được ghi nhận là một điểm sáng của cải lương trong chiều hướng đưa chất sử thi anh hùng một cách rất hòa nhịp với ngôn ngữ diễn tả của cải lương.

Không bó mình ở riêng đề tài quan trọng và khó khăn này, Giang Mạnh Hà còn thành công ở một số phương diện khác như mảng các vở diễn tâm lý xã hội, huyền thoại cổ tích. Ngay ở đề tài lịch sử, một sở trường của kịch hát, Hà cũng có được thành công vang dội ở vở Dời đô (tác giả Lê Duy Hạnh), một kịch bản hay về sự kiện Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc. Dời đô qua cung cách đặc tả của Giang Mạnh Hà vừa vang lên như một thông điệp chính luận hào sảng khởi đầu cho bước ngoặt lịch sử, vừa toát lên một cách thấm thía trong ngôn ngữ cải lương vốn nghiêng về khắc họa những khoảnh khắc cao trào của tâm trạng con người.

Bằng những vở diễn tầm cỡ và gây tiếng vang rộng rãi như thế, Giang Mạnh Hà đã gặt hái nhiều huy chương vàng tại các hội diễn SK chuyên nghiệp toàn quốc. Hà còn nhận danh hiệu Đạo diễn xuất sắc. Tên tuổi Hà đã thành thương hiệu, bảo đảm cho giá trị và sức nặng của tiết mục. Nhiều đoàn nghệ thuật cả nước đã săn đón và chào mời anh. Không những thế, anh còn được mời làm tổng đạo diễn cho nhiều chương trình lễ hội lớn như: Lễ hội thành lập Đảng, Lễ hội mừng thọ Bác, Lễ hội hẹn hò 9 dòng sông đồng bằng sông Cửu Long… Đặc biệt anh còn là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn chương trình nghệ thuật hoành tráng đêm 8/10/2010 tại sân Mỹ Đình trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật